Tiệm phở có những bình minh ấm

22/10/2019 - 09:36

PNO - Đó là một tiệm phở tươm tất trên một con đường nhỏ từ Thống Nhất (quận Gò Vấp, TP.HCM) rẽ vào.

Người dân quanh đây quen xem nó như một địa chỉ ăn sáng lý tưởng, một nơi mà họ có thể vỗ về cái bao tử của mình trước khi bắt đầu một ngày mới.

Bình minh dịu dàng rót mật trên những tán cây, những vuông cửa sổ ngập tràn nắng sớm, trong cái quán dậy lên mùi nước dùng được nấu với thanh quế, hoa hồi, thảo quả, thực khách có thể bình thản dùng bữa rồi rời đi. Ít ai để ý những con người ngày ngày gắn bó với cửa tiệm.

Họ lặng lẽ làm công việc của mình, đôi khi không đơn thuần là những công đoạn làm ra một tô phở nóng sốt ngon lành. Công việc của họ không có tên gọi, và hầu như rất ít người biết đến. 

Tiem pho co nhung binh minh am
Hải luôn sạch sẽ, ngăn nắp một cách... khó hiểu!

Công việc của chị chủ tiệm phở… không chỉ là bán phở

Chẳng hạn như là…

Xóm bên có người vừa mất. Sinh thời người ấy không có một mái nhà, không người thân thuộc, họ hàng, chết đi không có nổi một cỗ quan tài để tẩm liệm và chôn cất. Người dân quanh đó nghĩ đến giải pháp đi xin hỗ trợ của phường. 

Một cái tên đàn bà được đưa ra: chị Lệ, chủ quán phở nọ, thường trú ở phường 16, người sẽ không bao giờ từ chối bất cứ  đề nghị giúp đỡ nào từ những mảnh đời kém may mắn hơn mình. 

Người ta nói với chị, họ cần một cỗ quan tài để lo hậu sự cho người ở xóm bên. Không ngần ngại, trời vừa tờ mờ sáng, chị tất tả bỏ lại tiệm phở cho sấp nhỏ tự điều hành, đích thân đi mua một cái hòm gỗ tốt cho người vừa nằm xuống. 

Đó là một bình minh không giống những ngày mưa ảm đạm trước đó. Nắng đã bắt đầu ấm hơn, dù đâu đây còn vẳng lại tiếng con chim lợn eng éc trên những mái nhà…

Chẳng hạn như là…

Có một cô gái nghèo bị chồng bỏ hay đi ngang tiệm phở của chị, mời chị mua vé số, đôi khi đói lòng, còn được chị đãi một chầu phở ngon lành, thỉnh thoảng không còn đồng nào mua sữa cho con, cũng được chị dúi cho ít bạc vào túi. 

Có những cô cậu sinh viên cần tìm việc để có thu nhập trang trải học phí, chỗ ở, chị nhận hết vào làm nhân viên trong quán mình. 

Có chị, tụi nhỏ không còn phải lo chuyện ăn, ở, chuyện tiền nong, chỉ cần chăm chỉ, một buổi phụ việc trong quán, một buổi đi học. Mùng một và ngày rằm hằng tháng giúp chị nấu cháo mang đến bệnh viện cho bệnh nhân nghèo, là được. 

Đó là những bình minh rộn rã tiếng cười, tiếng trêu ghẹo nhau, tiếng í ới phân công người sơ chế, nấu nướng, tiếng xoong nồi va vào nhau lanh canh, tiếng chổi chạm xuống sàn nhà loạt soạt, tiếng dọn bàn ghế rổn roẻng. Đó là những bình minh vui vẻ.

Và, cũng vào một trong những bình minh vui vẻ đó cách đây sáu năm, ngày mùng một âm lịch, chị Lệ quyết định treo bảng tặng một trăm suất ăn miễn phí cho người nghèo. 

Cái thông tin tốt lành này nhanh chóng lan đến những người lang thang vô gia cư khu vực phường 16, và những phường lân cận quận Gò Vấp. Đến giờ mở cửa phát cơm, một hàng người rồng rắn kéo đến rất đông trước tiệm phở. 

Trong đoàn người chen chúc đó, chị Lệ đặc biệt chú ý đến một thanh niên mắc hội chứng Down đang đứng xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt mình. Hải - tên của chàng thanh niên nọ, sống gần tiệm phở của chị. Hải không phải người lang thang, anh vốn xuất thân từ một gia đình khá giả. 

Cha mẹ anh đã lớn tuổi, nhưng không thiếu tiền bạc, của cải để lo cho anh một cuộc sống đủ đầy sung túc đến cuối đời. Tuy hơi ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Hải trong dòng người đến nhận cơm miễn phí, chị Lệ vẫn vui vẻ trao cho Hải một suất cơm khi đến lượt. Anh khoanh tay: “Hải cám ơn”, rồi giở hộp cơm ra ăn một cách ngon lành. 

Ngày hôm sau, tiệm phở lại lục tục dọn hàng khi trời còn chưa sáng. Cửa vừa mở, chị Lệ đã thấy Hải đứng đó tự lúc nào. Anh khoanh tay nài nỉ: “Cho Hải làm việc. Hải muốn làm việc!”. 

Nhìn bộ quần áo chỉn chu trên người Hải, một chiếc sơ-mi trắng đóng thùng gọn ghẽ vào một cái quần ka-ki ngắn trên mắt cá, chân đi đôi dép tổ ong đã mòn vẹt, chị Lệ hiểu rằng ước muốn được làm việc của chàng thanh niên mắc hội chứng Down là một ước muốn hoàn toàn nghiêm túc. Kể từ ngày hôm đó, Hải trở thành nhân viên bình thường một cách không bình thường tại tiệm phở của chị.

Công việc của một nhân viên tiệm phở cũng… không phải là bán phở

Thực ra, việc nhận Hải - một thanh niên có hạn chế về nhận thức làm việc tại quán phở, ban đầu khiến chị Lệ hơi ngần ngại. 

Thứ nhất, chị không thiếu nhân viên. Thứ hai, thật khó có thể đòi hỏi Hải làm tốt những công việc mà một nhân viên bình thường có thể làm.

Hơn nữa, chị không muốn sử dụng anh như một người lao động khi những hành vi của anh không đủ để trở thành một người lao động đúng nghĩa. Nhưng Hải, với niềm khát khao làm việc, dù là trong một giới hạn nghiệt ngã của bản thân, đã khiến chị Lệ phải cảm mến.

Tiem pho co nhung binh minh am
Với ước muốn được làm việc, chàng thanh niên mắc hội chứng Down trở thành nhân viên của tiệm phở

Hằng ngày, Hải đến quán từ khi trời còn tờ mờ. Hải có một cái tủ nhỏ ở quán dùng để cất đồ dùng cá nhân của mình. Anh được ông bà chủ sắm cho một bộ đồ của nhân viên phục vụ, thêm một cái thẻ đeo trước ngực có gắn hình anh, như bất cứ nhân viên công sở nào khác. Khi đến quán, anh nhanh chóng bước lại tủ, lấy quần áo ra thay, thẻ đeo lủng lẳng trước cổ, phải mặc đúng bộ đồ đó thì anh mới bắt đầu công việc của mình. 

Đầu tiên, Hải dùng giẻ lau tất cả bàn ghế trong quán. Anh lau sạch đến nỗi mặt bàn nào cũng bóng lộn lên. Rất nhiều lúc Hải có những hành động khá khó hiểu. 

Anh bày mọi thứ ra bàn, rồi xếp lại ngăn nắp… như cũ. Hũ tăm, hũ ớt anh để theo một trật tự của riêng mình, ai để sai vị trí mặc định là anh khóc tu tu. Quán vắng thì không sao, khách đông là anh bị rối, cứ chạy tới chạy lui, tay chân quơ quào thừa thãi, có khi va quệt những nhân viên khác trong lúc họ bưng bê, anh ngã dúi dụi xuống đất. 

Khách đứng dậy về, anh lúp xúp chạy theo, cầm remote như thể… cái bộ đàm, hướng dẫn khách đi theo hướng tay mình chỉ. Ai cũng biết Hải không bình thường, nhưng họ cảm thấy yêu quý sự nhiệt tình đến ngô nghê của anh. 

Sự có mặt của Hải vào những giờ cao điểm có thể gây vướng víu, phiền phức cho thực khách và những nhân viên khác trong quán, nhưng không ai tỏ ra khó chịu với anh. Họ vỗ vai anh, khen anh làm tốt, họ đùa giỡn và pha trò cùng anh. 

Ở tiệm phở, Hải không chỉ có một công việc để làm, như một người bình thường, mà còn được đối xử và yêu thương tận tình. 

Khi phát lương cho nhân viên vào cuối tháng, chị Lệ kẹp một tờ giấy bên ngoài xấp tiền, ghi rõ tên nhân viên, hạng mục công việc, ngày công trong tháng và số tiền thực nhận. 

Như các nhân viên khác của quán, Hải cũng được nhận một xấp tiền có tờ giấy kẹp ngoài. Lỡ tháng nào chị Lệ quên kẹp tờ giấy vào xấp tiền của Hải, anh kiên quyết không nhận. Anh bảo rằng đó là tiền của bà chủ cho, chứ không phải “lương”. 

“Lương” thì phải có tờ giấy kẹp ngoài. Dù Hải không biết cách xài tiền, và bản thân anh cũng chẳng cần nó. Dù không thể đọc được những gì bà chủ viết trên mảnh giấy kẹp ngoài, nhưng với Hải, tờ giấy chính là bảo chứng của việc anh đi làm và nhận được những giá trị từ sức lao động của mình đem lại. Nó quan trọng với anh hơn tất cả mọi giá trị khác trên đời.

Mỗi khi đi ngang tiệm phở, tôi thường đảo mắt tìm chị Lệ, tìm Hải. Có khi tôi bắt gặp cả hai đang luôn tay làm những công việc thường ngày của mình. Cũng có khi chẳng thấy ai trong hai người họ, tôi vẫn biết rằng chị Lệ đang miệt mài làm những công việc thiện nguyện không tên. 

Nghe kể Hải cũng có phụ thêm nhiều quán khác quanh đó, và không khi nào cậu rời bỏ bộ “quần áo công sở” từ những ngày đầu tập tễnh tìm việc. 

Và dù có nhìn thấy họ hay không, thì bình minh của tôi cũng đang ấm dần lên với một ngày thật nhiều năng lượng, khi tôi tin rằng ở cái thành phố có rất nhiều gương mặt mệt mỏi lúc ngày lên và ngái ngủ khi chiều muộn này, còn có những con người ngày ngày vẫn lao động bằng tất cả năng lực mà mình đang có, dù nó khiếm khuyết hay đủ đầy. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI