Theo thông tin quảng cáo, loại thuốc này được chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên, chỉ cần bỏ vào cháo ăn là có thể chữa dứt điểm cận thị trong vòng 15 ngày. Thuốc do “nhà thuốc gia truyền” mang tên thái chân đường, có địa chỉ tại đường dân chủ, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bào chế.
Cận bẩm sinh cũng chữa khỏi
Không chỉ khẳng định thuốc An Nhãn chữa cận thị an toàn, không gây tác dụng phụ, nhà thuốc này còn... làm "thơ" để cảnh báo người cận thị không nên sử dụng các phương pháp điều trị của Tây y: “Đôi mắt mẹ mù lòa trong bóng tối/ Do cận thị lâu ngày vì các con/ Bên Tây y họ khuyên mẹ đi mổ/ Làm mắt mẹ rách võng mạc về sau”. Cũng theo nhà thuốc Thái Chân Đường, nguyên nhân chính gây ra bệnh cận thị là do trẻ thiếu ngủ hoặc ngủ ít, thiếu cân từ nhỏ và do yếu tố di truyền.
Trong vai bệnh nhân (BN) có nhu cầu chữa cận thị, chúng tôi được tư vấn viên của nhà thuốc tiết lộ, bài thuốc đã chữa cận thị cho hàng ngàn người (?!) này được chiết xuất từ thành phần chính là nhân sâm, kỳ tử và bạch linh.
“Đây là những vị thuốc bổ, có tác dụng thẩm thấu sâu vào mắt, từ đó tác động trực tiếp vào võng mạc. Khi bị cận, võng mạc bị dãn ra; độ cận càng cao thì võng mạc càng mỏng. Khi uống thuốc, võng mạc sẽ đàn hồi tốt, không phải căng lên, từ đó điều trị khỏi bệnh cận thị”, cô nhân viên lý giải về cơ chế chữa cận thị của thuốc An Nhãn.
Khi chúng tôi tỏ ý phân vân bởi đôi mắt đã cận tới 10 năm và nặng 2,5 độ, cô này khẳng định chắc nịch: “Nhiều BN cận thị bẩm sinh, nặng từ 6 - 7 độ đã điều trị thành công”. Thuốc An Nhãn cũng được quảng cáo được thử nghiệm bởi chính bác sĩ (BS) của hiệu thuốc, sau hai năm chưa bị tái phát.
Sau khi khai thác tiền sử của BN, tư vấn viên của nhà thuốc cho biết, sẽ điều trị khỏi cận thị sau hai tháng, nhưng BN không cần lấy liền hai tháng thuốc mà chỉ cần lấy trước một tháng với số tiền là 1,3 triệu đồng, bao gồm cả 20.000đ tiền vận chuyển. Sau khi uống xong tháng đầu tiên, nhà thuốc sẽ xem tiến triển của mắt và cơ địa của từng người để điều chỉnh.
Cách sử dụng thuốc khá đơn giản: thuốc ở dạng hạt và dạng bột nên chỉ cần sắc trong vòng 30 phút hoặc cho vào trà hãm, hay múc hai thìa nấu cùng cháo. Nhân viên nhà thuốc cho hay, khi ăn hay uống vào sẽ có mùi hơi hắc và vị ngọt ở cuống họng.
|
Sản phẩm thuốc An Nhãn |
Chúng tôi viện cớ sẽ không mua qua điện thoại mà tìm tới địa chỉ nhà thuốc ở Hòa Bình để BS khám, cắt thuốc cho hợp với cơ địa, liền bị tư vấn viên gạt ngay: “Nếu em lên tận nhà thuốc thì các BS cũng chỉ bắt mạch chứ không đo độ cận chính xác như bên Tây y. Giai đoạn đầu, tất cả các BN đều dùng thuốc như nhau, sau đó BS mới xem xét, cho dùng thuốc tiếp”.
Làm giả giấy chứng nhận của cục ATTP
Trên trang facebook “Thái Chân Đường chữa cận thị”, nhà thuốc này cho hay đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận lưu hành số 015/2015/ ATTP - CNĐK. Theo đó, thông tin về cơ sở này là: nhà thuốc Đông y gia truyền chuyên về mắt Thái Chân Đường, địa chỉ số 7 đường Dân Chủ, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Đơn vị được chứng nhận: đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định kinh doanh và sản xuất thuốc Đông y gia truyền về mắt. Số cấp 00015/2015/ ATTP-CNĐK, có hiệu lực đến ngày 1/7/2018. Từ những thông tin này, phóng viên đã tìm kiếm trên trang web của Cục ATTP nhưng bất thành. Chúng tôi đã liên hệ với Cục ATTP để làm rõ vụ việc.
Ngày 27/9, Cục ATTP đã có công văn trả lời báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này. Theo Phó cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Hùng Long, sau khi kiểm tra hồ sơ trên toàn bộ hệ thống từ ngày 1/1/2015 tới nay, không có tên cơ sở nhà thuốc Đông y gia truyền chuyên về mắt Thái Chân Đường trên hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Liên quan đến số giấy chứng nhận đơn vị này công bố là 00015/2015/ATTP-CNĐK, Cục ATTP cho hay, đây là số giấy chứng nhận đã cấp cho Công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Tâm, có địa chỉ tại Q.10, TP.HCM, ngày cấp là 13/5/2015 và có hiệu lực đến 13/5/2018. Hiện, Cục ATTP đang chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình kiểm tra, xác minh tại cơ sở theo thông tin báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh.
Hại mắt vì chữa cận thị theo quảng cáo
Theo BS Vũ Tuệ Khanh, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, cận thị là tật khúc xạ gây rối loạn chức năng thị giác và không phương pháp nào có thể chữa khỏi. Hiện chỉ có các phương pháp điều chỉnh cận thị như: đeo kính, can thiệp vào giác mạc bằng phẫu thuật và chỉnh hình bề mặt giác mạc bằng đeo kính áp tròng ban đêm. BS Khanh nhấn mạnh: “Không có phương pháp nào tác động được vào cơ chế gây cận thị”.
BS Lê Thúy Quỳnh, Phó trưởng khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng có chung quan điểm: “Khi bị cận thị, trục nhãn cầu của người cận thường dài ra như quả nhót khiến hình ảnh hiện lên phía trước võng mạc, dẫn đến ảnh bị nhòe. Về nguyên tắc, không thể cho thuốc gì vào cháo để có thể làm co trục nhãn cầu này lại”.
Hiện nay, các phương pháp can thiệp chủ yếu đều nhằm mục đích kéo ảnh hiện lên đúng vào vị trí của võng mạc. Phương pháp mổ là để làm bào mòn, thay đổi độ cong của giác mạc theo mức độ khúc xạ đo được của BN. Kính áp tròng ban đêm là thấu kính cứng, ấn giác mạc dẹt xuống để có thể khỏi cận thị tạm thời trong vòng 12 - 24 tiếng đồng hồ... Do đó, BS Quỳnh khuyến cáo, BN nên hiểu đúng bản chất của bệnh cận thị, từ đó có sự lựa chọn phù hợp, tránh “tiền mất, tật mang”.
Tại BV Mắt Trung ương, BS Quỳnh đã ghi nhận nhiều trường hợp BN phải nhận “quả đắng” do tin lời quảng cáo chữa cận thị. “Nhiều BN đang đeo kính nhưng sau mấy tháng hè, nghe lời thầy thuốc, bỏ kính ra. Nhưng vào đến năm học, cô giáo than phiền các cháu không đọc được bài và khi đi kiểm tra lại thì độ cậ n đã tăng vọt. Không chỉ mất tiền của, việc nghe theo những phương pháp chữa cận thị chưa được kiểm chứng sẽ khiến người bị cận thị mất thời gian và mắt tăng độ”, BS Quỳnh chia sẻ.
Huyền Anh