Tiền điện tử của Facebook chưa xuất hiện đã gây xôn xao thị trường tài chính

20/06/2019 - 10:20

PNO - Tiền điện tử Libra của Facebook dù phải đến năm sau (2020) mới bắt đầu giao dịch đã tạo ra cơn 'sốt' trên thị trường tài chính thế giới.

Sự khác biệt lớn nhất giữa tiền điện tử Facebook nằm ở chỗ dù là một loại tiền số, tiền ảo nhưng cơ chế phát hành lại chẳng khác các ngân hàng trung ương phát hành tiền giấy và người sở hữu đồng tiền này cũng phải được đảm bảo bằng tài sản thực.

Để sử dụng và quản lý đồng tiền Libra này, khách hàng cần phải sử dụng ví điện tử riêng có tên Calibra, cũng do Facebook sáng lập. Khác với các ví điện tử tại Việt Nam cần phải có tài khoản ngân hàng liên kết, Calibra không cần đến các tài khoản ngân hàng. Ví điện tử này được tích hợp bên trong ứng dụng nhắn tin Messenger và WhatsApp.

Sử dụng tiền điện tử Libra, khách hàng là người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng giao dịch, trao đổi tài chính với nhau thông qua những tin nhắn đơn giản thông thường. Toàn bộ giao dịch của khách hàng được mã hóa nhờ công nghệ Blockchain (sử dụng hàng triệu máy tính để xác minh giao dịch) nên đảm an toàn cho khách hàng.

Nhiều người tiêu dùng thắc mắc, những đồng tiền điện tử khác như Bitcoin, Ethereum, Ripple… cũng sử dụng công nghệ Blockchain, liệu Libra có giống hay không? Theo Facebook, Libra không tạo ra bằng cách “đào” giống như các tiền điện tử khác mà được phát hành dựa trên một lượng tài sản đảm bảo thực, có giá trị thực, giống như các ngân hàng trung ương trên thế giới phát hành tiền giấy.

Theo đó, người dùng phải sử dụng các loại tiền tệ khác như đô la Mỹ, euro, yên, nhân dân tệ để mua Libra và tăng số lượng Libra đang lưu hành; hoặc có  thể dùng Libra đổi sang một đồng tiền khác đang lưu hành. Nhờ vậy, giá đồng tiền Libra sẽ ít biến động hơn các đồng tiền điện tử khác.

Tien dien tu cua Facebook chua xuat hien da gay xon xao thi truong tai chinh
Giao diện ví điện tử Calibra để quản lý tiền điện tử Libra

Facebook đang sở hữu dữ liệu về hàng tỷ người dùng và nhiều lần thể hiện sự coi thường trong việc bảo vệ và sử dụng cẩn thận nguồn dữ liệu này. Nhà chức trách tại nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại, việc ra mắt tiền điện tử mới của Facebook sẽ tiếp tục mở rộng sự kiểm soát và phạm vi tiếp cận với cuộc sống người dùng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Facebook cho biết sẽ lưu trữ dữ liệu tài chính thu được từ người dùng Libra riêng khỏi dữ liệu người dùng mạng xã hội Facebook. Đó là lý do tiền điện tử Libra phải hoạt động dưới sự điều hành của ví điện tử Calibra.

Hiện đã có có 27 công ty công nghệ xác nhận là đối tác tham gia cùng với Facebook, trong đó có một số cái tên lớn như Paypal, Ebay, Spotify, Uber, Lyft, Visa, Mastercard...Vậy Libra có cùng số phận với các đồng tiền điện tử khác là không được sự chấp nhận của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam?

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng không nên coi Libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp kêu gọi nhóm 7 thống đốc ngân hàng trung ương chuẩn bị báo cáo về dự án này ngay trong cuộc họp tháng 7.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định tiền Bitcoin và các loại tiền điện tử khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Một số chuyên gia tài chính trong nước cũng đưa ra dự đoán, có thể tiền điện tử Libra cũng chung số phận với Bitcoin và các đồng tiền khác, cũng khó được chấp nhận tại Việt Nam.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI