Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để bảo vệ trẻ em trước biến chủng Omicron

17/12/2021 - 07:35

PNO - Các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin để bảo vệ trẻ khỏi đại dịch COVID-19 cũng như biến chủng mới Omicron.

 

Chuyên gia y tế khuyến cáo, cần sớm tiêm phủ vắc-xin cho trẻ em để chủ động ứng phó với biến chủng Omicron
Chuyên gia y tế khuyến cáo, cần sớm tiêm phủ vắc xin cho trẻ em để chủ động ứng phó với biến chủng Omicron

Ngày 16/12, Đại học Hồng Kông công bố nghiên cứu cho thấy biến chủng Omicron có thể nhân lên trong mô phế quản nhanh hơn 70 lần so với biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Biến chủng mới này lây nhiễm ở cả những người đã tiêm phòng, đặc biệt là người chưa tiêm liều tăng cường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, biến chủng mới phát triển chậm hơn 10 lần trong các mô phổi, dấu hiệu cho thấy bệnh bớt nghiêm trọng hơn. 

Trước đó, phát biểu trên truyền hình, quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết mặc dù biến thể Omicron đang lây rất nhanh, song các dấu hiệu ban đầu cho thấy nó ít nguy hiểm hơn Delta - biến thể chính đang làm tăng số ca nhập viện do COVID-19 tại Mỹ.

Như vậy, phải chăng, Omicron đang lây lan nhanh nhưng giảm độc lực? Phải chăng Omicron không gây bệnh nghiêm trọng, nhiều người mắc và từ đó hình thành kháng thể tự nhiên để chống lại các biến thể nguy hiểm khác trong tương lai? Trả lời về vấn đề này, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực phía Bắc, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - cho rằng, còn quá sớm để khẳng định chắc chắn điều này. 

Theo ông, thời gian qua, kể từ khi Omicron xuất hiện, đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới được công bố, nhưng hầu hết đều lẻ tẻ, chưa có một đánh giá tổng thể và đầy đủ; cần phải xem xét trên một quần thể rộng hơn để khẳng định biến chủng này có thể gây ra ít triệu chứng và bệnh nhẹ hơn hay không: “Cũng có thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn, nhưng cũng không loại trừ khả năng bệnh nhẹ là do người lớn đã tiêm vắc xin hoặc đã từng nhiễm trước đó”. Do đó, ông cho rằng, cần chờ thêm các nghiên cứu toàn diện, tránh “lạc quan thái quá” về biến chủng này.

Ở một khía cạnh khác, số trẻ em nhiễm biến chủng Omicron tăng là vấn đề đáng lo ngại. Ở Nam Phi, số trẻ em mắc COVID-19 do biến chủng Omicron và nhập viện tăng mạnh: riêng TP.Tshwane Metro ghi nhận 100 ca trong hai tuần cuối tháng 11 so với 20 ca trong hai tuần cuối tháng 5/2021. Ở Mỹ, hầu hết các ca mắc đều là người trẻ tuổi. Tiến sĩ Phạm Quang Thái cho rằng, đây là một trong những vấn đề cần phải lưu ý để chủ động đối phó với Omicron khi biến chủng này xuất hiện ở Việt Nam.

Ông cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến số ca mắc ở trẻ em tăng cao là do đối tượng này chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Giới chức của Nam Phi cũng đã đưa ra nhận định như trên. “Khi nhiều trẻ nhiễm bệnh, chắc chắn sẽ có một số trường hợp nặng. Tốc độ nhân lên của Omicron lớn, cơ thể có những phản ứng riêng, có thể xảy ra cơn bão miễn dịch như ở người lớn. Có những trường hợp đáp ứng quá mạnh, có thể dẫn tới viêm đa phủ tạng và tử vong” - tiến sĩ Phạm Quang Thái cảnh báo. 

Theo ông, Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi và có kế hoạch tiêm ngừa cho trẻ từ ba tuổi trở lên vào năm 2022. Việt Nam đang mở cửa kinh tế trở lại, rất khó để có thể ngăn chặn Omicron xâm nhập. Do đó, các bậc phụ huynh cần cho trẻ tiêm vắc xin để bảo vệ trẻ khỏi đại dịch COVID-19 cũng như biến chủng mới Omicron. 

“Chúng ta cần chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó, trong đó, tiêm vắc xin là một biện pháp quan trọng bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ quy định 5K của Bộ Y tế. Các loại vắc xin COVID-19 được cấp phép tiêm chủng hiện nay hoàn toàn an toàn đối với trẻ em” - tiến sĩ Phạm Quang Thái nói. 

 Minh Quang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI