Người dân có vẻ dè dặt với vắc xin
Giữa tháng 6/2021, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường phòng, chống dịch, trong đó yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hoàn thành việc tiêm hai mũi cho trẻ từ 5 - 11 tuổi trong tháng 8/2022. Như vậy, chỉ còn hơn một tháng nữa là hạn chót để hoàn thành mục tiêu này.
Theo báo cáo ngày 24/7 của Bộ Y tế, tính tới nay, Việt Nam đã tiêm hơn 11 triệu mũi vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, trong đó có 7,5 triệu trẻ đã tiêm mũi thứ nhất, đạt 65,8%. Các tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi thứ nhất cho trẻ thấp là TP.Hà Nội (46,8%), tỉnh Hà Tĩnh (46,8%), TP.Đà Nẵng (33,9%), tỉnh Quảng Nam (34,7%), TPHCM (42,1%).
|
Hà Nội cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thấp (trong ảnh: Tiêm vắc xin mũi một cho trẻ em ở Hà Nội vào tháng 4/2022) - Ảnh: Bảo Khang |
Có hơn 3,7 triệu trẻ đã tiêm vắc xin mũi thứ hai, đạt 32,8%. Địa phương có tỷ lệ trẻ từ 5 - 11 tuổi tiêm mũi thứ hai thấp nhất là tỉnh Quảng Nam (9,8%), TP.Hà Nội (14,8%), TP.Đà Nẵng (14,2%), tỉnh Khánh Hòa (14,9%), tỉnh Vĩnh Phúc (15,7%).
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) - cho rằng, tiến độ tiêm chủng ở TP.Hà Nội và các tỉnh miền Bắc “chưa được như mong muốn”. Với đà này, TP.Hà Nội khó hoàn thành việc tiêm hai mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi trong tháng 8/2022. Một trong những nguyên nhân khiến tiến độ tiêm chủng chậm là, trẻ mắc bệnh COVID-19 nên phải trì hoãn tiêm chủng ba tháng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ở TP.Hà Nội, dường như do tiếp cận với nhiều luồng thông tin khác nhau - nhất là thông tin từ những nhóm phản đối vắc xin - người dân dè dặt hơn trong tiêm chủng.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Quang Thái nói: “Thực tế cho thấy, khi dịch xảy ra, người lớn và trẻ em đều nhiễm bệnh, số lượng nhập viện nhiều. Hiệu quả của vắc xin trong phòng, chống dịch như thế nào thì mọi người đều đã thấy. Do đó, cần tiêm vắc xin để tránh những hậu quả đáng tiếc như đã từng xảy ra trong năm 2021”.
Chấp nhận có hao phí vắc xin
Trước tình trạng tiêm chủng chậm, giữa tháng 7 vừa qua, Sở Y tế TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi thứ hai trong tháng 8/2022.
Theo một chuyên gia y tế của TP.Hà Nội, sự sát sao của chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến độ tiêm chủng. Như ở Q.Hai Bà Trưng, UBND các phường và các cơ quan, đơn vị trong quận đã tăng cường rà soát, vận động từng đối tượng tiêm chủng nếu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều.
Bên cạnh đó, trung tâm y tế quận còn phối hợp với phòng văn hóa thông tin quận và hệ thống đài truyền thanh phường, nhà trường tăng cường tuyên truyền về tiêm chủng, thông báo lịch tiêm chủng. Nhờ đó, tính đến ngày 21/7, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất cho trẻ 5 - 11 tuổi đạt 97,06%, tiêm mũi thứ hai đạt 33,49%; tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất cho nhóm 12 - 17 tuổi đạt 99,93%, tiêm mũi thứ hai đạt 99,91%; tỷ lệ tiêm mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 97,96% và tiêm mũi thứ tư đạt 39,6%.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Quang Thái, cần phải chấp nhận có tỷ lệ hao phí vắc-xin nhất định để tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai: “Khác với các đợt tiêm chủng theo chiến dịch trong năm 2021, hiện nay, có nhiều người dân phải trì hoãn tiêm chủng do đã mắc bệnh, đối tượng tiêm cũng thu hẹp hơn nên cách thức tổ chức tiêm giống như lúc tiêm vét. Số lượng người đến các điểm tiêm chủng không phải lúc nào cũng nhiều. Với cách thức đóng nhiều liều trong lọ, một lọ vắc xin có khoảng 10 - 20 liều nhưng chỉ có 3 - 4 người tiêm thì chắc chắn có hao phí nếu mở lọ. Nếu không chấp nhận hao phí, phải chờ đủ người mới mở lọ thì người dân phải đợi lâu hoặc quay về, đợi lịch hẹn khác và sẽ rất khó đưa họ quay trở lại”.
Trước đó, bà Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cũng đã nhiều lần nói về vấn đề này. Theo bà, để không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho người dân, phải chấp nhận rằng, có tình trạng một lọ vắc-xin chứa nhiều liều nhưng chỉ tiêm cho vài người.
Trong bối cảnh Việt Nam liên tục xuất hiện các biến chủng mới của Omicron như BA.4, BA.5 và mới đây là BA.2.12.1, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Quang Thái khuyến cáo: “BA.2.12.1 là chủng đang chiếm hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 mới ở Mỹ với 60.000 người mắc mới và khoảng 300 người tử vong mỗi ngày. Ở Việt Nam, khó nói trước được chủng này sẽ tác động tới tình hình dịch sắp tới như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan. Tiêm vắc xin vẫn là một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, giúp giảm nguy cơ nhập viện, giảm số ca tử vong và làm giảm nguy cơ sinh ra các biến chủng virus mới”.
Đặc biệt, theo một nghiên cứu của các bác sĩ Đan Mạch, vắc xin ngừa COVID-19 làm giảm nguy cơ mắc hội chứng bệnh viêm đa hệ thống (MIS-C) ở trẻ em. Theo đó, nếu đã tiêm vắc xin thì cứ 1 triệu trẻ mắc COVID-19, chỉ có ba trẻ mắc MIS-C, thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm.
Bộ Y tế hối thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng Trong thời gian qua, Bộ Y tế liên tục có các cuộc họp và văn bản thúc giục các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho các nhóm đối tượng, trong đó có trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Cuối tuần qua, Bộ Y tế tiếp tục ra công văn yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, đặc biệt ưu tiên trẻ em từ 5 - 11 tuổi và trẻ có nguy cơ cao; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm mũi thứ ba, thứ tư cho cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường truyền thông, tư vấn cho học sinh, sinh viên, phụ huynh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cả nước còn 21,5 triệu liều vắc xin, chủ yếu là vắc xin Pfizer và Moderna và còn có 2,35 triệu liều vắc xin Vero Cell với hạn dùng đến tháng 10/2023. Hiện còn 16/63 tỉnh chưa gửi đăng ký nhu cầu vắc xin 6 tháng cuối năm 2022 theo yêu cầu của Bộ Y tế. Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, tiến độ tiêm đã có xu hướng tăng lên, trung bình những ngày gần đây tiêm khoảng gần 500.000 liều/ngày. Song, số mũi tiêm vắc xin tăng chủ yếu là do tỷ lệ tiêm mũi thứ tư tăng. Một số tỉnh, thành có khu công nghiệp đã đề xuất phân bổ thêm vắc-xin. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ tiêm mũi thứ tư mới chỉ ở mức trên dưới 10%. Cụ thể, tính tới ngày 24/7, có tổng số gần 8 triệu liều vắc xin tiêm mũi thứ tư (đạt 44,6%). Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ thấp như Bắc Kạn (17,2%), Quảng Bình (6,1%), Quảng Trị (16,7%), Bình Định (7,3%), An Giang (22,1%). Lý do, theo các chuyên gia cho rằng một số người đã mắc COVID-19 quan niệm đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ nên chủ quan không tiếp tục tiêm chủng đầy đủ. Tốc độ tiêm chủng mũi nhắc lại ở nhóm từ 12 - 17 tuổi hiện cũng đang còn chậm. Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tiêm nhắc lại ở đối tượng này hiện mới đạt 27,4%. Trong đó, có 25 tỉnh đang có tỷ lệ mũi tiêm nhắc lại thấp dưới 25% như Hà Nội, Thái Bình, Sơn La, TPHCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bình Dương, Gia Lai… Đặc biệt, Điện Biên là tỉnh chưa triển khai tiêm nhắc lại mũi thứ hai cho trẻ 12 - 17 tuổi. |
Huyền Anh