Tiền công đức 11 tỷ đồng/ năm: Ban Quản lý nói sự thật

07/11/2016 - 15:13

PNO - Đền Hoàng Mười có 14 hòm công đức làm bằng sắt (dạng két) đặt tại 14 địa điểm khác nhau. Lượng du khách đến đền chiêm bái hàng năm không thể tính đếm, đặc biệt vào dịp giỗ ông Hoàng Mười.

Tham ô tiền công đức vẫn đến viếng đền

Sáng ngày 7/11, ông Nguyễn Đình Tường (60 tuổi, thành viên trong Ban quản lý đền Hoàng Mười, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) xác nhận với Phụ nữ TP. HCM thông tin, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm đền thu được khoảng 11 tỷ đồng tiền công đức.

Ông Tường cho biết, số tiền này cao từ 10-15 lần so với thời kỳ Ban quản lý cũ còn hoạt động. "Thời kỳ Ban quản lý cũ còn hoạt động, mỗi năm chỉ nộp về khoảng vài trăm triệu đồng trong khi theo quan sát của tôi thì lượng khách đến rất đông, người nào công đức ít cũng phải vài nghìn, nhiều thì lên tới tiền triệu. Từ đó nên mới nghi ngờ có sự gian lận trọng việc thu tiền công đức của ban quản lý cũ" - ông Tường cho biết.

Sau thời gian dài đấu tranh tố cáo tiêu cực, Ban quản lý đền Hoàng Mười được thay mới toàn bộ. Ông Tường lý giải: "Sở dĩ tiền công đức 3 năm trở lại đây tăng đột biết là những người tham ô đã bị cho nghỉ việc. Giờ chúng tôi nhận tiền công đức có hóa đơn rõ ràng, các bên kiểm tra chéo với nhau nên không có chuyện gian lận được".

Tien cong duc 11 ty dong/ nam: Ban Quan ly noi su that
Người dân chen nhau thắp hương ở đền Hoàng Mười (Ảnh NLĐ).

Hiện tại đền Hoàng Mười có 14 hòm công đức đặt ở 13 ban và nơi Ban quản lý làm việc. Theo ông Tường, số lượng hòm công đức vẫn giữ nguyên từ trước năm 2014, nhưng được thay đổi từ hòm gỗ có khóa sang thành hòm sắt dạng két.

Chưa có con số thống kê hàng năm đền Hoàng Mười có bao nhiêu người đến chiêm bái, chỉ biết rằng con số đó rất đông. Đặc biệt là vào dịp 10/10 (Âm lịch, ngày giỗ ông Hoàng Mười) thì đền luôn trong tình trạng kẹt cứng.

Ông Tường chia sẻ: "Sau khi đấu tranh chống tiêu cực, bây giờ tôi vẫn bị một số đối tượng dấu mặt nhắn tin đe dọa, thách thức. Có người trong Ban quản lý cũ vẫn đến đền chiêm bái, nhưng cũng có thể là họ giám sát xem Ban quản lý mới hoạt động thế nào".

Quá nhiều hòm công đức sẽ thiếu khoa học

Đó là ý kiến của GS.TS Trần Lâm Biền - chuyên gia văn hóa truyền thống Việt Nam khi nói về hiện trạng hòm công đức ở các khu tâm lý ở Việt Nam hiện nay. Ông Biền cho rằng, không phải cứ rải tiền lẻ ở khắp nơi là tâm linh.

"Việc rải tiền ở chốn tâm linh là "đem đời áp đặt cho đạo". Việc để hòm công đức trước bàn thờ cũng không đúng vì hòm công đức không phải để thờ. Người đi vãn cảnh chỉ nên bỏ tiền công đức vào hòm tại 1 điểm thể hiện tấm lòng chứ không nên rải mỗi nơi một ít" - ông Biền nói.

Năm 2012, Bộ VHTT&DL cũng ra Quyết định, quy định mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức. PGS.TS Tống Trung Tín cho biết: "Ở Nhật Bản, mỗi di tích cũng chỉ đặt 1 hòm công đức, hòm được chế tác phù hợp với cảnh quan xung quanh".

Đại đức Thích Thanh Nhạn cho rằng, việc người dân lễ bái tỏ lòng công đức là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, tiền công đức ít hay nhiều không phản ánh lòng thành của người dân ít hay nhiều. "Mỗi di tích chỉ cần từ 1 - 3 hòm công đức là phù hợp, hoặc người dân có thể gặp trực tiếp người quản lý di tích để trao tiền công đức và có giấy ghi nhận để tránh những hệ quả đáng tiếc" - Đại đức Thích Thanh Nhạn nói.

Quang Hanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI