Tiêm vắc xin cho trẻ: Không nên do dự

03/11/2021 - 06:20

PNO - Tiêm vắc xin cho trẻ em là một bước tiến lớn để trở lại cuộc sống bình thường, tuy nhiên, đã có không ít bậc cha mẹ vẫn đang lưỡng lự trước quyết định có nên cho con mình tiêm vắc xin hay không. Trên thực tế, tiêm vắc xin là lựa chọn an toàn cho trẻ so với việc phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm.

Vắc xin an toàn cho trẻ em

Vào ngày 29/10, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm hai liều 10 microgram vắc xin COVID-19 Pfizer/BioNTech coronavirus cách nhau ba tuần cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Dù vậy, mũi tiêm còn chờ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo cách sử dụng và được Giám đốc CDC Rochelle Walensky ký duyệt.

Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) ủng hộ nhận định của FDA. Lee Savio Beers - Chủ tịch của AAP - cho biết, trẻ em đã phải chịu đựng nhiều khó khăn trong đại dịch, bao gồm “việc học hành bị gián đoạn, tổn hại đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc, cũng như giảm đáng kể khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế quan trọng”.

Bà Beers nói thêm: “vắc xin sẽ giúp trẻ em an toàn khi đến thăm bạn bè và các thành viên trong gia đình, tham dự các buổi họp mặt trong kỳ nghỉ và tiếp tục các hoạt động thời thơ ấu bình thường mà chúng đã phải bỏ lỡ trong đại dịch”. 

Nhiều quốc gia đã bắt đầu hoặc chuẩn bị tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi như Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Israel, Indonesia… - ẢNH: GETTY IMAGES
Nhiều quốc gia đã bắt đầu hoặc chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi như Trung Quốc, Cuba, Mỹ, Israel, Indonesia… - Ảnh: GETTY IMAGES

Khi thời điểm quan trọng - trẻ em được tiêm vắc xin - đến, nhiều văn phòng bác sĩ nhi khoa đã ghi nhận tâm trạng của nhiều bậc cha mẹ đang là sự pha trộn giữa háo hức và do dự. Tiến sĩ Christina Johns - một bác sĩ nhi khoa ở Annapolis, bang Maryland - nói: “2/3 số gia đình hào hứng với vắc xin cho trẻ em, họ muốn xếp hàng và đăng ký tiêm chủng cho con của họ sớm nhất có thể. 1/3 số gia đình vẫn còn do dự và đặt ra nhiều câu hỏi”.

Theo một cuộc khảo sát từ Kaiser Family Foundation, trong số các bậc cha mẹ có con từ 5 - 11 tuổi, có khoảng 76% nói rằng họ “rất” hoặc “hơi” lo lắng về các tác dụng phụ về lâu dài của vắc xin, trong khi có 71% lo lắng về các tác dụng phụ nghiêm trọng tức thì nếu có. 

Trong thông báo về việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, FDA lưu ý rằng tính an toàn của vắc xin đã được nghiên cứu ở khoảng 3.100 trẻ. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong nghiên cứu. Các tác dụng phụ lâm sàng thường gặp bao gồm đau cánh tay khi tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ hoặc khớp, ớn lạnh, sốt, sưng hạch bạch huyết, buồn nôn và giảm cảm giác thèm ăn. Tác dụng phụ thường là từ nhẹ đến trung bình và xảy ra trong vòng hai ngày sau khi tiêm chủng. Hầu hết sẽ biến mất trong vòng một đến hai ngày. Mặt khác, đã ghi nhận trẻ em báo cáo các phản ứng phụ sau khi tiêm liều thứ hai xảy ra nhiều hơn sau liều đầu tiên.

Lợi ích nhiều hơn rủi ro

Phụ huynh thường lo ngại nhất về hai tác dụng phụ bổ sung, rất hiếm khi ghi nhận được ở nhóm thanh thiếu niên lớn hơn, từ 12 - 17 tuổi, bao gồm viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Các triệu chứng nhận biết bao gồm đau ngực, khó thở, tim đập nhanh. Những tác dụng phụ hiếm gặp trên có xu hướng phổ biến nhất ở nam giới, đặc biệt là nam giới vị thành niên và thanh niên. Thế nhưng, điều quan trọng cần lưu ý là triệu chứng sẽ giảm dần theo thời gian trong vòng 2 - 3 ngày và chưa có bất kỳ trường hợp nào gây nguy hiểm tính mạng, hơn nữa “nguy cơ phát triển viêm cơ tim do mắc bệnh COVID-19 cao hơn nhiều so với việc tiêm vắc xin COVID-19”. 

Mặc dù nhiều trẻ em mắc COVID-19 không phát triển triệu chứng nghiêm trọng như người lớn - nhiều trẻ khác không có triệu chứng - điều đó không có nghĩa là chúng miễn nhiễm COVID-19. Trên thực tế, tính đến tháng 10/2021, tại Mỹ đã có hơn 6 triệu trẻ em nhiễm COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong tuần cuối của tháng 9/2021, trẻ em chiếm 26,7% số ca nhiễm mới. Trẻ trong độ tuổi đi học từ 5 - 17 tuổi và trẻ em đi nhà trẻ thậm chí còn có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao hơn. Tất nhiên, rủi ro này phụ thuộc vào chính sách an toàn mà trường áp dụng. Một nghiên cứu cho thấy trẻ em có nguy cơ nhiễm COVID-19 trong trường học cao hơn 3,5 lần nếu không quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Cuối cùng, là có tới 52% thanh thiếu niên và người trưởng thành từ 16 - 30 tuổi có thể gặp các triệu chứng “COVID kéo dài” sáu tháng sau khi nhiễm. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ước tính rằng 12,9% trẻ em từ 2 - 11 tuổi và 14,5% trẻ em từ 12 - 16 tuổi vẫn gặp các triệu chứng suốt năm tuần sau khi khỏi bệnh. Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế Israel cho thấy trong số trẻ em từ 3 - 6 tuổi, có 1,8% bị các triệu chứng của COVID kéo dài nửa năm sau khi khỏi bệnh. Ở trẻ em từ 6 - 12 tuổi, con số này là 2,4%. Một nguy cơ khác tiếp tục xảy ra sau này ở trẻ em mắc bệnh là hội chứng viêm đa hệ. Đây là hội chứng nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng của trẻ. 

Triệu chứng COVID lâu dài có thể xảy ra ngay cả ở những trường hợp bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đôi khi, các triệu chứng kéo dài bắt đầu sau khi bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn; hoặc sau vài tuần nếu bệnh nhân thuộc nhóm không có triệu chứng. Một số triệu chứng - chẳng hạn như mệt mỏi, đờ đẫn và suy giảm trí nhớ - tương tự như những gì gặp phải sau một chấn động não và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, việc học tập của trẻ. Do đó, việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ để phòng bệnh vẫn là lựa chọn tốt nhất, được các nhà khoa học khuyến cáo sử dụng. 

Ngọc Hạ (theo New York Times, Washington Post, CNN, Healthline)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI