Sau khi cha mẹ chia tay, bé N.T.K.H. (SN 2005) nghỉ học sớm, xin bán ở căng-tin một trường học thuộc H.Tân Phước, Tiền Giang. Lê Hoàng Kiều Thanh (SN 1988, xã Thạnh Tân, H.Tân Phước) là một phụ huynh có con học ở trường này, nhiều lần đến căng-tin mua thức ăn cho con và làm quen H. tại đây.
Đầu năm 2020, Thanh chủ động xin số điện thoại để kết bạn Zalo, Facebook và thường xuyên nhắn tin tán tỉnh H. Để tạo lòng tin, Thanh nói mình chưa có vợ và hằng ngày chỉ đến trường để đưa rước… cháu.
Đầu tháng 2/2020, sau khi hẹn gặp để tặng đôi giày vải, Thanh đã xâm hại H. tại nhà hoang của cha H. (cha mẹ ly hôn, đều đi lập nghiệp xa, gửi H. cho nội nhà ở gần đó nuôi dưỡng). Bé H. không đồng ý, nhưng đối tượng đàn áp và thực hiện hành vi. Thời điểm này, bé H. mới 14 tuổi 6 tháng.
|
Bị cáo Thanh vẫn được tại ngoại, mặc thường phục đến dự phiên sơ thẩm |
Ba lần tiếp sau đó (mỗi lần cách nhau một - vài tuần), Thanh dùng quà tặng như giỏ xách, quần áo, vòng đeo thời trang… để dẫn dụ H. vào địa điểm cũ và tiếp tục xâm hại. Mỗi lần quan hệ xong, Thanh đưa thuốc ngừa thai khẩn cấp cho bé H. uống.
Vài tháng sau khi quen biết, bé H. chủ động cắt đứt liên lạc vì phát hiện Thanh đã có vợ con chứ không độc thân như lời dối gạt.
Vào giữa năm 2020, H. đi chơi với bạn trai mới quen, về gần đến nhà, nghe tin cả gia đình nội đang tỏa đi tìm mình nên sợ quá trốn đi vài ngày.
Từ việc H. bỏ đi, gia đình trình báo cho công an xã Thạnh Tân và qua quá trình công an điều tra, xét hỏi, H. khai có quan hệ tình dục với bạn trai (vị thành niên) và cả Thanh. Qua làm việc với công an, Thanh cũng thừa nhận giao cấu bốn lần và có tặng những món quà cho H. trước mỗi lần dụ dỗ em.
Vào cuối tháng 10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Tân Phước khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Lê Hoàng Kiều Thanh với tội danh “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Ngày 15/4/2021, trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về việc vì sao đã khởi tố bị can mà không bắt giam, đại diện Công an H.Tân Phước cho biết: “Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn thì xét thấy cần thiết mới áp dụng. Đối với trường hợp này, không cần thiết áp dụng biện pháp tạm giam, liên ngành tố tụng thống nhất chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm rời khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất nhập cảnh. Hiện đối tượng vẫn đang chấp hành, ở địa phương chờ ngày xét xử”.
Phiên xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân H.Tân Phước vào ngày 31/5, tuy không tranh luận về tội danh, không hề mâu thuẫn về tình tiết, lời khai cũng như về trách nhiệm dân sự, nhưng phiên tòa vẫn kéo dài nhiều giờ với câu hỏi lặp đi lặp lại của hội đồng xét xử đối với gia đình bị hại về cân nhắc xin giảm nhẹ cho… bị cáo. Cho rằng không biết tuổi của H., bị cáo xin được hưởng án treo.
Tuy nhiên, ba mẹ bé H. cương quyết đề nghị tòa xử theo pháp luật, đúng người đúng tội. Gia đình bị hại bất bình khi nghe hội đồng xét xử phân tích: “Gia đình bị cáo đã xin lỗi rồi, đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”, “bị cáo bồi thường 50 triệu đồng là cao đấy”, “bị cáo có kinh tế khó khăn, làm thuê, là lao động chính của gia đình có ba con nhỏ”, “cha mẹ bị hại cũng có một phần lỗi của mình trong đó là thiếu quan tâm, quản lý con cái”, “gia đình bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo là điều tốt, thể hiện tình người với nhau, nằm đêm suy nghĩ xem”, “xin giảm án cho bị cáo hay không là quyền của gia đình bị hại, tuy nhiên, nếu gia đình bị hại không chủ động ý kiến thì hội đồng xét xử vẫn có thể xem xét được”…
Tội danh “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, thực hiện hành vi nhiều lần (tại điểm 1, khoản 2, điều 145 Bộ luật Hình sự - BLHS) quy định mức phạt tù 3-10 năm, nhưng tòa tuyên bị cáo bị phạt hai năm tù vì nhiều tình tiết giảm nhẹ: khắc phục hậu quả (?), thành khẩn khai báo, nhân thân tốt (không tiền án tiền sự, từng tham gia dân quân tự vệ của xã), gia đình có công cách mạng. Sau phiên tòa, bị cáo vẫn được về nhà, chưa chấp hành án, chờ ngày án có hiệu lực.
Ba của bé H. bức xúc: “Bản án không thấu tình đạt lý, quá nhẹ so với tội ác của bị cáo. Như vậy làm sao có tính răn đe? Hội đồng xét xử nặng lòng với hoàn cảnh của bị cáo mà vô cảm với con gái dại khờ của tôi, tổn hại của con là không thể bù đắp, tương lai của con sẽ ra sao?”.
Tô Diệu Hiền
Án xâm hại trẻ em - vận dụng tình tiết giảm nhẹ cần thỏa đáng
Với vụ án nêu trên, hành vi của anh Thanh đã cấu thành tội: “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (điểm a, khoản 2, điều 145 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, chế tài từ 3-10 năm tù. Và đây là loại tội phạm có khuynh hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay.
Đối với một vụ án hình sự, khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra sẽ cân nhắc, lựa chọn và quyết định áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn đối với bị can như: tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền đảm bảo, cấm đi khỏi nơi cư trú…
Trong đó: tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng (điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự) và biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú áp dụng cho bị can bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, đảm bảo có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tố tụng (điều 123 Bộ luật Tố tụng Hình sự).
Dù cơ quan điều tra lựa chọn biện pháp ngăn chặn nào, thì tất cả các quyết định tố tụng này đều phải được viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn mới có hiệu lực. Về thẩm quyền, viện kiểm sát có thể từ chối phê chuẩn hoặc hủy bỏ, thay đổi quyết định ngăn chặn của cơ quan điều tra nên vụ án nêu trên, bị can Thanh được tại ngoại có thể đúng về pháp lý nhưng về đạo lý, tình cảm sẽ khó thuyết phục gia đình bị hại và công luận.
Về quyết định hình phạt, tòa án sẽ căn cứ vào quy định của BLHS, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, yếu tố nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ... (điều 50 BLHS). Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điều 51 BLHS, điển hình như: người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; người phạm tội là cha, mẹ, vợ chồng con của liệt sĩ, người có công cách mạng…
Bên cạnh đó, tại khoản 1 điều 54 BLHS nêu: Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ.
Đối với vụ án này, do khung hình phạt từ 3-10 năm có biên độ rất lớn, nên nếu bị cáo Thanh có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì tòa án có thể quyết định hình phạt ở mức dao động từ 3-4 năm tù giam.
Tuy nhiên, tòa án không lựa chọn quyết định này mà quyết định xử dưới khung liền kề, tuyên phạt bị cáo hai năm tù giam. Đây là quyết định thuộc thẩm quyền của tòa án, nhưng tôi cho rằng gia đình bị hại không cam lòng. Còn nếu nhìn vụ án qua lăng kính xã hội, với mục tiêu chống xâm phạm tình dục trẻ em thì bản án này thiếu sức lan tỏa, thiếu tính phòng ngừa tội phạm nói chung, tội xâm hại trẻ em nói riêng, cũng như thiếu tính răn đe.
Luật sư Trần Hoài Nhân
(Đoàn Luật sư TP.HCM)
|