Chiều 12/1, tại Nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3, TP.HCM) đã diễn ra lễ viếng Nhà giáo nhân dân, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (tiền thân Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn và ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM vừa qua đời ở tuổi 80.
|
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung đến dự lễ viếng |
Trong niềm xúc động, tiếc thương, lãnh đạo TP.HCM và các đoàn cán bộ, đồng nghiệp đã tới dự lễ viếng GS. TS Nguyễn Ngọc Giao.
|
Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư chia buồn với gia quyến |
Xúc động ghi vào sổ tang, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư viết: “Vô cùng thương tiếc NGND - GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP; bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP; Chủ tịch Hội đồng khoa học thành phố. Sự ra đi của đồng chí là mất mát to lớn của gia đình, người thân, bạn bè đồng chí đặc biệt là của giới trí thức thành phố. Thầy là tấm gương của một nhà khoa học chân chính hết lòng vì sự nghiệp trồng người và hoạt động nghiên cứu khoa học của thành phố. Xin được tiễn biệt đồng chí".
Ông Huỳnh Minh Thiện - Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị - TP, bày tỏ: “GS.TS Nguyễn Ngọc Giao là nhà giáo, GS tâm huyết trách nhiệm vì sự nghiệp trồng người, sự nghiệp khoa học kỹ thuật. Anh luôn là tấm gương sáng vì sự tận tụy tấm lòng vì việc chung, vì dân, vì nước".
Trước đó, sau một thời gian lâm bệnh nặng, NGND-GS.TS Nguyễn Ngọc Giao đã qua đời vào lúc 16g25 ngày 9/1 tại nhà riêng. Lễ truy điệu diễn ra lúc 12g30 ngày 14/1. Lễ động quan diễn ra lúc 13g cùng ngày và đưa đi an táng tại nghĩa trang TP.HCM.
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Thời niên thiếu, ông học trường Trung học Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) vào năm 1951-1954. Ông tập kết ra Bắc tháng 12/1954, hoàn thành chương trình THPT, trở thành sinh viên khoa Vật lý ĐH Tổng hợp Hà Nội vào năm 1958. Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển chọn làm cán bộ giảng dạy bộ môn Vật lý lý thuyết, khoa Vật lý Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1961-1968).
Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao cho miền Nam, năm 1968 ông được cử sang làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Moscow ở Liên Xô theo diện Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Năm 1972, Nguyễn Ngọc Giao bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và là một trong những người đầu tiên nhận bằng tiến sĩ ở Liên Xô theo mô hình Anh - Mỹ.
Tháng 9/1975, ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông được cử về công tác tại Trường ĐH Khoa học Sài Gòn, sau này là Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM. Ngoài công tác giảng dạy, ông vừa đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm khoa Vật lý sau khi nhận học hàm Phó giáo sư năm 1984.
Năm 1990 ông được bầu làm Hiệu trưởng ĐH Tổng hợp TP.HCM và đến 1992 ông được phong học hàm Giáo sư. Khi ĐH Quốc gia TP.HCM được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc phụ trách công tác nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế.
Trong hơn 10 năm (1990 - 2001), GS.TS Nguyễn Ngọc Giao là ủy viên Hội đồng tổ chức các trường ĐH khối Pháp ngữ AUPELF-UREF. Từ 2000-2003, ông là Chủ tịch Tổ chức ĐH khối Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Gần 50 năm, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội. Các giáo trình do ông viết đã được nhiều sinh viên sử dụng trong học tập. Ngoài công tác giảng dạy và quản lý, ông còn dành nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ kế cận. Ông đã công bố trên 40 công trình về lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học trên các tạp chí khoa học và các hội nghị khoa học. GS.TS Nguyễn Ngọc Giao viết nhiều sách phổ biến kiến thức vật lý, trong đó có nhiều cuốn được tái bản nhiều lần.
GS.TS Nguyễn Ngọc Giao cũng có nhiều đóng góp trong hoạt động xã hội, nghề nghiệp trong hơn 20 năm qua. Năm 1987, ông đã tham gia thành lập Hội Vật lý TP.HCM và liên tục giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội nhiều nhiệm kỳ. Từ 1990, ông là ủy viên thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM…
Ông được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Nhà giáo nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huân chương “Cành cọ hàn lâm” Pháp…
Minh Thanh - Mai Phan