Tiêm kết hợp giúp giải quyết bài toán thiếu vắc xin

21/09/2021 - 07:57

PNO - Trước nhiều lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19, nhiều quốc gia đã triển khai chiến thuật tiêm kết hợp các loại vắc xin khác nhau, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Xu hướng tiêm kết hợp

Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chính thức khuyến cáo mỗi cá nhân nên sử dụng cùng một nhãn hiệu vắc xin trong tiêm chủng nếu có thể.

“Dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của tiêm kết hợp vắc xin mRNA khác nguồn sản xuất chưa được đánh giá. Cả hai liều cho mỗi cá nhân nên được hoàn thành với cùng một sản phẩm”. John Swartzberg - giáo sư lâm sàng danh dự tại bộ phận bệnh truyền nhiễm Trường Y tế Công cộng UC Berkeley (Mỹ) - nói rằng không đủ dữ liệu để khẳng định liệu trộn lẫn các loại vắc xin COVID-19 khác nhau cho hai mũi tiêu chuẩn và mũi bổ sung có an toàn hay không. Dù vậy, ông đồng ý rằng việc kết hợp các loại vắc xin dường như không nguy hiểm dựa trên kết quả từ thực tiễn.

Trước tình trạng thiếu hụt vắc-xin COVID-19 và mục tiêu tiêm chủng càng nhanh càng tốt, nhiều quốc gia đã lựa chọn kết hợp các loại vắc-xin khác nhau - ẢNH: AAP
Trước tình trạng thiếu hụt vắc xin COVID-19 và mục tiêu tiêm chủng càng nhanh càng tốt, nhiều quốc gia đã lựa chọn kết hợp các loại vắc xin khác nhau - ẢNH: AAP

Trên thực tế, một số quốc gia đã thực hiện chiến dịch tiêm kết hợp các loại vắc xin. Tây Ban Nha và Đức đang cung cấp vắc xin Pfizer hoặc Moderna như liều thứ hai cho những người trẻ tuổi đã nhận liều đầu tiên là vắc xin AstraZeneca. Từ tháng Chín, Đức cũng cung cấp vắc xin mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người dễ bị tổn thương, người hưu trí và nhóm bệnh nhân có hệ miễn dịch kém, bất kể loại vắc xin được sử dụng cho mũi đầu tiên. Trong khi đó, nghiên cứu từ Đan Mạch khẳng định tiêm một mũi vắc xin AstraZeneca đầu tiên và mũi thứ hai từ Pfizer-BioNTech hoặc Moderna sẽ mang lại khả năng bảo vệ tốt. 

Tương tự, nghiên cứu từ Hàn Quốc cho thấy việc tiêm vắc xin hỗn hợp, một mũi AstraZeneca trước và sau đó là một mũi Pfizer giúp tăng mức độ kháng thể trung hòa lên gấp sáu lần so với hai liều AstraZeneca. Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada khuyến nghị tiêm xen kẽ vắc xin và tuyên bố: “Vắc xin mRNA hiện được ưu tiên làm liều thứ hai cho những cá nhân đã nhận được liều vắc xin AstraZeneca/Covishield đầu tiên”. 

Thái Lan cũng kết hợp liều Sinovac ở mũi đầu tiên với mũi thứ hai của AstraZeneca để tăng cường khả năng bảo vệ. Tiến sĩ Opas Karnkawinpong - Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan - giải thích chiến lược kết hợp nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Đồng thời, ông đảm bảo với công chúng rằng cả hai phác đồ tiêm chủng đều cung cấp mức độ miễn dịch tương đương nhau. 

Nhiều nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả

Kết hợp và pha trộn vắc xin không phải là một kỹ thuật mới. Sự phát triển của vắc xin phối hợp để bảo vệ chống lại nhiều bệnh bắt đầu bằng việc kết hợp các vắc xin bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP) riêng lẻ thành một sản phẩm duy nhất. Vắc xin kết hợp này lần đầu tiên được sử dụng để tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ em vào năm 1948. 

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc kết hợp các mũi vắc xin khác nhau có thể bảo vệ cá nhân khỏi COVID-19 tốt hơn so với việc chỉ sử dụng một loại duy nhất, điển hình như giữa AstraZeneca và Pfizer theo thử nghiệm mới nhất của các nhà nghiên cứu tại Đại học Saarland ở Homburg, Đức.

Đây là thử nghiệm thứ ba trong năm 2021 cho thấy những lợi ích tiềm năng của việc tiêm trộn vắc xin. Tạp chí khoa học hằng tuần Nature đưa tin: “Đại học Saarland ở Homburg, Đức, phát hiện ra rằng phác đồ hỗn hợp tốt hơn trong việc kích thích phản ứng miễn dịch so với hai mũi Oxford-AstraZeneca. Hiệu quả đạt được ngang bằng hoặc tốt hơn phác đồ hai mũi Pfizer-BioNTech”. 

Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Peter Collignon từ Đại học Quốc gia Úc nhận định, kết quả nghiên cứu từ Đức rất hứa hẹn, dù vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn về lợi ích lâu dài cũng như tác dụng phụ. Theo ông Collignon, có lẽ tốt hơn là không nên trộn và kết hợp các loại vắc xin khác nhau trừ trường hợp thiếu hụt, nhưng từ tất cả các bằng chứng, việc kết hợp xem chừng đã “hoạt động tốt”.

Ngoài việc kết hợp các loại vắc xin COVID-19 phổ biến trong danh sách cấp phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia còn xem xét tiêm xen kẽ vắc xin nội địa và ngoại nhập. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) và R-Pharm (Nga) đã thông báo việc sử dụng kết hợp vắc xin Oxford-AstraZeneca và vắc xin nội địa Sputnik Light thể hiện tính sinh miễn dịch cao.

Sputnik Light là phiên bản vắc xin một mũi dựa trên vắc xin Sputnik V vốn cần hai liều. RDIF cho biết Sputnik Light có hiệu quả gần 80%, cao hơn nhiều loại vắc xin hai liều. Riêng Trung tâm Gamaleya, Nga cho biết Sputnik Light có hiệu quả chống lại tất cả các chủng COVID-19. 

Linh La 

(theo Oxford, News.com.au, Bangkok Post, Business Today, BioSpectrum Asia)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI