Mong tiêm vắc xin để trẻ đến trường
Chị Nguyễn Hoài Nam (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) luôn theo dõi các thông tin về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em bởi nhiều tháng nay, cậu con trai lớp Bảy phải học online, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thị lực và khiến gia đình bất tiện trong sinh hoạt, làm việc: “Hiện một số nước đã tổ chức tiêm chủng cho trẻ từ năm tuổi nên tôi hy vọng Việt Nam sớm có vắc xin tiêm cho trẻ em để trẻ có thể đến trường. Bên cạnh việc thu nạp kiến thức, việc tương tác trực tiếp với giáo viên, gặp gỡ bạn bè có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kỹ năng sống của trẻ”.
Khảo sát của Facebook (trụ sở tại Mỹ) mới đây đã thu được gần 4 triệu lượt phản hồi từ Việt Nam liên quan tới vắc xin ngừa COVID-19. Trong đó, có tới 90% lượt cho rằng, nên tiêm phòng cho trẻ em khi có vắc xin.
|
Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm trước cho trẻ 16-17 tuổi và không phối trộn các loại vắc xin - Ảnh: Bảo Khang |
Ngày 14/10, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế lưu ý không tiêm trộn hai loại vắc xin cho trẻ và đề nghị Sở Y tế các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách. Việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Hướng dẫn cũng quy định, cha mẹ, người giám hộ phải thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này.
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, phấn đấu tới hết năm nay, Việt Nam sẽ tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19 cho 95% trong tổng số 8,1 triệu người từ 12-17 tuổi trên cả nước. Ngoài ra, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi, đồng thời tiếp cận các nguồn vắc xin và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn về việc tiêm cho trẻ ở độ tuổi này khi có nguồn.
Chỉ tiêm đại trà khi đã kiểm chứng độ an toàn
Bên cạnh việc chờ đợi, mong mỏi, không ít phụ huynh và thậm chí cả chuyên gia y tế cũng băn khoăn về một số phản ứng có thể xảy ra với trẻ sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Hồi tháng 6/2021, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra cảnh báo về một tác dụng phụ của hai loại vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna, đó là viêm cơ tim cấp. Đây là hai loại vắc xin được bào chế dựa trên cùng một công nghệ mRNA. Đáng lưu ý, các trường hợp viêm cơ tim được ghi nhận cao hơn từ 3-4 lần đối với nhóm người trẻ tuổi.
Trao đổi về điều này, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - khẳng định, các phản ứng sau tiêm là do sự đáp ứng khác nhau của cơ thể và không chỉ xảy ra đối với vắc xin ngừa COVID-19. Các báo cáo ghi nhận, có những trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em, nhưng rất hiếm gặp.
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái phân tích: “Tỷ lệ ghi nhận hiện nay là khoảng 10-20 trường hợp trên 100.000 mũi tiêm. Đây là tỷ lệ rất thấp, đặc biệt là so với tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm cơ tim nếu như bị nhiễm COVID-19, đó là chưa kể các biến chứng khác. Một nghiên cứu ghi nhận 1/1.000 trẻ bị viêm cơ tim nếu mắc COVID-19. Như vậy, lợi ích của việc tiêm vắc xin cao hơn nhiều so với việc để trẻ mắc COVID-19 tự nhiên”.
FDA cũng không đưa ra khuyến cáo cụ thể vì họ cho rằng, phản ứng phụ này là không đáng kể so với số người được tiêm vắc xin và phần lớn các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình mà không cần điều trị. Chỉ còn những người có tiền sử viêm cơ tim hoặc suy tim do viêm cơ tim thì có vẻ không nên tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna do nguy cơ viêm cơ tim tái phát có thể tăng cao. Đồng tình với quan điểm trên, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Quang Thái cho rằng, viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin do đáp ứng miễn dịch của cơ thể có thể tự hết sau một thời gian, chỉ một số nhỏ cần phải can thiệp về y tế.
Dù vậy, vị chuyên gia này vẫn lưu ý, phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ con em mình sau khi tiêm; nếu có những biểu hiện nghi vấn thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám. Đặc biệt, việc tổ chức tiêm chủng cần được tiến hành hết sức cẩn trọng và chặt chẽ.
Ông nói: “Trước đây, khi bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam, 1.000 người tiêm đầu tiên được theo dõi sát sao, nhân viên y tế gọi điện thoại hằng ngày để kiểm tra sức khỏe trong vòng bảy ngày. Sau đó, trong vòng 28 ngày, gia đình tiếp tục cập nhật về tình trạng của người tiêm nếu có các vấn đề bất thường. Đối với trẻ em cũng tương tự, phải được triển khai từ quy mô nhỏ, sau đó mới tổ chức tiêm trên diện rộng khi đã có những kết quả ban đầu an toàn”.
Để đảm bảo tính an toàn, Bộ Y tế hướng dẫn mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp. Cụ thể, tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. “Trong quá trình triển khai, các chuyên gia và Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá về độ an toàn của vắc xin khi tiêm cho trẻ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin thêm.
Huyền Anh