edf40wrjww2tblPage:Content
Bà Mười Mỹ (phải) đang thăm hỏi một người mẹ neo đơn ở Bến Tre - Ảnh tư liệu của Hội LHPN TP.HCM
THƯƠNG TIẾC TÀI HOA
Sáng ngày 12/5, trong buổi lễ tiễn đưa linh cữu bà Mười Mỹ về chốn vĩnh hằng có rất nhiều mái đầu bạc trắng. Họ là những người bạn, đồng chí của bà Mười trong những năm kháng chiến chống Mỹ, những lớp đàn em đàn cháu trong hoạt động Hội LHPN TP.HCM, nơi bà từng là ủy viên thường vụ, nhiều người là bạn công tác khi bà là chuyên gia giúp đỡ phụ nữ Campuchia. Trong số những người đưa bà đi, có rất nhiều những người già, neo đơn từng được bà Mười cưu mang, giúp đỡ, chăm sóc lúc sinh thời.
Nước mắt lặng lẽ trôi trên gương mặt sạm đen, anh Nguyễn Ngọc Hương - nguyên bí thư Trung tâm Dạy nghề Q.Bình Thạnh, người cháu nuôi, phụng dưỡng bà Mười, nấc nghẹn: “Nhiều người đến với cô lắm, cô Mười ơi!”.
Bà Mười Mỹ sinh năm 1923 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Hà Tiên. Sau đó, gia đình bà dời về Đồng Nai sinh sống. Bà đậu Thành chung, rồi tốt nghiệp trường cao đẳng thể dục, từng là giáo viên giảng dạy môn này ở trường nữ sinh bản xứ (sau này còn gọi là trường Gia Long, nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai), Bà tham gia Đoàn Thanh niên Nam bộ. Từ đó, bà Mười Mỹ chưa bao giờ từ chối bất kỳ công việc nào được tổ chức giao phó, từ tuyên truyền vận động, giao liên, đến cứu thương… Năm 1950, nhờ cơ sở móc nối, bà được nhận vào dạy tiếng Pháp và thể dục ở trường Đức Trí với nhiệm vụ gầy dựng cơ sở tại đây… Bà là một chiến sĩ kiên trung của Mặt trận dân tộc giải phóng với vai trò là ủy viên BCH Hội Phụ nữ Giải phóng.
Sau năm 1975, bà Mười Mỹ tiếp tục tham gia công tác Hội với vai trò ủy viên thường vụ của Hội LHPN TP.HCM. Với vốn Pháp ngữ và khả năng tổ chức phong trào, năm 1979, bà được Thành ủy TP.HCM phân công sang Campuchia giúp nước bạn xây dựng tổ chức Hội. Suốt bảy năm ròng, bà cùng các cán bộ Hội đầu tiên của bạn đi cơ sở, gầy dựng phong trào, từ xóa mù chữ, cách thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho đến vận động sinh đẻ kế hoạch, xây đắp hạnh phúc gia đình, học nghề, đào tạo việc làm…
Năm 1986, bà Mười Mỹ về nước, lại tiếp tục rong ruổi với phong trào phụ nữ và công tác Hội cho đến ngày nghỉ hưu năm 1987. Sau hai năm được các em và bạn bè đón sang Pháp du lịch, bà trở về và thành lập Trung tâm Bảo trợ bà mẹ cô đơn, chuyên thăm khám sức khỏe, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, xây nhà tình thương, tặng quà, nấu những bữa cơm dinh dưỡng giúp những phụ nữ đơn thân cao tuổi. 20 năm trung tâm hoạt động, mang niềm vui, sức khỏe đến cho hàng ngàn cụ già khắp đất nước. Năm 2009, bà Mười Mỹ ngã bệnh, trung tâm dần đóng cửa.
Theo hồi ức của anh Hương và những cán bộ Hội LHPN TP.HCM từng có thời gian công tác chung với bà Mười Mỹ, ngày bà tham gia cách mạng, hễ mỗi lần cơ sở bị lộ là bà nhận được sự yểm trợ của nhiều người có cảm tình với cách mạng, yêu quý bà. Đó có thể là cô học trò, có thể là người công nhân, anh chạy xe ba gác… Bà Mười Mỹ tri ân và không quên một ai từng ra tay giúp đỡ mình. Cho nên, bà luôn đau đáu tâm tư tìm một cơ hội giúp đỡ họ.
Chồng bà Mười Mỹ đã mất trong những năm kháng chiến, không con cái, bà ở vậy nên thấu cảm cuộc đời những phụ nữ đơn thân. Cho nên khi có cơ hội, lại được bạn bè ở Pháp ủng hộ, bà thành lập ngay Trung tâm Bảo trợ bà mẹ cô đơn để thỏa ước mong trả ơn cuộc sống. Các dì, các chị cựu cán bộ công tác ở Hội Phụ nữ khắp các quận huyện trong thành phố cũng như nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đều nhớ bà Mười Mỹ. Mỗi lần có hoàn cảnh phụ nữ đơn thân nào đau ốm không có tiền đi bệnh viện hoặc gặp cảnh nhà dột, cột xiêu…, người ta lại nhớ đến bà, tìm bà cầu cứu.
Ngày bà Mười Mỹ nhắm mắt, vợ chồng anh Hương lo tròn mọi sự. Bạn bè thân hữu, rồi những người hàm ơn bà Mười Mỹ tìm đến tiễn đưa. Tiễn biệt bà Mười Mỹ, người ta mới thấm hết giá trị của chuyện cho đi và nhận lại ở cuộc đời.
NGHI ANH
“Đi - với bà là một triết lý của sự dấn thân và hiến dâng. Mang theo bầu máu nóng của tuổi trẻ, Mười Mỹ làm bất cứ nhiệm vụ nào được giao phó, từ tuyên truyền vận động đến cứu thương, giao liên, tiếp tế cho chiến khu An Phú Đông… Cả một đời hoạt động phong trào, tôi thật sự trân trọng tình cảm, sự hy sinh của nhiều người dân bình thường đối với cách mạng và mong muốn được đền ơn đáp nghĩa trong quãng thời gian còn lại của đời mình - bà nói như trút hết tâm can. Trong suốt câu chuyện về hành trình đi không mệt mỏi của mình, bà không bỏ sót bất cứ ai, cho dù họ chỉ kịp hiện diện trong trí nhớ (của một người đã qua tuổi xưa nay hiếm) bằng cái nghề đạp xe ba gác hay bán chanh ớt ở góc chợ. Bà nhắc, bà kể về họ với tất cả sự mang ơn và niềm tự hào không che giấu. Và bà không thôi ray rứt khi còn quá nhiều việc chưa làm xong, nhiều người mà bà chưa trả ơn hết…”. Nguyễn Thị Khánh Tâm (nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ - trích bài Lung linh lẽ sống - 2013) |