PNO - Một số bằng chứng khoa học gần đây khẳng định liều bổ sung vắc xin COVID-19 giúp tăng cường khả năng phòng vệ trước lây nhiễm. Tuy nhiên, giữa lúc thế giới đang thiếu hụt vắc xin, việc tập trung tiêm liều bổ sung có phải là lựa chọn đúng?
Anh đang xem xét tiêm liều bổ sung vắc xin COVID-19 cho người dân theo lịch tiêm chủng cúm mùa thường niên
Mũi tiêm bổ sung có thể cần thiết
Hôm 28/7, Giám đốc điều hành công ty Pfizer - Albert Bourla – tiết lộ, hiệu quả của vắc-xin COVID-19 do hãng này sản xuất giảm dần theo thời gian, xuống còn khoảng 84% ở những người được tiêm chủng vào khoảng 4-6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Nghiên cứu trên hơn 44.000 người ở Mỹ và các quốc gia khác cũng cho thấy hiệu quả của vắc-xin mạnh nhất ở mức 96,2%, trong khoảng từ 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Trước đây, vắc-xin COVID-19 của Moderna, sử dụng công nghệ tương tự như Pfizer, được chứng minh là có hiệu quả khoảng 94% sau sáu tháng tiêm đủ liều. Ông Bourla nói thêm: “Dữ liệu từ Israel cho thấy khả năng miễn dịch suy yếu dần sau tiêm chủng… Tin tốt là chúng tôi rất tin tưởng rằng liều bổ sung sẽ đáp ứng miễn dịch ở mức đủ để bảo vệ chống lại các biến thể như chủng Delta".
Đầu tháng Bảy, khi Pfizer đề xuất kế hoạch tiêm mũi vắc-xin thứ ba, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra một tuyên bố chung phản đối kế hoạch của công ty. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ - tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng mũi tiêm tăng cường "có thể cần thiết". Ông Fauci chỉ ra rằng những người bị suy giảm miễn dịch sẽ có nhiều khả năng cần tiêm nhắc lại vắc-xin. Trả lời phỏng vấn hồi tháng Hai với kênh CNBC, Giám đốc điều hành của Johnson & Johnson - Alex Gorsky - cũng nói rằng mọi người có thể cần tiêm liều vắc-xin COVID-19 bổ sung mỗi năm, tương tự như tiêm phòng cúm mùa. Tuy nhiên, hôm 12/8 Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt cho những người đặc biệt dễ bị tổn thương vì cấy ghép nội tạng, một số bệnh nhân ung thư hoặc mắc các rối loạn khác sẽ được tiêm liều vắc xin COVID-19 tăng cường.
Israel là nước đầu tiên bắt đầu tiêm liều thứ ba của vắc-xin Pfizer-BioNTech cho một số người bị suy giảm miễn dịch vào đầu tháng Bảy. Quốc gia này hiện đang đánh giá khả năng tiêm nhắc cho các cá nhân trên 60 tuổi với hy vọng ngăn chặn một làn sóng lây nhiễm mới. Cùng chung mối quan tâm, hôm 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng liều tăng cường sẽ được sử dụng cho nhóm người lớn tuổi, người bị suy giảm miễn dịch cũng như nhân viên bệnh viện trên 50 tuổi, những người làm việc với những bệnh nhân dễ bị COVID-19 nhất.
Trên thực tế, các quốc gia giàu có đã chạy đua “giành phần” liều vắc-xin bổ sung. Trung tuần tháng Bảy, Pfizer và BioNTech thông báo rằng chính phủ Mỹ mua thêm 200 triệu liều vắc-xin COVID-19 của họ. Trước thỏa thuận này, Mỹ đã đảm bảo các hợp đồng cung ứng với Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson để có đủ liều lượng tiêm chủng đầy đủ cho 600 triệu người, dù cho toàn bộ dân số Mỹ chỉ khoảng 333 triệu người. Đó là chưa kể đến khoảng 100 triệu liều từ Novavax và 300 triệu liều từ AstraZeneca mà Mỹ đã đặt hàng. Tương tự, Úc cũng ký hợp đồng 85 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm bổ sung từ năm 2022, Canada bảo đảm mua thêm 35 triệu liều vắc-xin tăng cường của Pfizervào năm 2022, và 30 triệu liều vào năm 2023,…
Mối đe dọa toàn cầu từ bất bình đẳng
Nhìn chung, cả CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều không khuyến nghị tiêm bổ sung vắc-xin COVID-19 vào lúc này. Tiến sĩ Kate O’Brien - giám đốc về tiêm chủng, vắc-xin và sinh phẩm của WHO - cho biết hôm 28/7, tổ chức này vẫn đang nghiên cứu xem liệu có cần tiêm nhắc lại để tăng cường khả năng bảo vệ hay không. Trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Khoảng cách toàn cầu về nguồn cung cấp vắc xin COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt hàng hàng triệu liều bổ sung, trước khi các quốc gia khác có đủ liều để tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất”.
Dữ liệu do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Oxford công bố hôm 22/7 chỉ ra rằng, sự bất bình đẳng về vắc-xin đang làm suy yếu "sự phục hồi kinh tế toàn cầu", và sẽ có “tác động lâu dài, sâu sắc” đến các quốc gia có thu nhập từ trung bình trở xuống. Mặt khác, nếu các quốc gia tăng cường sản xuất vắc xin, chia sẻ đủ liều lượng cho các nước nghèo hơn, thì 38 tỷ USD có thể được bổ sung vào dự báo GDP toàn cầu năm 2021. Đồng thời, theo báo cáo công bố trên tạp chí Nature Medicine, người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẵn sàng tiêm vắc-xin COVID-19 hơn (80%), so với những người sống ở các nước giàu như Mỹ (65%) và Nga (30%). Điều đó nghĩa là tốc độ tiêm chủng của họ có thể cao hơn nếu nhận được đầy đủ liều vắc-xin.
Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021. Nhưng trong khi ước tính tăng trưởng của các quốc gia như Mỹ, Anh và Canada được cải thiện, kỳ vọng đối với Ấn Độ và các quốc gia ở Đông Nam Á đã giảm sút. IMF hiện dự đoán kinh tế Mỹ và Anh sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay; 19 quốc gia sử dụng đồng euro dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6%; Canada đang trên đà tăng trưởng 6,3%; riêng Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 8,1%. Nhà kinh tế trưởng của IMF, Gita Gopinath giải thích: "Tỷ lệ tiêm chủng nhanh hơn dự kiến và cuộc sống dần trở lại bình thường dẫn đến dự báo lạc quan hơn, trong khi thiếu khả năng tiếp cận với vắc-xin và làn sóng lây nhiễm mới ở một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, đã dẫn đến mức tăng trưởng thấp hơn”. Tuy nhiên, IMF cảnh báo ngay cả những quốc gia có nền tảng kinh tế vững chắc cũng sẽ chịu những rủi ro gây ra bởi "các biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao", cũng như cú sốc đối với thị trường tài chính quốc tế do dịch bệnh tái bùng phát ở nhiều khu vực.
Tấn Vĩ (theo NY Times, Washington Post, Forbes, Guardian)
Ngày 25/12, một máy bay chở khách của hãng hàng không Azerbaijan Airlines chở 67 người đã bị rơi ở miền tây Kazakhstan sau khi bay chệch khỏi lộ trình đã định.
Ngày 23/12 (giờ địa phương), người phát ngôn của cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết, ông đã được đưa vào bệnh viện ở Washington, DC vào chiều cùng ngày.