Tiêm 2 hoặc 3 liều vắc xin có thể giảm nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài

06/07/2022 - 11:03

PNO - Theo một nghiên cứu ở Ý, việc tiêm 2 hoặc 3 liều vắc xin sẽ giúp giảm nguy cơ các triệu chứng COVID-19 kéo dài.

nghiên cứu, được công bố vào cuối tuần trước trên tạp chí JAMA, các nhà nghiên cứu ở Milan (Ý) đã theo dõi sức khỏe của 2.560 nhân viên tại 9 cơ sở y tế
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi sức khỏe của hơn 2.500 nhân viên y tế

Trong nghiên cứu, được công bố vào cuối tuần trước trên tạp chí JAMA, các nhà nghiên cứu ở Milan (Ý) đã theo dõi sức khỏe của 2.560 nhân viên tại 9 cơ sở y tế từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2022. Tất cả nhân viên y tế đều đã được tiêm 3 liều vắc xin Pfizer năm 2021, và được xét nghiệm COVID-19 mỗi tuần/lần hoặc 2 tuần/lần, hoặc ngay khi họ phát triển các triệu chứng hay có tiếp xúc gần với người đã bị nhiễm.

Những người tham gia đã hoàn thành một cuộc khảo sát từ tháng 2 đến tháng 4/2022 về các yếu tố nhân khẩu học, các tình trạng sức khỏe cơ bản, các triệu chứng liên quan đến COVID-19 trong và sau khi nhiễm bệnh. Bị mắc COVID-19 kéo dài được định nghĩa là bệnh nhân có ít nhất một triệu chứng trong hơn 4 tuần.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ người bị triệu chứng COVID-19 kéo dài đã giảm xuống 16% sau liều tiêm vắc xin thứ 3.

Trong số 2.560 nhân viên y tế, 739 người (29%) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, 89 người không có triệu chứng và 229 (31%) bị COVID kéo dài.

Tỷ lệ người bị mắc COVID-19 kéo dài cũng thay đổi theo các giai đoạn của đại dịch, từ 48,1% trong đợt đầu tiên (tháng 2-9/2020) với biến chủng đầu tiên, giảm xuống 35,9% trong đợt bùng phát dịch lần thứ 2 (từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021) khi có sự xuất hiện của biến chủng Alpha, và giảm tiếp xuống 16,5% trong đợt thứ 3 (từ tháng 8/2021 đến tháng 3/2022) với Delta và Omicron.

Số liều vắc xin cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc bệnh COVID-19. Cụ thể, tỷ lệ này ở những người chưa được tiêm ngừa là 41,8%, và giảm xuống còn 30% sau một liều, 17,4% sau liều thứ 2, 16% sau liều thứ 3.

Các yếu tố nguy cơ khác khiến bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài bao gồm tuổi già, chỉ số khối cơ thể cao (bị béo phì), các bệnh dị ứng và bệnh phổi tắc nghẽn.

Sẽ có vắc xin “all-in-one” 

Theo một nghiên cứu, do các nhà khoa học tại Viện Công nghệ California (Caltech) thực hiện, một loại vắc-xin “all-in-once” (tất cả trong một) hiện đang được phát triển có thể bảo vệ con người tránh tất cả các biến thể virus gây bệnh COVID-19 trong tương lai, cũng như các căn bệnh liên quan đến đường hô hấp trước đây là SARS, MERS, các chủng coronavirus mới từ các loài động vật khác.

Trong nghiên cứu, các tác giả đã thử nghiệm những con chuột được tiêm vắc xin COVID-19 cũng như vắc xin khảm-8 (mosaic-8), và phát hiện ra những con chuột chưa được tiêm vắc xin chết khi bị nhiễm SARS hoặc COVID-19; trong khi những con chuột được tiêm vắc xin COVID-19 sống sau khi bị nhiễm virus này, nhưng không qua khỏi bệnh SARS; còn những con chuột được tiêm vắc xin khảm-8 có thể sống sau khi bị nhiễm cả 2 loại virus.

Vắc xin khảm-8 sử dụng 60 phân mảnh của 8 chủng coronavirus, bao gồm cả COVID-19, được chứng minh là đã tạo ra “phổ rộng” các kháng thể ở động vật linh trưởng và chuột biến đổi gen với các thụ thể tế bào giống người, từ đó tấn công các protein gai (spike) của coronavirus.

Caltech đã nghiên cứu với sự phối hợp của WellCome Leap, và dự kiến ​​bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trong năm 2023, với nguồn quỹ 30 triệu đô la do Liên minh Các sáng kiến ứng phó với dịch bệnh (CEPI) tài trợ.

Một thí nghiệm tương tự được tiến hành tại Caltech năm 2021 cho thấy vắc xin khảm-8 khiến chuột sản sinh ra kháng thể phản ứng với nhiều loại coronavirus. Nghiên cứu được thực hiện gần 2 tháng sau một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, cho thấy khả năng miễn dịch chống lại Omicron mất dần nhanh chóng sau khi tiêm liều thứ 2 và thứ 3 vắc xin Pfizer và BioNTech.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins công bố vào tháng Tư cho thấy, việc tiêm vắc xin tăng cường cũng không ngăn chặn được các protein gai của coronavirus liên kết với tế bào, khi bệnh nhân đã bị nhiễm Omicron. Trường hợp này không xảy ra đối với các biến chủng khác.

Tuy nhiên, 2 tuần trước, dữ liệu lâm sàng cho thấy mũi tiêm tăng cường vắc xin Moderna (chủ yếu dùng để chống lại dòng biến chủng COVID-19 gốc và Omicron) có khả năng tạo ra phản ứng kháng thể khá mạnh chống lại 2 biến thể phụ của Omicron.

Nhất Nguyên (theo Cidrap, Forbes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI