Tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ: Càng sớm, càng tốt!

18/03/2022 - 06:25

PNO - Trong những lần nhà trường lấy ý kiến về việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, còn nhiều phụ huynh không đồng thuận, nhất là ở bậc học mầm non.

Tỷ lệ đồng thuận chênh nhau theo độ tuổi

Chị Nguyễn Phương Lan, phụ huynh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TPHCM), cho biết: “Nhà trường lấy ý kiến phụ huynh thông qua chủ nhiệm lớp. Thực sự, tôi lưỡng lự lắm vì mình chưa biết hết các tác dụng phụ của vắc xin ngừa COVID-19. Song nếu không tiêm thì khi con đi học, đến chốn đông người cũng không an tâm vì khả năng bị bệnh sẽ cao. Sau khi bàn bạc, cân nhắc, gia đình tôi quyết định tạm thời chưa cho con tiêm đợt này”.

Trẻ cần tiêm vắc-xin để an toàn hơn khi đi học và sinh hoạt trong cuộc sống - ẢNH: THANH THANH
Trẻ cần tiêm vắc xin để an toàn hơn khi đi học và sinh hoạt trong cuộc sống - Ảnh: Thanh Thanh

Theo chị Lan, lý do là thời gian gần đây, học sinh đi học nhiễm khá nhiều nhưng hầu hết khỏi bệnh nhanh, trừ những bé có bệnh sẵn hoặc cơ địa yếu. Trong khi vắc xin thì mới quá, mà học sinh lớp lớn tiêm rồi vẫn bệnh nên chị quyết định chờ thêm thời gian nữa. 

Còn anh Vĩnh An, phụ huynh Trường mầm non Tuổi Ngọc (Q.8, TPHCM), cho hay, vẫn chưa muốn cho con tiêm vắc xin ở thời điểm này, bởi lo những tác dụng phụ về sau đối với trẻ nhỏ, nhất là khi con là bé gái nên muốn chờ thêm thời gian nữa.

“Ở nhiều nước, tôi thấy họ không ủng hộ lắm việc tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ. Khi nào có các dữ liệu lâm sàng chắc chắn hơn về tác dụng phụ của vắc xin đối với trẻ nhỏ thì có lẽ sẽ dễ thuyết phục phụ huynh hơn”, anh An nói.

Sự lưỡng lự, chưa an tâm có thể thấy rõ sau thời gian lấy ý kiến phụ huynh của ngành giáo dục. Nhiều phòng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho hay tỷ lệ phụ huynh đồng thuận tiêm vắc xin cho trẻ mầm non còn thấp. Số liệu từ Phòng GD-ĐT Q.3 cho thấy, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin dao động từ hơn 50% - 94%. Trong đó, bậc mầm non có tỷ lệ thấp nhất, với hơn 50%; bậc tiểu học 94%; lớp 6 là 77,5%.

Tương tự, tại Q.10, phụ huynh mầm non vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc quyết định cho con tiêm vắc xin vì lo lắng phản ứng sau tiêm. 

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, hiện sở đang thống kê số lượng phụ huynh đồng ý - chưa đồng ý cho con tiêm vắc xin. Việc tiêm vắc xin sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ, không chỉ là để đi học mà còn trở lại các sinh hoạt bình thường.

Vì thế, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT quận, huyện cũng như các trường đẩy mạnh tuyên truyền để phụ huynh hiểu và an tâm khi cho con tiêm vắc xin. Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ không đồng thuận, trẻ chưa tiêm vắc xin thì các em vẫn được đảm bảo quyền lợi học tập như bình thường. 

Dù trẻ khó trở nặng cũng nên đề phòng 

Không ít chuyên gia cho rằng nên tiêm vắc xin cho trẻ càng sớm càng tốt, bởi theo thống kê, sau khi đi học trực tiếp, học sinh tiểu học là nhóm trẻ chưa tiêm nên có số ca nhiễm cao hơn hẳn so với nhóm trẻ đã được tiêm. Điều này cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin, đặc biệt, tác dụng lớn nhất là hạn chế việc trở nặng. Thời gian gần đây, số giáo viên và học sinh trở thành F0 tăng nhiều và nhanh do ảnh hưởng của biến chủng mới, thế nhưng với học sinh cơ bản rất hiếm trường hợp trở nặng. 

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện sở đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn và tổ chức tiêm tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, sở vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ Y tế.

Liên quan đến lo lắng và sự không đồng thuận của không ít phụ huynh về việc tiêm vắc xin cho trẻ, ông Tăng Chí Thượng cho rằng cần tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động. Theo Bộ Y tế, vắc xin Pfizer an toàn và đạt hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Trước khi khuyến cáo tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác định Pfizer đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi.

Theo Bộ Y tế, có thể gặp một số tác dụng phụ sau khi tiêm chủng nhưng đó là những phản ứng đáp ứng miễn dịch thông thường của cơ thể. Trong các thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, không có mối lo ngại nghiêm trọng nào về tính an toàn. Các phản ứng phụ được ghi nhận nhẹ, tương tự những phản ứng sau tiêm của các loại vắc xin thông thường. 

Theo Sở Y tế TPHCM, trong những ngày gần đây, TPHCM ghi nhận số lượt trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của các bệnh viện, đặc điểm chung của trẻ mắc COVID-19 là sốt, ho và đau họng, rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng.

Để chủ động ứng phó với tình huống số ca mắc ở trẻ tăng cao, sở yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập sẵn sàng tiếp nhận điều trị trẻ mắc COVID-19.

Quốc Ngọc - Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI