Tiễn biệt nhà thơ – dịch giả Đỗ Tư Nghĩa

17/09/2021 - 19:17

PNO - Giã biệt người bạn tri kỷ - dịch giả Đỗ Tư Nghĩa, nhà thơ Trần Thoại Nguyên chia sẻ lại câu chuyện tình bạn của cả hai, như một lời chào cuối cùng.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Trần Thoại Nguyên kể về nhiều kỷ niệm với người ban thân thiết của mình - nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa. “Chúng tôi chơi thân nhau từ năm 1972, bạn như con chim trốn lửa trời đạn bom Quảng Trị bay vào thành phố sương mù mộng mơ Đà Lạt”, nhà thơ Trần Thoại Nguyên chia sẻ.

Tại Đà Lạt, cả hai gặp gỡ nhiều bạn văn, bạn thơ và có những ngày tháng vui vẻ, nhiều kỷ niệm đẹp suốt mấy mươi năm cuộc đời. Nhà thơ Trần Thoại Nguyên nói về bạn mình: “Bạn tôi, Đỗ Tư Nghĩa có tia mắt sáng xanh, khóe môi cười hiền và khuôn mặt có nét giống diễn viên điện ảnh Omar Sharif (thủ vai Doctor Zhivago trong phim cùng tên)”.

Theo nhà thơ Trần Thoại Nguyên, bạn thân ông sống cuộc đời trầm lặng, ăn chay trường. Khi có gia đình hoặc thời điểm ly hôn (năm 1992) để vợ cùng các con sang Mỹ định cư, ông vẫn một mình, lãng đãng với thơ, yêu đời và tập trung cho dịch thuật.

Nhà thơ Trần Thoại Nguyên (phải) và dịch giả Đỗ Tư Nghĩa.
Nhà thơ Trần Thoại Nguyên (phải) và dịch giả Đỗ Tư Nghĩa.

Trong lần về Đà Lạt thăm bạn, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa có nói với bạn mình rằng tâm hồn ông bây giờ thanh thản, không còn săn đuổi cô đơn, sầu não, không còn làm thơ mà tập sống đời đạo sĩ âm thầm, lặng lẽ. Cũng chính sự từ tốn, cách sống thong dong, chậm rãi mà chân tình với đời của dịch giả Đỗ Tư Nghĩa khiến bạn bè, đồng nghiệp yêu mến tác phẩm và con người ông.

“Trong phù phiếm của sân đời hư ảo

Có chút lòng thành theo gió xa bay

Trong cát bụi có điềm linh thánh đậu

Màu thiên thu trong khoảnh khắc hoa lay!”,

                                                                                                    (Nhà thơ Trần Thoại Nguyên) 

Nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa sinh năm 1947 tại Quảng Trị, quê gốc ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ông từng học Đại học Văn khoa Huế, khoa Triết học. Trước năm 1975, ông chuyển lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) dạy Triết và tiếng Anh.

Ngoài dạy học, ông dành thời gian dịch sách và làm thơ. Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa yêu thích các tác phẩm của đại văn hào người Nga Lev Tolstoy (1828-1910). Năm 2016, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa dịch lại tác phẩm cuối đời của đại văn hào Lev Tolstoy mang tên Suy niệm mỗi ngày. Bản dịch được công chúng đón nhận.

Trong sự nghiệp làm thơ và dịch thuật, Đỗ Tư Nghĩa cho ra mắt nhiều ấn phẩm tạo được tiếng vang. Về thơ, ông từng in tập thơ với bút danh Đỗ Tố Như và công bố một số ấn phẩm thơ với bạn bè thân, không chính thức giới thiệu. Về sách dịch, ông để lại nhiều tác phẩm được đánh giá cao như Con đường tuổi trẻ (Daisaku Ikeda, 2005), Tự thú (Lev Tolstoy, NXB Văn Hóa Sài Gòn), Tìm lại nụ cười (Philip Martin, 2009), Khi bố còn thơ (Alexander Raskin, 2020)...

Theo chia sẻ từ bạn bè, khi qua đời, nhà thơ, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa vẫn còn một số tác phẩm ấp ủ, chưa ra mắt.

Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa qua đời vào ngày 16/9 tại nhà riêng ở Đà Lạt vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 75 tuổi. Lễ di quan diễn ra vào lúc 7 giờ ngày 18/9/2021, sau đó đưa đi hỏa táng tại Đài hỏa táng Đà Lạt.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI