Gần đây tôi hay nói chuyện với các cô vợ cuối 20, đầu 30, hoặc mới cưới, hoặc sắp cưới. Một đề tài quen thuộc được nhắc đến là cách quản lý chi tiêu trong gia đình. Vấn đề này thiết thân và quan trọng, nhưng phần lớn mọi người không được chuẩn bị. Ở nhà cha mẹ không nói đến, tới trường thầy cô không dạy, ra ngoài cũng chỉ bàn đến nền kinh tế đất nước, hay việc kinh doanh của công ty, may ra bạn bè thân lắm mới chia sẻ với nhau về chuyện tiền bạc. Không có mấy người nhắc đến kĩ năng quan trọng trong cuộc sống, và tất nhiên cả trong hôn nhân, là quản lý tài chính trong gia đình.
Có một số cách tiếp cận chính. Kiểu truyền thống là chồng đưa vợ tiền, hoặc nếu hai người có nguồn thu chung, thì người vợ nắm tất cả và thỉnh thoảng đưa cho chồng tiền để trang trải chi phí cá nhân như tiền xăng, tiền điền thoại, tiền ăn sáng, tiền đi chơi với bạn bè. Vợ lo chi tiêu cho cả nhà, lo luôn cả khoản tiết kiệm, còn chồng không nghĩ gì đến gia đình thu chi thế nào. Đây là kiểu thường gặp ở các cặp vợ chồng tuổi trung niên.
|
Ảnh minh họa |
Kiểu thứ hai tôi được nghe từ một cô bạn. Tiền lương của vợ dùng để chi tiêu hàng ngày, còn thỉnh thoảng chồng có một cục thì đưa để cho vào tiết kiệm. Kiểu này sự kiểm soát của vợ ít hơn, nhưng sự tham gia của người chồng vào tài chính gia đình cũng không nhiều. Chồng hứng lên có thể lấy vài chục triệu mua một món đồ, trong khi vợ sắp sinh con, cần chi nhiều khoản. Cũng có khi, để nâng cao tinh thần tiết kiệm của chồng, cô bạn tôi làm bảng ghi chép chi tiêu của hai người trong vài tháng, mong chồng có nhận thức tốt hơn, hiểu việc duy trì cuộc sống hằng ngày đắt đỏ thế nào.
Kiểu thứ ba phổ biến hơn cả trong những cặp vợ chồng trẻ có hai thu nhập và số tiền kiếm được ngang nhau, là hai người có một quỹ chung, có thể là một cọc tiền để ở nhà hoặc một tài khoản ngân hàng. Hai người lấy tiền ở đó để tiêu, và số tiền bỏ vào có thể tùy ý hoặc theo thỏa thuận từ trước. Nhưng phần lớn các khoản mang tính trách nhiệm để vận hành một hộ gia đình thì vẫn sẽ đến tay người vợ.
Trước khi kết hôn, tôi suy nghĩ và nói chuyện với người yêu rất nhiều về chuyện này. Chúng tôi có chung nhiều quan điểm về tầm quan trọng của tiền bạc, thế nào là cuộc sống thoải mái, ngôi nhà mơ ước ra sao. Kiểu của tôi khác với cả ba kiểu trên.
Tôi và chồng cùng phân chia những khoản tiêu chung trong gia đình (tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiền Internet, tiền đi ăn ngoài), sau đó mỗi người nhận một số khoản. Còn ai kiếm được bao nhiêu và tiêu bao nhiêu, người kia sẽ không xen vào. Chúng tôi không có tài khoản tiết kiệm chung. Việc phân chia cho các khoản cố định hàng tháng cũng không phải 50-50, mà dựa vào tương quan thu nhập của hai người. Nếu người chồng kiếm được gấp đôi người vợ, thì khoản đóng góp cũng cao gấp đôi, và ngược lại.
Những khoản chi tiêu cho gia đình hai bên, chúng tôi thỏa thuận gia đình ai, người đó sẽ bỏ ra. Những khoản lớn cần mua chung và sử dụng chung, hay những chuyến du lịch, hai người chia đôi, hoặc người này trả tiền máy bay thì người kia trả tiền nhà, người này trả tiền ăn thì người kia mua vé xem phim, đại loại vậy.
Chúng tôi áp dụng hình dung về một xã hội lý tưởng của Karl Marx ở quy mô gia đình: “Đóng góp theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu”. Chúng tôi không cào bằng, yêu cầu hai bên phải chia đôi chằn chặn, cũng không phân biệt ai đưa nhiều hơn thì được nhiều quyền lợi hơn. Trong xã hội thu nhỏ gồm hai cá thể của mình, chúng tôi không phân biệt giàu nghèo, không có sự bất công.
Nhưng khác với cách áp dụng chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi không xóa bỏ tư hữu cá nhân, mà ngược lại, coi tập thể (ở đây là đơn vị gia đình) là trách nhiệm, nhưng cá nhân (tiền riêng của mỗi người) là niềm vui. Có lẽ vì thế mà tôi và chồng đã áp dụng mô hình này suôn sẻ trong gần hai năm nay và thấy cách tiếp cận này có rất nhiều lợi ích.
1. Tránh được căng thẳng và mâu thuẫn không cần thiết từ vấn đề tiền bạc
Những người phụ nữ một tay cai quản chi tiêu trong gia đình mà tôi biết, thường hay than thở rằng chồng tiêu xài hoang phí, không biết nghĩ xa xôi cho gia đình. Trong khi đó, người chồng lại ấm ức, sao vợ mình tiêu tiền nhanh hết vậy, vừa mới đưa tháng lương mà đã lại đòi thêm. Nhiều khi chồng phải “xin” vợ tiền để mua sắm hoặc đi chơi với bạn, còn vợ thì rình rập xem chồng có quỹ đen không. Những ức chế này rất dễ gây đến hiểu nhầm, thậm chí cãi vã.
2. San sẻ trách nhiệm giữa hai người