Tiền cũ, tiền mới

26/01/2020 - 09:07

PNO - Tiền giấy mới nhiều mệnh giá là một nhu cầu có thực, vì những mục đích khác nhau và Ngân hàng Nhà nước phải biết, tính trước.

Mấy đứa cháu mặt mày bí xị, nói với ông bà nội rằng, tết năm nay, bao lì xì mấy cô mấy chú cho không có tiền mới toanh như mọi năm, mất vui để khoe với bạn bè cùng trang lứa kết quả "thu hoạch " của mình.

Năm mới, cái gì cũng mới, bởi đó là thời khắc của ước mơ qua những lời chúc lành. Với con trẻ, ước mơ đó cực kỳ đơn giản, được vui đùa thoả thích, được cưng chìu, chăm sóc nhiều hơn, mà biểu hiện cụ thể là chiếc bao lì xì người lớn dành cho, bên ngoài màu sắc rực rỡ, bên trong là những đồng tiền mệnh giá thấp nhưng tinh khôi mùi thơm giấy mới.

Năm nay, bao lì xì như vậy không còn hoặc còn rất ít, nếu ai đó biết cất giữ những đồng tiền lẻ còn mới để làm vui con cháu như một tập quán vào dịp tết.

Tiền là vật trao đổi ngang giá, nhưng cũng là một sản phẩm đặc biệt. Chất lượng sản phẩm tiền phải được đảm bảo để giữ gìn, gia tăng giá trị của nó.
Tiền là vật trao đổi ngang giá, nhưng cũng là một sản phẩm đặc biệt. Chất lượng sản phẩm tiền phải được đảm bảo để giữ gìn, gia tăng giá trị của nó.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở chiếc bao lì xì mà chính là việc phát hành tiền giấy đang có vấn đề. Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, việc in tiền lẻ chi phí cao, tốn kém ngân quỹ. Không những vậy, ngân hàng còn có biện pháp chế tài việc đổi tiền cũ lấy tiền mới trong dịp tết. Đây là nguyên nhân phát sinh một loại dịch vụ bất hợp pháp "đổi tiền mới ăn hoa hồng" với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trên các mạng xã hội.

Thế nhưng điều này cho thấy, tiền giấy mới nhiều mệnh giá là một nhu cầu có thực, vì những mục đích khác  nhau. Tích cực thì như viêc doanh nghiệp cần tiền mới thưởng tết, tạo thêm niềm vui cho người lao động, hay như thỏa mãn tập quán lì xì dịp tết. Còn tiêu cực thì như dùng tiền mới dán vào chuông vào tượng ở các đền chùa miếu mạo, làm vẩn đục không gian tín ngưỡng. Nhưng việc nào phải ra việc nấy, không nên lẫn lộn đúng sai để có một giải pháp chung.

Cơ cấu tiền tệ là bảo đảm cho người dân sử dụng bất cứ lúc nào với các mệnh giá theo qui định. Chi phí in tiền lẻ tất nhiên tốn kém hơn, nhưng không vì điều đó mà chỉ in tiền có mệnh giá lớn. Hẳn chúng ta còn nhớ, đợt đổi tiền hồi năm 1985, tình trạng thiếu tiền lẻ đã gây xáo trộn nền kinh tế rất nhiều vào thời điểm đó, đặc biệt là làm giá cả tăng cao.

Mặt khác, người dân cũng có quyền sử dụng tiền mới, vì vòng quay đồng tiền xài bao lâu là phải đổi thay. Thông thường, tiền lẻ cũ nát nhanh, khoảng một, hai năm là phải được Ngân hàng Nhà nước thu hồi để thay tiền mới. Tiền mệnh giá cao thì khoảng ba năm được xem là cần phải thu hồi để đưa vào vòng quay một khối lượng tiền giấy tương ứng.

Các khoản chi phí in tiền mới phải nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước và thuộc tính nguyên tắc. Không phải chỉ chờ đến dịp tết mới in tiền mới, xem như một nhu cầu đột xuất, mà nên xem chất lượng đồng tiền giấy đang lưu hành cũng làm tăng giá trị tiền tệ, ít nhất về mặt lòng tin của xã hội.

Yên Mynh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI