Tiêm vắc xin Sinovac vẫn có nguy cơ lây nhiễm

19/06/2021 - 13:06

PNO - Nhật báo tiếng Anh Straits Times của Singapore hôm 18/6 dẫn lời giám đốc dịch vụ y tế nước này Kenneth Mak nói, người đã tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19, dựa trên bằng chứng từ các quốc gia khác.

Vắc xin Sinovac đã cho thấy khả năng bảo vệ khác nhau qua nhiều nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi quốc tế - Ảnh: Straits Times
Vắc xin Sinovac đã cho thấy khả năng bảo vệ khác nhau qua nhiều nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi quốc tế - Ảnh: Straits Times

Ví dụ, gần đây có một báo cáo về việc các nhân viên y tế Indonesia vẫn bị nhiễm virus ngay cả khi đã tiêm vắc xin Sinovac, và ở các quốc gia khác. Nhà chức trách đang bắt đầu nghĩ đến việc tiêm vắc xin tăng cường sau 6 tháng kể từ lần tiêm chủng ban đầu, phó giáo sư Mak cho biết thêm. Ông nói: “Vì vậy, nó tạo ấn tượng rằng hiệu quả của các loại vắc xin khác nhau sẽ khác biệt khá nhiều”.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến của nhóm công tác đặc biệt liên bộ chống COVID-19, ông Mak lưu ý rằng, vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna mà Singapore đang sử dụng là một trong những loại vắc xin có hiệu quả cao nhất. Trước đây đã có báo cáo rằng vắc xin mRNA Pfizer và Moderna liên tục cho thấy có hiệu quả cao, với tỷ lệ hiệu quả khoảng 90%.

Trong khi đó, vắc xin Sinovac cho thấy khả năng bảo vệ khác nhau qua nhiều nghiên cứu được thực hiện trên phạm vi quốc tế, và phân tích đầy đủ nhất cho thấy hiệu quả của vắc xin này xấp xỉ 51%.

Phó giáo sư Mak cho biết Cục Khoa học Y tế Singapore (HSA) vẫn chưa phê duyệt Sinovac vì vẫn còn một số dữ liệu quan trọng nhà sản xuất chưa cung cấp để các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn đảm bảo về chất lượng và hồ sơ an toàn của vắc xin.

Nhu cầu về các liều Pfizer và Moderna - hai loại vắc xin được HSA chấp thuận ở Singapore - cũng ở mức cao, được nhiều người dân chờ đặt lịch tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói: “Chúng tôi đang làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo sẽ có đủ nguồn cung vắc xin cho toàn bộ người dân, để họ được bảo vệ đầy đủ”. Ông nhấn mạnh, “câu hỏi thực sự là vấn đề ấn định thời gian, liệu chúng ta có thể làm việc với các nhà cung cấp để một số lô vắc xin có thể đến sớm hơn hay không; và khi đó chúng ta có thể ở vị thế tốt hơn để mở cửa”.

Giáo sư Mak khuyến cáo: "Tất cả các loại vắc xin này đều đã được HSA PSAR phê chuẩn. Cả hai loại vắc xin đều tốt và bạn có thể đăng ký tiêm vắc xin Moderna, không cần đợi vắc xin Pfizer”.

Một báo khác là – tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) – dẫn nguồn nghiên cứu ở Hồng Kông cho biết “những người được tiêm Pfizer-BioNTech có phản ứng kháng thể mạnh hơn những người tiêm Sinovac”.

Nghiên cứu của Đại học Hồng Kông cho biết một số người đã tiêm vắc xin Sinovac có thể cần tiêm tăng cường thêm mũi thứ ba.

Người dân Hong Kong đi tiêm vắc xin Pfizer tại Trung tâm Thể thao Công viên Lai Chi Kok - Ảnh: SCMP
Người dân Hồng Kông đi tiêm vắc xin Pfizer tại Trung tâm Thể thao Công viên Lai Chi Kok - Ảnh: SCMP

Một nghiên cứu lớn ở Hồng Kông phát hiện mức độ kháng thể của những người được tiêm Pfizer “cao hơn đáng kể” so với những người được tiêm vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. Sự hiện diện của kháng thể là dấu hiệu cho thấy vắc xin đang hoạt động để bảo vệ cá nhân khỏi virus gây bệnh COVID-19.

Phát hiện của nghiên cứu đặt ra câu hỏi về kế hoạch của chính quyền nhằm rút ngắn thời gian cách ly đối với những du khách đã được tiêm phòng khi đến Hồng Kông.

Giáo sư Ben Cowling của Đại học Hong Kong, trưởng nhóm nghiên cứu về kháng thể của các vắc xin - Ảnh: SCMP/Jonathan Wong
Giáo sư Ben Cowling của Đại học Hồng Kông, trưởng nhóm nghiên cứu về kháng thể của các vắc xin - Ảnh: SCMP/Jonathan Wong

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Benjamin Cowling, một nhà dịch tễ học của Đại học Hồng Kông (HKU), nói với tờ SCMP rằng kết quả cũng cho thấy rằng một số người đã tiêm vắc xin Sinovac có thể cần tiêm tăng cường thêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu được Trường y tế công cộng của HKU tiến hành và liên quan đến việc theo dõi phản ứng kháng thể của 1.000 người được tiêm một trong hai loại vắc xin. Giáo sư Cowling cho biết kết quả nghiên cứu chi tiết sẽ được công bố trên các tạp chí học thuật.

Kết quả nghiên cứu của HKU được đưa ra vào thời điểm các cơ quan y tế Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đang xem xét việc mua vắc xin để tiêm mũi nhắc lại nhằm cải thiện khả năng bảo vệ chống virus.

Vì những người tiêm Sinovac có mức kháng thể thấp hơn, nên giáo sư Cowling tin rằng nghiên cứu của ông cho thấy sự cần thiết của liều vắc xin thứ ba, “để kéo dài thời gian bảo vệ cho một số người”.

Việt Hưng (Theo Straits Times, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI