Hoại tử mũi, cằm vì tiêm filler tại spa “dạo”
Bước qua tuổi 30, những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện tại vùng rãnh má, khuôn mặt hốc hác và thiếu sức sống khiến chị N.Q.H. (32 tuổi, TP.Hà Nội) luôn cảm thấy thiếu tự tin. Quyết tâm đón tết 2022 với diện mạo mới xinh đẹp và trẻ trung hơn, chị H. lựa chọn tiêm filler để xóa nhăn và làm đầy má “baby”. Nghe lời quảng cáo “có cánh” của một spa gần nhà, với mức giá cũng phù hợp nên chị H. không ngần ngại giao gương mặt mình cho những nhân viên trẻ của cơ sở làm đẹp này. Tuy nhiên, sau khi tiêm, toàn bộ vùng má, mũi của chị bắt đầu sưng nề, uống thuốc kháng sinh cũng không thuyên giảm. Tới khi vùng mũi, má tiết dịch, chảy mủ… chị mới hoảng loạn tới Bệnh viện Da liễu Trung ương để thăm khám.
|
Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì hoại tử mũi, cằm do tiêm filler |
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, cho biết bệnh nhân đến viện trong tình trạng bên ngoài vùng mũi má tiết dịch còn tổn thương bên trong đã khu trú thành cục cứng. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ phải làm sạch toàn bộ vùng da bị hoại tử, chảy dịch; đồng thời cho sử dụng corticoid, kháng sinh, tiêm chất chống viêm… “Cách đây hai tuần, bệnh nhân đã vào viện tái khám, tỷ lệ hồi phục là 70 - 80% nhưng chưa thể khẳng định có tái phát những đợt viêm, nhiễm trùng tiếp theo hay không”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh chia sẻ.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ nhập viện do thâm đen, hoại tử vùng cằm vì tiêm filler để tạo hình V-line. Điểm chung của các ca biến chứng này đều là nhập viện muộn, tiêm filler tại các cơ sở chưa cấp phép và không rõ nguồn gốc của các chất làm đẹp.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thông tin vừa tiếp nhận một trường hợp biến chứng do tiêm filler để nâng mũi. Theo đó, sau khi tiêm tại một spa khoảng vài tiếng, cô gái 25 tuổi quê ở Hà Nam bắt đầu có triệu chứng đau nhức dữ dội. Bệnh nhân được nhân viên của cơ sở làm đẹp tiêm thuốc tan filler nhưng không thuyên giảm, ngườc lại, vùng tiêm càng có dấu hiệu tím tái, hoại tử rõ ràng hơn.
Khi được chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, mắt sụp mí nhẹ, trên bề mặt da đã có dấu hiệu nhiễm trùng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải chụp cộng hưởng từ sọ não và chụp mạch máu não, khám chuyên khoa mắt, phẫu thuật thần kinh để phát hiện các biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi tiêm filler như tắc mạch não, tắc động mạch võng mạc… Các bác sĩ cũng chỉ định cho chị dùng các thuốc chống nhiễm trùng, giảm viêm, dự phòng tắc mạch, thay băng chăm sóc tại chỗ để giảm tối đa mức độ hoại tử nhiễm trùng ở da.
Cẩn trọng, cân nhắc khi làm đẹp “thần tốc”
Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Minh, dịp cuối năm, người dân có nhu cầu làm đẹp với sự thay đổi nhanh nên thường lựa chọn các thủ thuật thẩm mỹ như căng chỉ, tiêm botox, filler… “Nhu cầu làm đẹp là hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên, người dân cần cân nhắc lựa chọn các dịch vụ phù hợp cũng như cơ sở làm đẹp đủ uy tín và chất lượng. Bởi không phải ai cũng phù hợp với các loại thủ thuật làm đẹp mà phải được bác sĩ đánh giá, chỉ định cụ thể”, chuyên gia Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo.
Một trong những biến chứng thường gặp hiện nay là do tiêm chất làm đầy filler. Theo đó, người tiêm có thể gặp các biến chứng cấp tính là tắc mạch, dẫn tới mù mắt hoặc hoại tử mũi, trán. Những trường hợp này thường gặp khi người thực hiện không được đào tạo, tiêm filler vào mạch máu lớn hay sử dụng các loại kim nhọn có áp lực, thể tích lớn và tốc độ nhanh, không đúng vị trí giải phẫu…
Với các trường hợp biến chứng muộn, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Minh phân tích, biến chứng thường đến muộn hơn và nguyên nhân là do tiêm filler giá rẻ, trôi nổi, không được cấp phép. “Phản ứng này có thể gặp sau tiêm một thời gian, với các biểu hiện như sưng đỏ, tạo thành khối cục, triệu chứng nhiễm trùng từ đó tạo mủ, vỡ mủ… Nguy hiểm nhất là tình trạng viêm sưng tái diễn nhiều lần tạo ổ áp xe. Với một số trường hợp, bệnh nhân có thể đỡ một thời gian nhưng do hoạt chất vẫn còn trong cơ thể nên lại kích thích tạo ra ổ viêm mới”, Phó trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc phân tích.
Tương tự, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Việt Dung cũng nhấn mạnh, theo quy định, các cơ sở tiêm filler được cấp phép không thể là các spa, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu… mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. “Do đó, khi thực hiện làm đẹp, người dân cần phải tìm hiểu xem xét thật kỹ càng. Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ: Phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách”, chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai lưu ý. Khi tiêm filler có những biểu hiện các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, cần khẩn cấp đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời, bởi có thể để lại những biến chứng vô cùng nặng nề, ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe…
Bên cạnh đó, với những biến chứng muộn có thể xảy ra khi tiêm filler trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, các chuyên gia cũng khuyên người làm đẹp nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu, tạo hình thẩm mỹ để được thăm khám lại, từ đó phát hiện sớm các bất thường nếu có. Các bác sĩ có thể đánh giá hiện trạng, từ đó quyết định có lấy bỏ phần filler được tiêm vào cơ thể hay không, có các biện pháp phòng ngừa hoại tử, viêm nhiễm…
Huyền Anh