Tiền ảo và… ‘đồng tiền xương máu’

18/01/2018 - 09:01

PNO - Trong 24 giờ qua, thị trường tiền kĩ thuật số (thường được gọi là tiền ảo tại Việt Nam) đã rơi tự do từ một chục đến gần cả trăm phần trăm. Đây đâu phải là lời cảnh báo đầu tiên?

Công bằng mà nói, nếu tính từ thời điểm đầu năm 2017 đến nay, tiền ảo nói chung đang xu hướng tăng giá. Theo lí giải của một chuyên gia có… “tuổi chơi” tiền ảo mà trọng tâm là Bitcoin được hơn 4 năm, thị trường tiền ảo đang trong trào lưu đầu tư, vì thế tính chung là tăng giá dù có lúc sụt giảm hay khựng lại.

Nhưng sau khi có lời cảnh báo từ chính quyền bang Texas và North Carolina tại Mỹ mới đây, sàn Bitconnect – một sàn chuyên cho vay (lending) và giao dịch (exchange) đồng tiền này, đã thông báo ngừng dịch vụ cho vay và giao dịch, thì đồng tiền ảo này (mã BCC) liên tục lao dốc hơn 90%.

Tien ao va… ‘dong tien xuong mau’
Thị trường tiền ảo trên thế giới hỗn loạn khi Bitconnect sập sàn.

Cùng với đó, những cảnh báo mới nhất từ chính quyền Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đưa ra các biện pháp ngăn chặn giao dịch tiền ảo, khiến cho ngay cả đồng “hùng mạnh” nhất là Bitcoin cũng liên tục lao dốc. Và đến cuối ngày 17/1, giá mỗi đồng Bitcoin đã xuống dưới mức 10.000USD.

Ngày 16 và 17/1/2018 được xem là khoảng thời gian thảm họa của thị trường tiền ảo trên thế giới, và chưa hứa hẹn ngày chấm dứt sự đen tối này. Tất nhiên, những ai “lướt sóng” khi Bitcoin hay Bitconnect đang “trên đỉnh” thì bị thiệt hại nặng nề. Sự thiệt hại đang được đong đếm chính xác bằng tiền thật.

Sàn Bitconnect, đã từng huy động tiền gửi của dân đầu tư, với mức lãi suất khủng khiếp 30% mỗi tháng, và thời gian qua có hơn 6,6 triệu đồng được lưu thông giao dịch. Nó có tiếp tục xuống dốc nữa hay sẽ tăng trở lại, điều đó chưa thể khẳng định và cũng rất khó có ai dám đánh cược cho dự đoán của mình là đúng.

Tien ao va… ‘dong tien xuong mau’
Giới đầu tư người lo lắng, người kháo nhau gom tiền ảo nhân lúc "sàn đỏ".

Nhưng có một điều có thể khẳng định được là, cuộc lao vào đầu tư tiền ảo đang giống như một cuộc đỏ đen, chính vì chẳng có cơ quan, tổ chức nào kiểm soát hay không chế. Một sàn giao dịch tự mọc lên, huy động vốn, tạo môi trường giao dịch, người đầu tư cứ biết thế và chơi chứ chẳng hay chủ sàn có được bảo đảm gì hay không, và khi sàn ngừng cho vay và giao dịch, hay bị “sập” hẳn, thì cũng đành gánh chịu hậu quả.

Thế nhưng vẫn có không ít dân “lướt sóng” trong lúc này, nhân lúc “sàn đỏ”, kháo nhau nhảy vào “nhảy sóng” để chờ đến khi những đồng tiền ảo tăng giá trở lại. Nghĩa là nhảy vào một cuộc đầu tư đầy rủi ro, chấp nhận rủi ro để kiếm lời nhiều hơn.

Đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng biết dừng đúng lúc hay không lại là quyết định của từng cá nhân dựa vào kinh nghiệm bằng sự trải nghiệm của mình. Không có lời khuyên nào có thể giúp được cho những người đang chơi tiền ảo hơn chính những trải nghiệm của họ trên sàn. Bởi từng sự trải nghiệm đó gắn với từng “đồng tiền xương máu” mới đủ khiến họ phải dừng lại hoặc thức tỉnh trước những rủi ro quá lớn.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI