Tiền đưa vợ giữ như bỏ ống heo

03/03/2020 - 05:48

PNO - Câu nói phổ biến trên mạng được thằng bạn quăng lên Facebook, khiến tôi chột dạ: chẳng lẽ nó “đập” vợ thật sao?


Gọi cho bạn, nghe giọng nó tức tối: “Tao vừa hỏi tiền bả đã đổ quạu, hỏi lấy tiền làm gì, xài gì mà mau hết, có đúng xài việc ấy không hay cho gái… Đầu tao muốn bốc hỏa, suýt bạt tai bả nhưng ráng nhịn. Nhớ lúc mang tiền về nộp, mặt bả tươi rói thấy ghét…”. Tôi rất cảm thông với nó vì cũng cùng cảnh ngộ.

A#nh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi có tật xài hoang, xài vô tội vạ, hết tiền lại vay bạn bè. Lúc còn đi học, mỗi lần má gửi tiền lên, tôi trả nợ xong hầu như rỗng túi. Từ dạo có người yêu, thấy tôi thường xuyên viêm túi nên nàng quản giùm. Cô ấy tỉ tê: “Cảm giác người mang nợ rất khó chịu, mặc cảm mình không bằng ai. Vả lại, bạn bè có dư dả gì mà mượn hoài, làm khó người ta”. Tôi nghe cũng có lý.

Nhận tiền má gửi, nàng để riêng phần tiền ăn, rồi mua sẵn xà bông, kem đánh răng cho tôi. Tiền tiêu vặt, nàng phát hằng tuần. Tôi xài hết thì ráng chịu. Vòng kim cô của người yêu khiến tôi phát bực. Nhiều lần hai đứa giận nhau. Tôi biết cô ấy muốn tốt cho tôi nên làm hòa. Khi mọi thứ đi vào nền nếp, tôi hiểu cô ấy luôn có lý.

Hai đứa về cùng một nhà, có trăm thứ phải chi. Thêm một đứa con, rồi hai đứa, chi phí càng nhiều, vợ quản càng chặt. Bệnh xài hoang của tôi thỉnh thoảng lại tái phát, mặc kệ vợ cằn nhằn. Bữa mới lãnh lương xong, bạn cũ ghé thăm, lôi nhau ra quán. Tàn tiệc, tôi máu lên, rủ cả bọn đi tăng hai. Xong tăng hai, một thằng nói khích: “Mày dám bao luôn tăng ba tao mới nể”. Dân chơi sợ gì mưa rơi, tới thì tới. Đêm đó, tôi chẳng nhớ về nhà bằng cách nào.

Tỉnh giấc sau cơn say nhừ tử, thấy mặt vợ u ám như trời sắp bão. Tôi chột dạ, biết bão này cỡ… cấp 12 chớ chẳng vừa. Vợ lầm lì không nói, lẳng lặng đi chiên cơm. Phải vậy chớ. “Đó mà cằn nhằn đây hả, độp lại liền. Tôi xài tiền tôi, đâu có xin cô”.

Hôm sau, cũng là cơm chiên. Hai đứa nhỏ phụng phịu: “Mẹ ơi, con thèm phở”. Vợ “dịu dàng”: “Ráng ăn đi con, “người ta” nổi hứng lên nữa, cơm chiên cũng không có mà ăn”. Tôi cắm cúi ăn, không thèm chấp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơm tối, hai đứa nhỏ còn có đĩa thịt, phần hai vợ chồng là canh toàn quốc và dưa mắm. Hôm sau là rau luộc chấm hột vịt dầm nước mắm. Cả tuần, thực đơn chỉ bấy nhiêu khiến tôi nổi da gà, giận vợ cành hông. Đi đứt có… nửa tháng lương chứ nhiêu, vợ cứ làm quá, đày chồng con như đi tù.

Mấy tháng sau, má tôi bị sỏi thận, phải mổ. Tôi rối cả ruột vì đứa con lớn cũng mới nằm viện, tốn bộn tiền. Tôi lọc danh sách bạn bè, “500 anh em giang hồ” sao giờ lọc tới lọc lui không biết nên mượn tiền ai. Tôi tắt điện thoại, vắt tay lên trán thở dài, thấy đời sao mà ảo. Vợ lẳng lặng đưa thẻ ATM, bảo rút 20 triệu mang về cho má. Tôi sửng sốt nhìn vợ, thấy “ống heo” khó chịu mọi ngày bỗng… đẹp như 
hoa hậu.

Tôi hiểu ra vợ ki bo dành dụm, nát óc tính toán thu chi cũng vì gia đình. “Nhân sự cấp cao” như… ống heo thế này, mới giữ được bếp ấm nhà êm, toàn vẹn sau trước. Nghĩ mà thương.

Đàn bà quản tiền chặt, đương nhiên, nhưng đôi khi cũng phải nới lỏng cho chồng dễ thở. Bởi đàn ông hứng lên cũng… đâu có nhiều. Ví như lúc vợ không cưỡng nổi trước thỏi son hay chiếc áo đẹp. Có vung tay một đôi lần cũng vì để mình vui, có gì là quá đáng. Hiểu, cảm thông cho nhau để cằn nhằn ít thôi, chừa phần để chồng thương. Tiền bạc là chuyện nhỏ, nghĩa vợ chồng mới là quan trọng, phải không vợ? 

Nguyễn Văn Đức

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • cười khẩy 05-03-2020 04:48:16

    Tóm lại ý ông chồng này là phụ nữ giữ tiền phải để chồng lâu lâu đi nhậu nhẹt, gái gú, mỗi lần chừng nửa hoặc 2/3 tháng lương thôi, trong nhà thiếu thốn mặc kệ, nhưng kg được phản ứng gì hết, như vậy thì chồng mới thương.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI