PNO - Việt kiều, khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch kết hợp khám bệnh ngày càng nhiều. Các nhà chuyên môn nhận định du lịch y tế là lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng lớn nhưng hiện chưa được đầu tư, khai thác bài bản.
Vừa hoàn thành quy trình khám ở khu vực dịch vụ khám bệnh cho người nước ngoài, Khoa Chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), một cô giáo người Philippines cho biết, ba năm trước, cô đến Việt Nam du lịch và bị kẹt lại do dịch COVID-19. Cô mở lớp dạy Anh văn trực tuyến. Giờ mọi thứ trở lại bình thường, cô muốn ở Việt Nam lâu hơn nên đi khám sức khỏe để nộp hồ sơ xin việc tại một trường quốc tế.
Một khách nước ngoài đang được tư vấn sức khỏe ở Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật - Ảnh: Phạm An
Cô nói: “Hơn ba năm qua, tôi vào ra bệnh viện cũng nhiều lần. Ban đầu, tôi đến một vài bệnh viện quốc tế, tư nhân và cả bệnh viện công. Tháng trước, người nhà từ Philippines sang chơi, tôi đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra sức khỏe. Theo tôi, các bệnh viện ở Việt Nam phục vụ tốt, chuyên nghiệp và giá khám rẻ hơn so với một số quốc gia khác”.
Do nhu cầu bảo mật thông tin theo yêu cầu của khách hàng, một số bệnh viện ở TPHCM có phòng khám dành riêng cho Việt kiều và người nước ngoài. Thạc sĩ - bác sĩ Lâm Nguyễn Nhã Trúc - Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, sau các đợt dịch COVID-19, số người nước ngoài đến đây khám tăng lên nhưng chưa thể bằng với trước khi có dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2019, có hơn 2.500 người nước ngoài đến đây khám, chữa bệnh nhưng từ giữa năm 2020, con số giảm đi một nửa. Nửa đầu năm 2022, có gần 600 người nước ngoài đến đây khám, chữa bệnh, trong đó có khoảng 1/5 là người Campuchia, còn lại là du khách châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines…
Bác sĩ Lâm Nguyễn Nhã Trúc cho hay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có kế hoạch phát triển du lịch y tế. Theo đó, bệnh viện và các công ty du lịch phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho du khách có nhu cầu theo lịch trình của công ty du lịch. Sau khi khám sức khỏe, khách du lịch tiếp tục lịch trình khám phá Việt Nam, còn bệnh viện sẽ tổng kết hồ sơ, gửi cho công ty du lịch để trả kết quả cho du khách. Khi phát hiện bệnh, bệnh viện tư vấn hướng điều trị hoặc chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện có thanh toán bảo hiểm y tế cho người nước ngoài để bệnh nhân được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh. Bệnh viện cũng gửi kết quả chẩn đoán bằng tiếng Anh để người bệnh có thể mang về nước điều trị mà không cần xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh lại.
Theo bác sĩ Nhã Trúc, từ nhiều năm nay, kết quả khám, chữa bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được các công ty xuất khẩu lao động và đối tác nước ngoài của họ chấp nhận. Hiện nay bệnh viện có thêm Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật được đầu tư tốt, đáp ứng nhu cầu khám sức khỏe, tầm soát ung thư của khách hàng với chi phí rẻ hơn nhiều so với các nước. Một số bệnh viện như Xuyên Á, Y học cổ truyền TPHCM cũng đã và đang tiếp nhận khá đông người nước ngoài đến khám, chữa bệnh, trong đó có nhiều người kết hợp khám bệnh và du lịch.
Chưa khai thác đúng tiềm năng
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - nhận định, TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch y tế. Các doanh nghiệp du lịch đã đưa khách đến phố đông y ở Q.5 để bắt mạch, châm cứu, bán thuốc; đưa Bảo tàng Y học cổ truyền Việt Nam (Fito) ở Q.10 vào chương trình tour; đưa khách Campuchia đến TPHCM khám, chữa bệnh.
Theo các nhà chuyên môn, du lịch chữa bệnh sẽ là sản phẩm thu hút du khách nếu được đầu tư bài bản (trong ảnh: Một khách nước ngoài đang được kiểm tra sức khỏe ở Bệnh viện Chợ Rẫy) - Ảnh: Phạm An
“Các quận, huyện, sở ngành, cơ sở y tế cũng có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Sở Y tế TPHCM đã xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để các địa phương, cơ sở y tế tham gia xây dựng sản phẩm du lịch y tế theo chuẩn quốc gia, từng bước tiến gần tới tiêu chuẩn quốc tế” - bà Ánh Hoa nói. Nhưng theo bà, hiện nay, chưa có nhiều du khách cao cấp lựa chọn sản phẩm du lịch y tế tại TPHCM mà chủ yếu là khách từ Đông Nam Á.
Ngoài dịch vụ nha khoa, y học cổ truyền, ngành y tế TPHCM còn có thế mạnh điều trị hiếm muộn, vô sinh, thu hút được khách hàng từ các nước lân cận như Lào, Campuchia. Khách hàng ở các nước có chi phí điều trị cao cũng rất quan tâm dịch vụ này nhưng họ chưa có nhiều thông tin. Do đó, cần có nhiều hoạt động quảng bá du lịch y tế đến với thế giới.
Bà Phan Yến Ly - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam
Bà Ánh Hoa cho rằng, để ngành du lịch y tế thực sự phát triển, thu hút được du khách từ các nước phát triển, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo sự đồng bộ. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Y tế tổ chức đưa các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát các bệnh viện, khách sạn có hạ tầng tốt để xây dựng tour, tuyến kết hợp khám bệnh với du lịch.
Theo khảo sát của Báo Phụ Nữ TPHCM, hiện các công ty du lịch đang khai thác các dịch vụ nha khoa, xoa bóp, bấm huyệt. Tour du lịch kết hợp chăm sóc răng miệng ở TPHCM có giá từ 2.000 - 26.000 USD (45 đến 600 triệu đồng), thường theo gói từ 1 - 5 ngày, bao gồm chi phí điều trị, vé máy bay khứ hồi, xe đưa đón, lưu trú các khách sạn từ 4 sao trở lên, các bữa ăn trong ngày và các tour du lịch ngắn. Sản phẩm tour “Góc Sài Gòn bạn chưa biết” của một công ty lữ hành giá 249.000 đồng/buổi gồm tham quan trung tâm TPHCM kết hợp khám sức khỏe, xoa bóp, bấm huyệt theo y học cổ truyền đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách.
Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Saco Travel - đánh giá, du lịch y tế là mảng có nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện công ty đang phối hợp các bệnh viện, cơ sở y tế ở TPHCM để đưa khách từ Phnom Penh, Siem Reap (Campuchia) sang TPHCM khám bệnh bằng đường bộ qua các cửa khẩu của tỉnh Tây Ninh. Du khách sẽ tham quan các điểm đến ở tỉnh Tây Ninh, sau đó di chuyển đến TPHCM khám bệnh. Bệnh viện sẽ sắp xếp một làn riêng chuyên phục vụ khách quốc tế.
Bà Phan Yến Ly - Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam - cho hay, du lịch y tế đang là xu thế của thế giới. Theo một nghiên cứu của nước ngoài, hiện nay, trong 6 USD mà khách chi cho du lịch, đã có 1 USD chi cho du lịch sức khỏe và loại hình du lịch này được quan tâm đặc biệt từ khi xuất hiện dịch COVID-19. Theo bà, Việt Nam chưa phát triển loại hình du lịch y tế theo hướng điều trị chuyên sâu mà chỉ đang khai thác tốt loại hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng như ngâm, tắm suối nước nóng, tắm biển, tắm bùn, đắp cát… Một số công ty du lịch đã khai thác mảng du lịch kết hợp chăm sóc răng, châm cứu, bấm huyệt nhưng vẫn chưa bài bản và chưa khai thác hết lợi thế của những mảng này, gồm cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ lành nghề.
Cũng theo bà Phan Yến Ly, trong giai đoạn đầu kết hợp giữa ngành y tế và ngành du lịch, hai ngành vẫn phối hợp chưa nhịp nhàng. Ngành y tế vẫn đang xem du khách là bệnh nhân thuần túy, còn ngành du lịch xem họ là khách hàng đến để đi chơi, trải nghiệm. Do đó, có thể xảy ra tình trạng khách du lịch đến cơ sở y tế nhưng không được nhân viên y tế tiếp đón niềm nở, phải chen lấn, xếp hàng chờ đợi như bệnh nhân bình thường. Người làm du lịch vẫn chưa mạnh dạn phát triển sản phẩm du lịch kết hợp y tế bởi còn ngại trách nhiệm, ngại rước thêm những rủi ro về điều trị. Thêm nữa, họ cũng chưa tin tưởng hoàn toàn vào năng lực của cơ sở y tế trong nước.
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.
Lúng túng với công nghệ, bị trừ nhiều khoản phí khi được nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng nên một bộ phận người cao tuổi chỉ muốn nhận "tiền tươi".
Sau khi giảm còn 83,5 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua, giá vàng nhanh chóng tăng trở lại 500.000 đồng/lượng, hiện đang giao dịch mốc 84 triệu đồng/lượng.