Tiền điện tử, lời nói dối và tra tấn: Bên trong các khu phức hợp lừa đảo ở Đông Nam Á

11/02/2025 - 16:57

PNO - Hàng chục ngàn nô lệ mạng bị giam giữ trong các khu phức hợp lừa đảo ở Đông Nam Á, làm việc suốt ngày đêm để lừa đảo các nạn nhân.

Daniel, nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng, cho xem ảnh của Adele, nhân vật hư cấu mà anh đã bị lừa. Torbjörn Tây
Daniel cho xem ảnh của Adele

Khi Daniel (40 tuổi) đến từ miền Nam Thụy Điển, đăng ký tài khoản trên Tinder, mọi thứ diễn ra bình thường.

Rồi Adele xuất hiện. Cô ấy có nét đẹp châu Á, sành điệu, ngoài 30 tuổi.

Adele đến Thụy Điển để thăm dì của mình. Daniel nhanh chóng thích cô và cuộc trò chuyện tiếp tục trên WhatsApp.

Adele gửi ảnh và nói cô ta thích làm đẹp, nấu ăn. Họ lên kế hoạch gặp nhau, có thể sẽ cùng nhau đi du lịch đến miền Nam châu Âu.

Adele nói với Daniel rằng cô kiếm được rất nhiều tiền từ các khoản đầu tư tiền điện tử. Cô cũng muốn Daniel thử vận ​​may. Lúc đầu, Daniel hoài nghi, nhưng sau vài tuần, Adele mời anh vào 1 nhóm WhatsApp. Trong nhóm, khoảng 100 người đã thảo luận về các khoản đầu tư thành công của họ và nhà phân tích tài chính "Manish Aurora" đã đưa ra lời khuyên. Adele thuyết phục Daniel mua 100 euro tiền điện tử USDT và gửi vào 1 nền tảng tiền điện tử. Số tiền dường như tăng lên. Nhưng để nhận được lời khuyên sáng suốt hơn từ "Manish Aurora", cần phải đầu tư lớn hơn. Daniel quyết định chấp nhận rủi ro và đầu tư tất cả những gì mình có, khoảng 40.000 euro (41.165 USD).

Vài ngày sau, anh được một người phụ nữ trên Tinder cảnh báo anh có thể là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Daniel đã cố gắng rút một số tiền nhỏ từ nền tảng tiền điện tử. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhưng khi anh muốn rút số tiền còn lại, tài khoản của anh đã bị ngưng hoạt động. Adele nói anh phải trả "thuế" để lấy lại tiền. Đó là lúc anh nhận ra mình đã bị lừa.

“Tôi từng có rất nhiều tiền. Bây giờ tôi gần như phá sản. Tôi cảm thấy mình như một kẻ thua cuộc” - Daniel nói.

Những gì đã xảy ra với Daniel là một ví dụ điển hình về Sha Zhu Pan - tiếng Trung có nghĩa là "lừa đảo mổ heo". Adele chưa bao giờ tồn tại. Các nhà đầu tư trong nhóm WhatsApp cũng vậy. Và Manish Aurora là một nhà quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ, cho biết đang tuyệt vọng vì danh tính của mình đã bị đánh cắp và danh tiếng bị hoen ố.

Daniel, nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng, cho xem ảnh của Adele, nhân vật hư cấu mà anh đã bị lừa. Torbjörn Tây
Daniel cay đắng nhớ lại thời gian bị lừa mất tiền

"Lừa đảo giết lợn" là một hình thức lừa đảo tương đối mới, gia tăng mạnh mẽ kể từ khi đại dịch xảy ra. Nhờ các cuộc điều tra do các nhà báo, tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu thực hiện, giờ đây chúng ta biết khá nhiều về các mạng lưới tội phạm đằng sau chúng. Các vụ lừa đảo được thực hiện từ các khu phức hợp văn phòng, thường là ở Đông Nam Á, Dubai và những nơi khác. Các văn phòng được điều hành bởi các tổ chức tội phạm ở một số quốc gia châu Á. Theo tính toán của Đại học Texas, số tiền lừa đảo là 72 tỉ USD từ năm 2020 đến năm 2024.

Một số công nhân trong các khu phức hợp lừa đảo có mặt ở đó là do họ tự nguyện. Nhưng theo một số nguồn tin,rất nhiều nạn nhân buôn người bị ép phải thực hiện các vụ lừa đảo. Theo một báo cáo từ cơ quan của Liên hiệp quốc OHCHR, chỉ riêng ở Campuchia, có thể có 100.000 nạn nhân. Ở Myanmar có thể có thêm 120.000 nạn nhân nữa. Nếu các con số là chính xác, đây có thể là một trong những hoạt động buôn người có tổ chức lớn nhất trong lịch sử, được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, theo một báo cáo khác của cơ quan Liên hiệp quốc UNODC.

Nhiều người bị dụ vào các tổ hợp lừa đảo với những lời hứa về công việc béo bở. Raymond, người Malaysia gốc Hoa, khoảng 40 tuổi, đã gặp rắc rối khi công việc kinh doanh xây dựng của anh không có doanh thu trong thời kỳ đại dịch. Một ngày, anh thấy một quảng cáo trên Facebook về công việc dịch vụ khách hàng được trả lương cao tại một sòng bạc ở Campuchia. "Họ có một văn phòng đẹp ở Kuala Lumpur và tôi được mời đến phỏng vấn" - Raymond nói.

Vài tuần sau, anh bay đến Campuchia. Sau khi được đón tại sân bay, anh được đưa đến thành phố ven biển Sihanoukville. Khi vào bên trong khu phức hợp văn phòng nơi anh sẽ làm việc và ngủ, anh ngay lập tức hiểu rằng mọi thứ không như mong đợi. Những người bảo vệ có vũ trang đứng ở lối vào và anh được thông báo sẽ làm việc với tội phạm gian lận trực tuyến. "Tôi muốn rời đi ngay lập tức, nhưng họ không cho".

Raymond được cấp một máy tính xách tay và 4 chiếc điện thoại có cài đặt một số ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội. Sau một vài ngày được đào tạo với các kịch bản cho nhiều nhân vật hư cấu khác nhau, anh được phân công đến một số quốc gia châu Âu, cố gắng ghép đôi với nạn nhân trên các ứng dụng hẹn hò và bắt đầu trò chuyện.

“Tôi vào vai những nhân vật có lối sống xa hoa, đang đi du lịch, tôi viết những điều như: "Bây giờ tôi đang ở Pháp, vừa đi mua sắm về...".

Khi một cuộc trò chuyện lãng mạn đang diễn ra, đã đến lúc giới thiệu các khoản đầu tư tiền điện tử. Các nhân vật mà Raymond đóng đều là những nhà đầu tư thành công và trước tiên sẽ dạy nạn nhân cách giao dịch tiền điện tử. Sau đó, nạn nhân sẽ bị thuyết phục mua tiền điện tử USDT và chuyển đến các trang web giả mạo của kẻ lừa đảo.

Nhưng Raymond không lừa được ai cả. Anh bắt đầu hoảng loạn. Trong phòng anh đã thấy mọi người bị đánh đập dã man. Và họ bị sốc điện. "Họ làm điều đó trước mặt những người khác. Tôi đã chứng kiến ​​nhiều lần" - anh kể.

Raymond, một nạn nhân của nạn buôn người, được nhìn thấy tại một trong những khu phức hợp do băng đảng mafia lừa đảo Campuchia kiểm soát ở Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 17 tháng 5 năm 2024.
Raymond, một nạn nhân của nạn buôn người

Raymond bắt đầu gửi những khoản tiền nhỏ của mình để làm như thể anh ta đã bắt được nạn nhân. "Tôi nhận ra rằng tôi phải thông minh và không thách thức những người này".

Nhiều tháng trôi qua trong cảnh bị giam cầm, Raymond tuyệt vọng cố tìm cách trốn thoát. Nhiều người trốn khỏi các khu phức hợp lừa đảo bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ, lao xuống đất và chết.

Raymond đã không nhảy xuống mà anh bắt đầu lén sử dụng điện thoại (được cấp để lừa đảo) tìm kiếm sự giúp đỡ. Anh tìm thấy Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu (GASO) phi chính phủ, tổ chức giúp các nạn nhân buôn người rời khỏi các khu phức hợp. Raymond cũng bí mật thu thập thông tin về những người Malaysia khác trong tòa nhà và gửi cho GASO, GASO đã liên hệ với đại sứ quán Malaysia tại nước này. Một ngày, những người Campuchia mặc đồng phục đã đến tòa nhà với một danh sách tên. Họ đưa Raymond và 1 nhóm người Malaysia khác bay về nhà. "Đó là lúc cuộc sống thứ hai của tôi bắt đầu."

Andrew, một người Malaysia gốc Hoa khác đã trốn thoát khỏi nơi giam cầm nhanh hơn. Nhưng phải trả giá. 2 năm trước, anh đến Campuchia theo một lời mời làm việc. Đầu tiên, anh trở thành tù nhân trong một khu phức hợp lừa đảo, sau vài ngày, anh bị bán với giá 10.000 euro cho một nơi khác, rồi lại đến một nơi khác nữa.

Andrew được cung cấp danh sách các số điện thoại WhatsApp của Mỹ. Công việc của anh là đóng vai những người phụ nữ hấp dẫn và gửi tin nhắn trông giống như chúng đã vô tình được gửi nhầm số.

Andrew cũng chứng kiến ​​những nạn nhân bị bạo lực khi không "đủ KPI". Khi anh cầu xin được thả sau 3 tuần, anh được yêu cầu trả tiền chuộc. “Gia đình tôi đã trả 23.000 euro. Sau đó, tôi có thể đi thẳng đến sân bay".

Những câu chuyện Raymond và Andrew kể lại phù hợp với hàng trăm lời khai khác trong những năm gần đây. Mùa thu năm ngoái, nhà nghiên cứu người Ý Ivan Franceschini, một chuyên gia về luật lao động Trung Quốc, đã công bố một bài nghiên cứu cùng với đồng nghiệp Ling Li và Mark Bo. Họ tổng hợp 32 lời khai từ những người sống sót sau lừa đảo. “Đây là những câu chuyện kinh khủng. Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự” - Franceschini nói.

Ông gọi ngành công nghiệp lừa đảo châu Á là cuộc săn mồi hoàn toàn mới, một thứ chưa từng thấy trước đây. Hàng ngàn nô lệ mạng, được tuyển dụng từ các nhóm toàn cầu lớn gồm những người tuyệt vọng và thất nghiệp để làm việc trong các khu phức hợp khép kín.

Andrew, người cũng bị lừa bởi một lời mời làm việc giả mạo và trở thành nô lệ mạng tại một cơ sở lừa đảo ở Campuchia, tại Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 17 tháng 5 năm 2024.
Andrew bị lừa bởi một lời mời làm việc giả mạo và trở thành nô lệ mạng tại một cơ sở lừa đảo ở Campuchia

Ngành công nghiệp sòng bạc có mối quan hệ chặt chẽ với các tổ hợp lừa đảo. Vào tháng 12/2023, Hoa Kỳ, Anh và Canada đã áp đặt lệnh trừng phạt - đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại - đối với một số công ty và doanh nhân có liên quan đến tổ hợp lừa đảo này và các tổ hợp lừa đảo khác ở Campuchia. Mới đây, vào tháng 9/2024, Hoa Kỳ đã gia hạn thêm các lệnh trừng phạt này.

Raymond muốn quên đi những trải nghiệm của mình ở Sihanoukville. Anh nói mất nhiều tháng để xây dựng lại cuộc sống và chữa lành. Nhưng anh nhớ lại niềm hạnh phúc khi trở về Malaysia. “Ngày đầu tiên, tôi chỉ lái xe vòng quanh khắp Kuala Lumpur, nếm trải lại hương vị tự do".

Thảo Nguyễn (theo Elpais)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI