Tiêm vắc xin là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người dân

22/08/2021 - 07:14

PNO - Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - tiêm chủng vắc xin COVID-19 không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Việc kén chọn loại vắc xin không những gây bất lợi cho bản thân mà còn ảnh hưởng tới miễn dịch cộng đồng, tới hàng rào bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho sáu loại vắc xin ngừa COVID-19 nhưng vẫn còn một số người dân băn khoăn, so sánh về chất lượng của các loại vắc xin. Xin ông vui lòng giải đáp thêm về vấn đề này.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu: Hiện nay, thế giới có hàng chục loại vắcxin phòng COVID-19, một số đã đưa vào sử dụng, một số đang tiếp tục được nghiên cứu, thử nghiệm. Sáu loại vắc xin được cấp phép tại Việt Nam gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V, Sinopharm, Johnson & Johnson. Đây đều là các loại vắc xin phổ biến, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định hoặc được các tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. 

Mặc dù các loại vắc xin có thể gây phản ứng đối với một số người được tiêm - có thể sốt, đau ở vị trí tiêm, đau đầu, mệt mỏi, có thể gồm phản ứng nặng như sốc phản vệ và có cả tử vong nhưng tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong rất thấp. 

Vì vắc xin phòng COVID-19 vừa nghiên cứu vừa sản xuất, cấp phép và đưa vào sử dụng trong điều kiện khẩn cấp nên hiệu lực của vắc xin chưa thật rõ ràng, có loại đạt hiệu quả trên 90% nhưng cũng có loại đạt hiệu quả từ 60 - 76%. Dù vậy, những con số này hoàn toàn dựa theo báo cáo riêng biệt của nhà sản xuất hoặc nước sử dụng, do đó khó để so sánh hiệu quả của các loại với nhau. Có một điều chắc chắn là các loại vắc xin trên đều giúp giảm triệu chứng cho những người mắc bệnh, giảm số người nhập viện điều trị và giảm tử vong. 

Từ những vấn đề trên, và như WHO đã khuyến cáo, người dân hãy tiêm bất cứ loại vắc xin nào khi đến lượt để bảo vệ mình và cộng đồng trước đại dịch. Loại vắc xin tốt nhất là loại tiêm sớm nhất.

* Việc trì hoãn, thậm chí từ chối tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng?

- Theo các nghiên cứu cũng như trên thực tế, muốn khống chế một bệnh truyền nhiễm thì một quần thể, một quốc gia phải đạt miễn dịch cộng đồng 70%. Có nghĩa là, việc tiêm vắc xin phải đạt tối thiểu 70% dân số đúng lịch và đủ liều. Như vậy, Việt Nam cần tiêm cho khoảng 70 triệu người và cần khoảng 150 triệu liều vắc xin nếu là loại tiêm hai liều (hai mũi). 

Việc tiêm vắc xin, do vậy, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân. Tất cả những ai thuộc đối tượng cần tiêm chủng hãy đi tiêm chủng, không chờ đợi, kén chọn vắc xin để Việt Nam nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. 

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2007 cũng nêu rõ: “Mọi người có quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng. Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện và bắt buộc. Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế”. 
 

* Bên cạnh một số trường hợp e ngại, không tiêm vắc xin ngừa COVID-19, lại có một số trường hợp tỏ ra nôn nóng, tìm cách để được tiêm sớm, tiêm trước. Ông có lời khuyên nào cho họ?

- Người dân cần hết sức bình tĩnh. Mục tiêu của Việt Nam là bao phủ vắc xin cho ít nhất 70% dân số. Nhưng lúc này, trong điều kiện vắc xin còn khan hiếm, cần phải ưu tiên các đối tượng nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn. Đối tượng nguy cơ ở đây cũng phải gắn với vùng nguy cơ, ví dụ như một số tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương hay các địa phương đang có dịch… 

* Thưa ông, một số địa phương hiện có tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất khá cao nhưng mũi thứ hai còn hạn chế. Nhiều người dân cũng bày tỏ lo lắng khi đã đến lịch tiêm mũi thứ hai và gần hết thời hạn được khuyến cáo mà chưa nhận được thông báo tiêm chủng. Việc tiêm chậm có ảnh hưởng tới miễn dịch hay không và có phải tiêm lại từ đầu hay không?

- Phần lớn vắc xin có ở Việt Nam hiện nay như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V, Sinopharm đều có chỉ định tiêm hai liều cách nhau 4-12 tuần. Riêng vắc xin Johnson & Johnson thì chỉ cần tiêm một liều duy nhất. Tuy nhiên, mốc thời gian trên là quy định tối thiểu trong điều kiện vắc xin dồi dào. Do đó, nếu qua 12 tuần mà chưa được tiêm mũi thứ hai thì vẫn có thể tiêm mũi thứ hai mà không ảnh hưởng tới hiệu lực. Tuy nhiên, cũng không nên để muộn quá mà chỉ nên vượt hạn một thời gian ngắn, có thể là một vài tuần.

* Tới cuối năm 2021, Việt Nam dự kiến sẽ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bao phủ được khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số quốc gia, sau khi tiêm chủng đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng, dịch COVID-19 vẫn tái bùng phát. Vậy đâu là điều quan trọng để bảo vệ chúng ta khỏi đại dịch?

- Như tôi đã nói, do các loại vắc xin phòng COVID-19 được nghiên cứu, sản xuất, cấp phép và đưa vào sử dụng trong điều kiện khẩn cấp nên hiệu lực của vắc xin chưa thật rõ ràng. Việc ngăn khả năng lây truyền bệnh, bảo vệ người dân được bao lâu vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, việc tạo miễn dịch cộng đồng đã giúp giảm số ca bệnh nặng, giảm gánh nặng cho ngành y tế và giảm ca tử vong. Sau khi tiêm chủng, chúng ta vẫn phải tiếp tục, kiên trì thực hiện nguyên tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. 

* Xin cảm ơn ông. 

Huyền Anh (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI