Tiễn biệt nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi - một trái tim ân cần

27/08/2021 - 11:54

PNO - Một chiều cuối tháng Tám, nghe tin Nhà giáo ưu tú Triệu Thị Chơi qua đời vì COVID-19, chúng tôi bàng hoàng lục lại những kết nối cuối cùng với bà.

Cách đó chỉ mười ngày, bà còn chuyển cho tôi hình chụp một mẩu báo có nội dung biết ơn các bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Và xa hơn, trong lần gặp gỡ cuối cùng với nhau, bà đã nói rất vui vẻ: “Ước gì thời gian dừng lại để cô làm được hết các dự định của mình”…

Bà Triệu Thị Chơi ra đi khi còn dang dở bao dự định... - Ảnh: Phùng Huy
Bà Triệu Thị Chơi ra đi khi còn dang dở bao dự định... - Ảnh: Phùng Huy

Người mang ký ức nữ tính của phụ nữ Sài Gòn

Dự định của bà Triệu Thị Chơi nhiều vô kể. Đó là những dự định nở ra sau một phần đời miệt mài thực hiện vô số chương trình, dự án cho phụ nữ, và viết hơn 100 đầu sách về nữ công gia chánh.

Cách đây hai năm, khi thành phố còn chưa biết đến COVID-19, bà đã có một buổi chiều ngồi với anh em Báo Phụ Nữ TP.HCM, kể về từng giai đoạn làm công tác nữ ở thành phố này.

Từng giai đoạn làm nghề của bà Triệu Thị Chơi như cũng trở thành từng đoạn đời của chính bà - một người cho đến khi nằm xuống vẫn được nhắc đến với tính cách nổi bật là “làm việc nghiêm túc, tận tụy”. 

Ngày bà mất, lướt dòng thông tin trên mạng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều chia sẻ của anh em làm văn hóa, công tác nữ và cả những “xê lép” viết lời tiếc thương.

NSƯT Hạnh Thúy chia sẻ: “Mình nhớ hoài những ngày nhỏ cả nhà cặm cụi ngồi chép những công thức nấu ăn từ một quyển sách mượn được của người quen, nào mứt, nào bánh, nào món ngọt, nào món mặn, công thức rõ ràng, cân lượng chính xác… để mỗi dịp tết nhất, giỗ chạp lại mang ra áp dụng.

Và cái tên tác giả được những người phụ nữ thế hệ trước của mình chọn nhiều nhất là Triệu Thị Chơi. Sau này mới biết, sách dạy nữ công gia chánh từ nấu ăn, làm bánh, cắt may của cô là một trong những quyển sách hot của thị trường một thời…”.

Ở cái tuổi ngoài thất thập, bà Triệu Thị Chơi vẫn đau đáu niềm trăn trở: làm sao để người ta xem trọng kỹ năng sống trong gia đình - ẢNH: PHÙNG HUY
Ở cái tuổi ngoài thất thập, bà Triệu Thị Chơi vẫn đau đáu niềm trăn trở: làm sao để người ta xem trọng kỹ năng sống trong gia đình - Ảnh: Phùng Huy

Ký ức của Hạnh Thúy là “ký ức tập thể” của những người phụ nữ lớn lên ở thành phố này. Hình ảnh những bé gái đọc trộm cuốn sách dạy cắt may của mẹ, những thiếu nữ thấp thỏm chờ cuốn Sổ tay nội trợ hằng tháng, hay những người phụ nữ chắt chiu để mua lấy từng đầu sách của Triệu Thị Chơi… từng là một cách để một thế hệ nữ giới Sài Gòn phát triển đời sống tinh thần…

Đó là ký ức của phụ nữ Sài Gòn, còn trong ký ức của bà Triệu Thị Chơi, đó là những ngày đầu đầy khó khăn của cái gọi là “đời sống tinh thần của nữ giới”. Vào những năm đầu sau giải phóng, cả nước còn phải lo từng cái ăn, cái mặc, khát vọng phát triển đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ là một điều quá xa xỉ.

Thậm chí, nếu lên tiếng không tinh tế, nó có thể trở nên phản cảm trước đời sống chật vật của người dân. Thế nhưng, từ rất sớm, bà Triệu Thị Chơi cùng các cộng sự đã có niềm tin vào sự thiết yếu của đời sống tinh thần, đặc biệt là những kỹ năng sống cho phụ nữ.

Bà tham gia sáng lập câu lạc bộ Phụ Nữ (tiền thân của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM), mở những lớp học đầu tiên về cắt may, làm đẹp, trang điểm, “múa đôi” (khiêu vũ)…

Thời đó, làm văn hóa phụ nữ bao gồm cả chuyên môn lẫn công tác tuyên truyền. “Tuyên truyền” chính là việc phải đi đến từng địa phương, từng tổ chức để nói về tầm quan trọng của việc học hành, dần dần tác động để phụ nữ được “tháo cũi” định kiến mà đến với những lớp học kỹ năng…

Bà kể về những ngày đó khi thực tế xã hội đã tiến những bước thật dài. Chuyện phụ nữ làm đẹp đã trở thành lẽ đương nhiên. Những lớp học kỹ năng đã mở ra nhiều vô kể ở cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Bản thân bà đã làm ra những sản phẩm có sức lan tỏa rộng lớn hơn, một trong số đó là cuốn sách The food of Vietnam vẫn được Nhà xuất bản Periplus Editions của Singapore tái bản và phát hành đều đặn hơn 30 năm qua trên khắp thế giới.

Thế nhưng, ở cái tuổi ngoài thất thập, bà vẫn đau đáu hai niềm trăn trở: làm sao để người ta xem trọng kỹ năng sống trong gia đình ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, và làm sao để con người tập trung nhiều hơn vào những giá trị cốt lõi như là lòng tốt, sự hiểu biết, sự tử tế giữa người với người…

Điều an ủi cho những người từng yêu thương và trân quý bà Triệu Thị Chơi

Trong lễ hội Tết Việt tổ chức cuối tháng 1/2021 tại Công viên Lê Văn Tám (Q.1, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hội trưởng Hội quán Các Bà Mẹ) cùng các chuyên gia ẩm thực phụ trách ngôi nhà miền Trung, bất ngờ nhận thấy thần tượng mình là cô Triệu Thị Chơi đang phụ trách ngôi nhà miền Nam gần đó.

Lúc cô rảnh tay, đi dạo vòng quanh, chị Thanh Thúy chạy đến chào hỏi và bày tỏ ý tưởng làm cùng bà một chương trình để các chị em được gặp gỡ thần tượng của mình. Đáp lại sự vồn vã của “fan hâm mộ”, bà Triệu Thị Chơi cười hiền từ: “Tụi con cứ lên chương trình đi. Cô rất sẵn lòng”.

Kỷ niệm của chị Thanh Thúy khiến người ta như thấy lại hình ảnh đời thường đầy ấm áp và lịch thiệp nơi bà Triệu Thị Chơi. 

NSƯT Hạnh Thúy cũng chia sẻ: “Mình càng thích cô hơn khi làm việc chung vì cô luôn ân cần, chân tình, chỉn chu. Điều mình ấn tượng về cô là cô luôn đeo rất nhiều nữ trang đẹp: đá, ngọc… nhiều nhưng lại rất hợp với người phụ nữ có mái tóc dài và dày, luôn búi chỉnh tề, luôn trang điểm đẹp, kỹ càng...”.

Có lẽ ai từng làm việc chung với bà Triệu Thị Chơi cũng được trải nghiệm sự ân cần này. Còn nhớ, khi hẹn chúng tôi đến làm việc tại nhà riêng ở cư xá Đô Thành, bà chuẩn bị sẵn một nồi chè trôi nước. Chúng tôi vừa đến bà đã mời: “Tụi con ăn chè trước nghen!”.

Khi tôi xin phép được làm việc trước, bà cười hiền: “Ừa, vậy làm việc xong rồi ăn cho ngon miệng…”, rồi dắt chúng tôi lên lầu một. Sau vài lần làm việc, tôi rất hiểu sự rốt ráo và tận tụy của bà. Với bản thân, bà luôn ưu tiên công việc, luôn đúng hẹn và chú tâm hoàn thành trách nhiệm trước nhất.

Thế nhưng, với những “cộng sự” trẻ, bà luôn sẵn lòng chiều ý, luôn quan tâm từng lần “đói bụng” vụn vặt, hay cả những lần “xuống sắc”, “nổi mụn”, “mất ngủ”… bà đều sốt sắng dặn dò bao nhiêu điều cần lưu ý trong sinh hoạt để lập tức khắc phục.

Công việc yêu thích hằng ngày của bà Triệu Thị Chơi
Công việc yêu thích hằng ngày của bà Triệu Thị Chơi - Ảnh:  Phùng Huy

Trong căn nhà ở cư xá Đô Thành năm đó là một gia đình tam đại đồng đường gồm vợ chồng bà sống với con và cháu. Bà chỉ cho tôi một tấm bảng đặt ngay chân cầu thang. Đó là tấm bảng học sinh đã cũ, có ghi vài lời dặn dò.

Bà nói: “Đó là nơi cô ghi lại những điều cần dặn các con trong ngày, hay những lời răn dạy mà cô muốn tụi nó khắc ghi”. Các con bà đã lớn, đã có con cái và một sự nghiệp thành đạt… Nhưng tất cả không ngăn bà sống ân cần, lo toan và thực hành đến cùng khát vọng giữ những giá trị cốt lõi của sự tử tế từ chính gia đình mình.

Còn nhớ, lúc tạm biệt nhau, khi nghe một đồng nghiệp trong nhóm chúng tôi có chồng đến đón, bà lật đật chạy ra nắm vai cô bé ấy lại, nói: “Đâu, để cô ra gặp chồng con xem sao nào…”.

Ra đến cửa, bà vẫn đứng bên cạnh và nắm vai cô bé ấy, lịch thiệp đáp lại lời chào của anh chồng đang đứng bên kia đường. Rồi trước lúc chúng tôi rời đi, bà cười rạng ngời và thầm thì: “Chồng mà ân cần vậy là quý lắm đó con!”…

Đó là lời cuối cùng chúng tôi được nghe từ bà. Và trong lần gặp gỡ cuối cùng ấy, chúng tôi đã trải nghiệm trọn vẹn con người nghiêm túc, tận tụy, trách nhiệm, lẫn một trái tim đời thường đầy ấm áp nơi bà. Đó, có lẽ cũng là điều an ủi lớn nhất đến những người từng yêu thương và trân quý bà Triệu Thị Chơi… 

Diệu Hiền - Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI