Tiệm bán rau và chợ xe đạp

30/10/2017 - 08:58

PNO - Ở khu người Bắc di cư luôn có những tiệm bán rau tươi và các mặt hàng tươi sống, còn người Bắc nhập cư bán các mặt hàng này theo cách bày cả một cái chợ trên một chiếc xe đạp.

Người Sài Gòn gọi những người Bắc sống tập trung khu Ông Tạ, Phạm Thế Hiển (Q.8), Gò Vấp, Thủ Đức… là người Bắc di cư để phân biệt những cái khác trong giọng nói, nền nếp sinh hoạt… so với người Bắc nhập cư sau năm 1975. Một trong những cái khác ấy, rất lạ và cần một chút tinh tế để thấy, nằm ở những hàng rau.

Ở khu người Bắc di cư luôn có những tiệm bán rau tươi và các mặt hàng tươi sống, còn người Bắc nhập cư bán các mặt hàng này theo cách bày cả một cái chợ trên một chiếc xe đạp.

Tiem ban rau va cho xe dap
 

Tiệm rau trong xóm Bắc di cư

Những tiệm rau của người Bắc di cư không chỉ bán rau. Đó là cả cái chợ nhỏ với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, mở cửa từ sáng sớm tới tận chín, mười giờ đêm - giờ đi ngủ của dân lao động. Bất kỳ lúc nào trong ngày, ai muốn ăn một tô canh rau tươi, chỉ cần phóng xe ra đầu ngõ là có thể mua mồng tơi, rau đay, rau dền, rau muống… Tiệm bán rau của người gốc Bắc nên đương nhiên có  cả những món khoái khẩu Bắc kỳ như cà pháo, mắm tôm, đậu phụ…

Khu tôi ở cũng có một cộng đồng nhỏ người Bắc di cư. Bà cụ bán rau tôi quen từ thuở bé nay đã mất, giao tiệm  lại cho cô con dâu. Tôi nhớ bà cụ ngày trước, đầu lúc nào cũng vấn khăn mỏ quạ, hàm răng như những hạt ngọc trai đen đã mòn méo dần theo thời gian. Nhưng nhớ nhất là những lần tôi đến tiệm, gọi: “Bán cho con năm ngàn cải chua”, cụ cứ nhìn tôi cười hiền hậu. Mỗi lần như vậy, tôi đều ngớ người một lúc rồi tự sửa: “Dạ,  không phải cải chua, mà là dưa”.

Những tiệm rau ở khu nhà tôi bán rau tươi lắm. Ngày nay, các bà nội trợ cứ thấy trái, củ nào to, tươi mơn mởn hay rau nào xanh mướt là sợ bị xịt thuốc trừ sâu, thuốc kích thích; nhưng ở tiệm rau của các bà Bắc di cư thì gần như họ không phải lo. Những tiệm rau nhỏ, chẳng có bảng hiệu, nhưng tiệm nào cũng đã tồn tại mấy mươi năm, qua mấy đời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng thông qua bó rau, quả trứng. Chữ tín trong mua bán chẳng phải do quảng cáo hay mấy tờ giấy chứng nhận của cơ quan nào.

Khi tôi đem những lo ngại về an toàn thực phẩm nói với cô con dâu của bà cụ người Bắc di cư, cô con dâu, tuổi đã ngoài 50, cười: “Những nơi cung cấp hàng cho nhà cháu bán có từ thời bà còn trẻ kia. Cùng mua bán chia nhau sống, đời này qua đời khác, đến giờ. Gian dối là giết mình chứ giết ai đâu bác”.

Ở một đô thị đông dân như Sài Gòn, những tiệm rau nho nhỏ ấy không thể là chuẩn mực về phân phối thực phẩm chất lượng dù kiểu bán hàng truyền thống này đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ hệ thống siêu thị và chuỗi các cửa hàng “tiện lợi” của các đại gia.

Ta chỉ có thể từ các tiệm rau này đặt câu hỏi: vì sao những tiệm rau nhỏ, phương thức kinh doanh nhỏ, đối tượng phục vụ nhỏ, vậy mà suốt những năm tháng dài vẫn giữ được chữ tín trong lòng người đô thị; trong khi đó, những công ty nhà nước lẫn tư nhân đang kinh doanh với quy mô lớn, có khi lớn tới mức khổng lồ vẫn không khiến “thượng đế” an tâm, vẫn không thể thay đổi để làm nên một cuộc “cách mạng” về chất lượng và uy tín sản phẩm?

Chợ trên xe đạp

Trong quán cà phê, trước khu chợ đầu mối ở quận Tân Bình, người bạn Việt kiều hỏi tôi: “Trong hai cái giỏ sắt trên yên sau xe đạp của người đàn bà đó bán gì?”. 

Tiem ban rau va cho xe dap
Những chiếc xe đạp chở cả một cái chợ là phương cách kiếm sống của nhiều người dân nhập cư tại Sài Gòn (Ảnh minh họa)

Tôi quay sang, hỏi lại bà bán bánh cuốn nóng bên lề đường, bà đáp: “Có đủ thứ. Giống như họ đi chợ mướn cho mấy bà làm biếng”. 

Trong cái giỏ sắt ấy có nào là bí, bầu, rau thơm, cà chua, cà tím, hành lá, ớt, chanh... Cái cân cũ xì, loại 5 kg, được “ưu tiên” để trong giỏ nhựa, treo ở ghi-đông xe, chung với mấy bịch thịt bò, thịt heo. 

Trong giỏ sắt còn lại là cá đồng, cá biển, tôm, tép các loại chia thành từng mớ, nhồi nhét trong mấy cái bịch ni-lông.Ông bạn Việt kiều thán phục: “Mỗi chiếc xe là một cái chợ. Họ làm tôi nhớ kỳ tích xe đạp thồ của dân công Việt Minh chiến thắng máy bay tiếp tế Da-cô-ta của Pháp”. 

Một người ra dáng ông giáo về hưu, ngồi bàn bên cạnh, giơ tay chỉ: “Mấy ông để ý cái ông ở trần, ngồi bên kia đường kìa. Đàn ông gì mà sống bằng nghề bóc lột đàn bà!”.

Chợ trên xe đạp là phương cách kiếm sống phổ biến của dân nhập cư từ các vùng quê nghèo miền Bắc, miền Trung. Những người đàn bà chở cả cái chợ trên xe đạp thường đội nón lá, mặt che kín bởi khẩu trang, áo sơ-mi rộng hoặc áo bộ đội, chân mang ủng cao su.

Bạn có thể hỏi mua trong ngày, trong tuần, thậm chí dặn trước cả tháng bất cứ món gì cho bữa ăn gia đình, kể cả những món đặc sản khó tìm, họ đều đáp ứng được, và giá luôn đắt hơn.

Chúng tôi nhìn theo tay ông giáo. Bên kia đường, một gã trung niên, ở trần, ngồi trên ghế nhựa. Nổi bật trên những bắp thịt săn chắc ở phần ngực và cánh tay là những hình xăm vằn vện. Có lẽ đó là “quản lý” cái hẻm chợ này.

Bà bán vé số dạo nghe chuyện, che miệng nói nhỏ: “Ông đó chuyên đưa người ngoài Bắc vô. Mỗi chợ đầu mối đều có mấy ông quản lý kiểu vậy, cho vay tiền ngày, thu tiền góp”.

Chúng tôi hỏi chuyện người đàn bà có gương mặt khắc khổ đến mức không đoán được tuổi, chủ một cái "chợ" trên xe đạp, nói giọng nhà quê xứ Nghệ. Chị cho biết vào Nam được hơn hai năm, buổi sáng thồ hàng bán dạo, trưa tới tối chạy quanh nhặt ve chai. Chị chưa về quê lần nào và cho rằng, miễn có tiền gửi về là được. Khi chúng tôi hỏi thu nhập có đủ sống không, chị cười mở hết cả hàm răng: “Mô mà đủ! Ăn có ăn nhưng... hỏi chi!”. Chúng tôi ngỏ ý đi theo coi chị mua bán ra sao, chị lắc đầu.

Mang chuyện những người đàn bà chở cả cái chợ trên xe đạp ra hỏi bà T., ở cư xá Lê Ðại Hành - khách quen của “chợ”. Bà nói: “Họ bán cái gì cũng mắc. Nhưng kệ, mình đỡ mất công đi xa, họ có ít đồng lời để sống, vậy là huề”. Một bà dáng sang trọng, có nhà mặt tiền cho thuê bán cà phê, nhà cách chợ chưa tới 500 thước, nói: “Thích ăn gì, chỉ cần bảo họ mang lại. Coi thế mà năng nhặt chặt bị, có đứa chẳng mấy chốc tậu được nhà đất ở quê”.

Đó là chuyện có thật. Chị P., có nhà cho dân nhập cư thuê ở Hóc Môn, cho biết: “Ba, bốn người họ hùn lại thuê một phòng, mỗi người trải vừa đủ một cái chiếu. Ði bán, họ xin nước uống nhờ, ăn họ tự nấu. Ở Sài Gòn mà cả ngày xài chưa tới mười ngàn. Ði bán dạo vậy mà mỗi người kiếm gần cả trăm ngàn một ngày. Nghe nói họ còn mua được nhà, đất ở ngoại thành nữa. Ai đời đất mà họ mua từng mét vuông. Vậy mà vài năm cũng có được căn nhà. Giỏi phải nói!”.

Giữa thời các siêu thị lớn thi nhau mọc lên ở Sài Gòn, vì sao họ vẫn kiếm sống được? Có người cho rằng, đó là nhờ sự ưu ái của dân đồng hương, công nhân nghèo hoặc thói lười biếng của một số bà nội trợ Sài Gòn. Nhưng ông C., một người Hoa, chủ sạp đồ la-ghim ở chợ đầu mối rau củ, nghĩ khác: “Họ giỏi chớ! Ông, bà ngộ hồi mới qua đây cũng mua bán như họ. Lời trên cọng hành, con cá mới là lời. Sài Gòn dễ làm ăn lắm! Lị mua bán như họ, từ từ cũng làm giàu mấy hồi”. 

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI