Tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em: Kẻ thuận, người chống

18/03/2021 - 05:50

PNO - Trong khi COVID-19 có nguy cơ gây tử vong khá cao ở người lớn thì loại virus này lại gây ra tác động nhẹ hơn đối với trẻ em vốn có tỷ lệ tử vong khá thấp. Và chính điều này đã làm dấy lên sự tranh luận giữa các nhà khoa học về sự cần thiết phải tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em, nhất là trong bối cảnh nguồn vắc-xin ở nhiều nước vẫn còn hạn chế.

Một số nhà khoa học cho rằng nhu cầu tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em không bức thiết lắm vì thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ bị nhiễm COVID-19 thấp hơn người lớn và khi bị nhiễm thì các em cũng có thể vượt qua căn bệnh này dễ dàng hơn. Đến nay, việc tiêm ngừa COVID-19 trên toàn cầu vẫn chủ yếu được ưu tiên cho người lớn tuổi và những người có nguy cơ bị lây nhiễm cao vì sức khỏe hay đặc thù nghề nghiệp.

Tỷ lệ trẻ bị nhiễm COVID-19 thấp hơn người lớn
Tỷ lệ trẻ bị nhiễm COVID-19 thấp hơn người lớn

“Các loại vắc-xin ngừa bệnh bại liệt, bạch hầu và viêm màng não đều được chế tạo để loại bỏ nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm nhất ở trẻ. Nhưng hiện nay chúng ta lại đang đối mặt với tình huống ngược lại. Có thể nói COVID-19 là căn bệnh của người lớn. Càng lớn tuổi thì bạn càng có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao, và trẻ em thì ít liên quan đến căn bệnh này hơn”, Michael Hefferon, một trợ lý giáo sư khoa nhi của Queen’s University ở Ontario (Canada), nhận định.

Theo một báo cáo của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) được công bố ngày 4/3 vừa qua, gần 3,2 triệu trẻ em ở 49 bang của Mỹ đã bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, trong số hơn nửa triệu ca tử vong vì loại virus này được công bố ở Mỹ thì chỉ có khoảng 250 trẻ em, theo số liệu từ 43 bang có theo dõi số ca tử vong theo độ tuổi.

Cuộc tranh luận về việc có nên tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em hay không đã diễn ra khi Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu tất cả các trường học dành cho trẻ dưới 8 tuổi mở cửa trở lại và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho rằng ngay cả giáo viên cũng không cần phải tiêm vắc-xin nếu họ tuân thủ một số nguyên tắc phòng dịch. Trong khi đó, trong tháng 3 này, một nghiên cứu trên tạp chí Nhi khoa cho biết chỉ có 0,4% trong số 234.132 người được xét nghiệm COVID-19 tại các trường học ở thành phố New York từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái có kết quả dương tính.

“Chúng ta không nên chỉ hỏi liệu có thể tiêm ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả cho trẻ hay không, mà chúng ta còn cần phải cân nhắc có nên làm điều này hay không. Nếu chúng ta dự định sẽ tiêm ngừa hàng loạt cho những người cao tuổi theo các kế hoạch hiện nay, thì có nên tiêm cho trẻ em luôn không? Đây là một tình huống khó xử về đạo đức và cần phải được cân nhắc kỹ”, Hefferon nói.

Những người ủng hộ việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho trẻ em lại đưa ra một quan điểm khác. Trong một cuộc khảo sát mới đây, có từ 1/3 đến một nửa số người Mỹ cho biết họ có thể sẽ không cần tiêm vắc-xin COVID-19 và cho rằng nên dành vắc-xin này cho 25 triệu người Mỹ ở độ tuổi 12-17, vì như vậy sẽ giúp hạn chế việc lây nhiễm cho những người có nguy cơ cao nhất và đẩy nhanh quá trình xóa sổ dịch bệnh này.   

“Chúng ta phải hạn chế sự lây nhiễm ở trẻ em. Trên thực tế một số trẻ bị bệnh rất nặng khi mắc phải COVID-19. Vậy thì có nên tiêm ngừa cho các em? Câu trả lời là hoàn toàn nên,” Sanjay Jain, một giáo sư của Viện Y khoa John Hopkins ở Baltimore (Maryland, Mỹ) chia sẻ quan điểm.

APP cũng đồng quan điểm trên. “Tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em là điều cần thiết đối với đất nước chúng ta nhằm chấm dứt đại dịch này. Trẻ em đã chịu đựng rất nhiều trong suốt thời gian dịch bùng phát theo những cách hữu hình và vô hình. Chúng ta không thể để các em bị bỏ lại phía sau”, Lee Savio Beers - Chủ tịch của APP, đã viết trong một lá thư gửi cho Nhà Trắng và các quan chức y tế cấp cao của Mỹ vào ngày 25/2.

Đại học Oxford ngày 13/2 đã thông báo triển khai nghiên cứu đánh giá độ an toàn và phản ứng miễn dịch ở trẻ em của vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca bào chế
Đại học Oxford ngày 13/2 đã thông báo triển khai nghiên cứu đánh giá độ an toàn và phản ứng miễn dịch ở trẻ em của vắc-xin ngừa COVID-19 do AstraZeneca bào chế

Hiện, các công ty dược hàng đầu của Mỹ như Johnson & Johson, Moderna Inc và liên kết Pfizer Inc-BioNTech đang đẩy nhanh việc thử nghiệm vắc-xin COVID-19 cho trẻ ở độ tuổi 12-15 khi chỉ còn 6 tháng nữa là bắt đầu một năm học mới và một số biện pháp giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh này đang tỏ ra kém tác dụng.

“Sẽ có vắc-xin dành cho trẻ từ 12 tuổi trở lên trước năm học tới và đến cuối năm 2021 hay đầu năm 2022 hoặc có thể sớm hơn nữa sẽ có vắc-xin cho trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn”, Robert Frenck, Giám đốc Viện Nghiên cứu vắc-xin thuộc Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati cho biết. Tuy có một số cha mẹ còn e ngại việc cho con tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19, Frenck cho biết không gặp nhiều khó khăn để tìm các tình nguyện viên “nhí”.

Trước đây, Pfizer đã thử nghiệm vắc-xin COVID-19 cho khoảng 40.000 người lớn. Nhưng hãng này lại đang làm điều tương tự chỉ với khoảng 2.300 trẻ em. Frenck cho biết lý do là nhà sản xuất này đang thực hiện “nghiên cứu bắt cầu miễn dịch” để so sánh phản ứng miễn dịch được phát hiện ở trẻ với những phản ứng đã được chứng minh an toàn cho số lượng lớn người trưởng thành được tiêm chủng thử nghiệm trước đó.

Theo Frenck, nếu các phản ứng này trùng khớp nhau, việc tiêm ngừa COVID-19 thử nghiệm cho trẻ em xem như an toàn, và hiện chưa có dấu hiện nào cho thấy điều ngược lại, có nghĩa là thử nghiệm này sẽ thành công.

Nhất Nguyên (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI