Tiêm vắc-xin bạch hầu có ngừa được bệnh suốt đời?

06/07/2020 - 06:10

PNO - Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

 

Cán bộ y tế cho người dân khu vực có dịch uống thuốc, tiêm phòng - Ảnh: Nguyên bảo
Cán bộ y tế cho người dân khu vực có dịch uống thuốc, tiêm phòng - Ảnh: Nguyên bảo

Trước tình hình bệnh bạch hầu đang xuất hiện ổ dịch tại các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và một ca tại TP.HCM, thạc sĩ - bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, Phó khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP.HCM đã chia sẻ về cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất.

Phóng viên: Để phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm vắc-xin từ nhỏ. Theo bác sĩ, trẻ đã qua độ tuổi tiêm chủng và người lớn muốn tiêm vắc-xin ngừa bệnh có được không? 

Thạc - bác Hồ Vĩnh Thắng: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tất cả trẻ em nên được chủng ngừa phòng bệnh bạch hầu. Các đợt bùng phát bạch hầu gần đây ở một số quốc gia phản ánh việc tiêm chủng không đầy đủ và đã chứng minh tầm quan trọng của việc duy trì mức độ bao phủ cao trong các chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Mỗi quốc gia nên tìm cách đạt được loạt tiêm chủng cơ bản đúng tiến độ và tăng cường với các liều tiêm nhắc. 

Tại Việt Nam, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã triển khai tiêm vắc-xin bạch hầu cho trẻ nhỏ tại các trạm y tế với lịch tiêm cụ thể như sau: trẻ dưới một tuổi cần tiêm ba liều cơ bản (lúc hai, ba, bốn tháng tuổi) và tiêm nhắc lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi. Ngoài ra, các địa phương nguy cơ cao, hằng năm Bộ Y tế đều có kế hoạch thực hiện tiêm chủng vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) để nâng cao miễn dịch cộng đồng hoặc trẻ ở các địa phương còn lại có thể tiêm nhắc bằng hình thức tiêm chủng tự nguyện.

Do vậy, đối với trẻ dưới hai tuổi, cần liên hệ các trạm y tế xã/phường để đăng ký và được tư vấn, hướng dẫn tiêm vắc-xin bạch hầu. Riêng đối với trẻ lớn và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để được kiểm tra tiền sử tiêm chủng, đăng ký và được chỉ định tiêm vắc-xin bạch hầu phù hợp độ tuổi để có miễn dịch chủ động phòng chống bệnh bạch hầu.

* Thưa bác sĩ, có tình huống nào người đã tiêm vắc-xin bạch hầu vẫn không ngừa được bệnh? 

- Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Đối với các bệnh truyền nhiễm thường gây dịch thì vắc-xin là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cho cá nhân và cộng đồng. Các quốc gia hay vùng, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao ở trẻ nhỏ, dịch bạch hầu thường không xảy ra ở trẻ lớn và người lớn.

Tỷ lệ bao phủ vắc-xin bạch hầu trong cộng đồng nếu đạt từ 70% trở lên sẽ không có dịch bạch hầu lớn xảy ra trong cộng đồng đó; nếu tỷ lệ này là 80-85% được xem như đạt ngưỡng miễn dịch để bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh. Dưới ngưỡng này, bệnh vẫn còn lưu hành do nguồn vi khuẩn luôn có trong tự nhiên hay xâm nhập từ bên ngoài, khiến có nguy cơ gây bùng dịch.

*Có thống kê nào về tỷ lệ người tiêm chủng vắc-xin bạch hầu nhưng không ngừa được bệnh?

- Nghiên cứu tại Nga và Ukraina cho thấy, hiệu quả bảo vệ ở trẻ sau tiêm ba mũi cơ bản của vắc-xin bạch hầu đạt từ 96,9-98,2%. Tỷ lệ này tăng lên đến 99% sau khi tiêm tiếp các mũi tiêm nhắc sau đó, trong đó có mũi nhắc vào năm tuổi thứ hai (chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam có tiêm mũi nhắc này lúc 18-24 tháng). Ở người lớn, lịch tiêm ba mũi cơ bản sẽ cho hiệu quả bảo vệ khoảng 70%. 

Với người từng tiêm vắc-xin, nếu mắc bệnh, cũng sẽ mắc thể nhẹ và nguy cơ nặng hay tử vong cũng thấp hơn bảy lần so với người không tiêm và mắc bệnh. Vấn đề quan trọng nhất là phải tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin trong cộng đồng để tiến đến không còn ca bệnh và nguồn lây cho cộng đồng, khống chế không để dịch xảy ra và tiến tới loại trừ bệnh.

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Lan Chi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI