Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hơn 99,999% số người được tiêm vắc xin COVID-19 không mắc bệnh nặng dẫn đến nhập viện hoặc tử vong.
Dữ liệu làm nổi bật những gì các chuyên gia y tế hàng đầu trên khắp đất nước đã nhấn mạnh trong nhiều tháng: vắc xin COVID-19 rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa ca bệnh nghiêm trọng và tử vong do COVID-19; đó là giải pháp tốt nhất của đất nước trong việc làm chậm đại dịch và tránh tổn thương nhân mạng.
|
Tiêm chủng vắc xin trở thành yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược đẩy lùi COVID-19 tại nhiều quốc gia |
CDC báo cáo 6.587 trường hợp nhiễm COVID-19 ở người tiêm chủng đầy đủ - ca nhiễm “vượt rào” - tính đến ngày 26/7, bao gồm 6.239 trường hợp nhập viện và 1.263 trường hợp tử vong. Vào thời điểm đó, hơn 163 triệu người ở Mỹ đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.
Nếu chia các trường hợp “vượt rào” nghiêm trọng trên cho tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ, chưa đến 0,004% số người được tiêm chủng đầy đủ nhiễm COVID-19 phải nhập viện, cũng như dưới 0,001% số người được tiêm chủng đầy đủ tử vong do COVID-19. Nhìn chung, hầu hết các trường hợp “vượt rào” - khoảng 74% - xảy ra ở người lớn từ 65 tuổi trở lên.
Hối hận vì chưa tiêm chủng
Từ phòng chăm sóc đặc biệt, Travis Campbell gọi điện cho con trai để đưa ra một yêu cầu lớn. Anh ấy muốn cậu bé 14 tuổi dắt em gái đến lễ đường vào ngày cưới của cô bé trong tương lai, nếu Campbell không thể khỏi bệnh.
Campbell cho biết trong một video đăng trên trang Facebook của anh ấy hôm 4/8: “Tôi đã phạm sai lầm lớn”. Anh ấy quay đoạn clip từ giường bệnh ở Virginia, nơi anh đã trải qua gần hai tuần chiến đấu với COVID-19.
Người đàn ông 43 tuổi - một nhân viên bán lẻ và là cựu sĩ quan cảnh sát - kể rằng, anh dự định tiêm vắc xin vào cuối mùa hè, ngay sau khi hồi phục từ cuộc phẫu thuật đầu gối gần đây và hoàn tất quá trình chuyển nhà.
|
Travis Campbell đăng tải đoạn clip trên giường bệnh để cảnh báo mọi người nên tiêm vắc xin COVID-19 trước khi quá trễ |
Sau khi sống sót qua lần nhiễm COVID-19 nhẹ vào năm 2020, Campbell nghĩ mình có kháng thể đủ để ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh trong tương lai. Thế nhưng giờ đây, anh lo rằng quyết định hoãn tiêm sẽ khiến trả giá bằng mạng sống, vì anh đang phải chống chọi với bệnh viêm phổi và một phần phổi bị xẹp.
Người cha của bảy đứa con cũng tự trách mình vì đã lây virus cho gia đình; vợ và các con của anh đang hồi phục tại nhà vì nhiễm nhẹ hơn.
Campbell thổ lộ: “Đó là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi nên tìm hiểu nhiều hơn và sớm tiêm vắc xin. Bây giờ, tôi không thể quay ngược thời gian để ngừng ước “giá như"”.
Hy vọng sống sót ra khỏi bệnh viện của Campbell giảm dần theo từng ngày. Anh ấy đã gọi cho những người bạn thân nhất của mình để nói lời từ biệt và nói với gia đình rằng anh ấy muốn được hỏa táng.
Điều quan trọng nhất là nhanh chóng tiêm chủng
Tính đến ngày 5/8, 78% dân số Singapore đã nhận được ít nhất một liều vắc xin COVID-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Hai phần ba trong đó đã tiêm đủ hai liều.
Điều này khiến Singapore trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới và đặt nước này vào “vị trí vững chắc” để bắt đầu quá trình chuyển đổi sang bước “sống chung với COVID-19”. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, giữa lúc các nước láng giềng gặp khó khăn trong việc kiểm soát lây nhiễm do tác động từ biến thể Delta.
Hôm 6/8, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết, những người lựa chọn tiêm vắc xin Sinovac và các vắc xin COVID-19 khác trong danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều được coi là đã được tiêm chủng đầy đủ kể từ ngày 10/8.
Điều này nghĩa là những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca sẽ đủ điều kiện để thực hiện các biện pháp giãn cách nới lỏng, như ăn tối tại các cửa hàng ăn uống theo nhóm và du lịch, sau 14 ngày kể từ liều thứ hai.
|
Với 78% dân số được tiêm vắc xin COVID-19, Singapore hiện là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng |
MOH cho biết, Singapore đang thực hiện một cách tiếp cận “toàn diện” hơn trong việc công nhận các loại vắc xin được phê duyệt trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.
Đây sẽ là lần đầu tiên những người nhận vắc xin không phải công nghệ mRNA đủ điều kiện thực hiện giãn cách nới lỏng - vốn chỉ áp dụng cho những người được tiêm chủng vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna theo chương trình tiêm chủng quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp báo của lực lượng đặc nhiệm đa bộ, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết: “Điều quan trọng bây giờ là sự khác biệt giữa những người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng, chứ không phải giữa các loại vắc xin khác nhau”.
Ông lưu ý rằng WHO là một tổ chức uy tín, nơi đưa ra những khuyến nghị y tế "được chấp nhận rộng rãi". Bộ trưởng Ong giải thích: "WHO đặt ra ngưỡng hiệu quả của vắc-xin là 50% để đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vì vậy, họ có mức đảm bảo về tiêu chuẩn tối thiểu được xác minh".
Hiện WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 7 loại vắc xin COVID-19, bao gồm
- Pfizer / BioNTech: Comirnaty
BNT162b2 là vắc-xin Ribonucleic Acid thông tin (mRNA), mang các chỉ dẫn di truyền giúp tế bào của người nhận biết và sản xuất các mảnh protein kích hoạt phản ứng của hệ thống miễn dịch chống lại COVID-19. Vắc xin đang phân phối ở hơn 90 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm Mỹ, Anh, Ả Rập Saudi, Canada, Úc... và được chấp thuận ở 97 quốc gia.
- Oxford / AstraZeneca: Vaxzevria
Vắc xin ChAdOx1 COVID-19 dựa trên hướng dẫn di truyền của virus để xây dựng protein đột biến, được lưu trữ bằng cách sử dụng DNA sợi đôi của virus vector. Vắc xin được phê duyệt ở 121 quốc gia - là loại vắc xin được chấp nhận và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
- Viện Huyết thanh Ấn Độ: Covishield
Dựa trên công thức của Oxford / AstraZeneca, vắc xin Covishield (do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất) đã được WHO và 45 quốc gia phê duyệt, bao gồm Ấn Độ, Ai Cập, Maldives và những nước khác chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
- Johnson & Johnson: Ad26.COV2.S
Vắc xin Janssen dựa trên nền tảng vắc xin AdVac, sử dụng một loại virus cảm lạnh thông thường để mang các chỉ dẫn di truyền của SARS-CoV-2 vào cơ thể, nơi chúng tạo ra một bản sao của virus, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Sản phẩm được phê duyệt ở 59 quốc gia.
Khoảng 50 quốc gia, bao gồm Bahrain, Nam Phi, Mỹ và Kuwait đã đưa Janssen vào các chương trình tiêm chủng cộng đồng.
- Moderna: Spikevax
Vắc xin Moderna chủ yếu hoạt động bằng cách tiêm một phần mã di truyền của SARS-CoV-2 vào cơ thể. Điều này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, tạo ra các kháng thể có khả năng chống lại virus. Vắc xin này đã được chấp thuận ở 65 quốc gia, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Israel, Qatar và Singapore.
- Sinopharm: BBIBP-CorV
Sinopharm dựa trên công nghệ vắc xin cũ hơn nhưng thông dụng, bao gồm việc sử dụng một dạng virus bất hoạt để kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vắc xin được chấp thuận ở 59 quốc gia, bao gồm Argentina, Trung Quốc, Lebanon, Pakistan và Việt Nam.
- Sinovac: CoronaVac
Sinovac cũng là một loại vắc xin virus bất hoạt, chứa các phần tử virus sản xuất trong phòng thí nghiệm, được bất hoạt để chúng không thể lây nhiễm COVID-19. Sản phẩm được chấp thuận ở 39 quốc gia, bao gồm Brazil, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
|
Linh La (theo Washington Post, CNN, CNA, WHO.int)