Hàng trăm cây gỗ “biến mất"
Điều khiến du khách thoải mái nhất khi đến tham quan Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM là được dạo chơi dưới những tán rừng bạt ngàn, nằm giữa một thành phố lớn nhất nhì cả nước. Khu rừng này được nhiều cơ quan bỏ công vun vén, tạo mảng xanh suốt nhiều chục năm qua. Tuy nhiên, những ngày này, khi đến đây, khách sẽ bất ngờ về sự phát triển đô thị xung quanh công viên. Hiện khu rừng này không còn được đặt dưới sự quản lý, bảo vệ của lực lượng kiểm lâm, bởi nó không còn được xem là rừng phòng hộ nữa.
Việc trồng rừng ở công viên này diễn ra sôi động nhất là từ năm 2012, ngay sau khi UBND TPHCM phê duyệt đề án trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2011-2015. Theo đề án này, UBND TPHCM giao Chi cục Lâm nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) trồng hơn 21ha rừng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TP.HCM, kinh phí trồng rừng lấy từ nguồn ngân sách. Các cây được trồng lúc đó là những cây gỗ có giá trị cao như sao, dầu, giáng hương, gõ mật, lát hoa, gõ đỏ… Dự án trồng rừng ở công viên này còn nhận được sự hưởng ứng, góp sức của nhiều đoàn thể như đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… Chỉ một thời gian sau, hơn 21ha đã được phủ xanh.
|
Một góc Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM |
Hơn 21ha rừng ở đây được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM xếp vào diện rừng phòng hộ, nằm trong tổng số hơn 35.048ha rừng phòng hộ (năm 2017) của TPHCM. Là rừng phòng hộ nên cây xanh ở đây được bảo vệ rất nghiêm ngặt, có sự tham gia quản lý của lực lượng kiểm lâm.
Nhiều người dân ở P.Long Bình, TP.Thủ Đức nhớ lại, nhiều năm trước, có thời điểm, người ta dùng xe chở rất nhiều cây gỗ lớn về công viên này để trồng. Thỉnh thoảng, có lực lượng kiểm lâm tuần tra để bảo vệ rừng. Họ tuyên truyền cho người dân biết rằng đây là rừng phòng hộ, nếu xâm phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, vài năm nay, người dân ít thấy lực lượng kiểm lâm lui tới hơn.
Một nguồn tin của chúng tôi cho biết, tại công viên này, một chuyện lạ lùng đã xảy ra: hàng trăm cây rừng bỗng dưng “biến mất” một cách khó hiểu. Theo đó, sau khi trồng rừng, đơn vị chức năng thực hiện dự án tỉa thưa rừng tại đây; khi thực hiện, ban quản lý công viên chỉ khảo sát số liệu cây chặt tỉa thưa, không có số liệu cây để lại.
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bình Chánh - Củ Chi, khu rừng này có 2.433 cây gỗ (sao đen, dầu, xà cừ, lim xẹt), riêng lô A1-A2 của khu rừng này có 902 cây. Tuy nhiên, kết luận thanh tra do Thanh tra TPHCM ban hành vào tháng 1/2021 xác định, khi đoàn thanh tra kiểm đếm thực tế tại lô A1-A2, chỉ có 561 cây. Như vậy, có đến 341 cây gỗ tại khu rừng này bị “biến mất”. Thanh tra TPHCM đã giao Trưởng ban quản lý khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân tại thời điểm tham gia thực hiện dự án tỉa thưa rừng nói trên. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về 341 cây rừng nói trên, đại diện ban quản lý công viên này đề nghị chúng tôi liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Lộc - Chánh văn phòng Ban Quản lý khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM - lý giải: “Tại vì cái này là dự án trồng rừng phòng hộ trước đây. Sau khi trồng xong, họ bàn giao lại cho ban quản lý khu công viên. Khi tiếp nhận, chúng tôi giao cho một đơn vị chăm sóc. Chúng tôi chỉ biết bàn giao vậy và chăm sóc tới nay thôi, chúng tôi không dám kết luận là thiếu hay không. Nguyên nhân tại sao thiếu thì chúng tôi cũng không biết. Chúng tôi chỉ biết được nhận bàn giao như vậy và chăm sóc thôi”.
Trong thông báo kết luận thanh tra được ban hành đầu năm 2021, Thanh tra TPHCM cũng giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM chỉ đạo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM quản lý số lượng cây rừng còn lại sau khi tỉa thưa tại khu rừng hơn 21ha này theo quy định. Thế nhưng, khi liên hệ với Chi cục Kiểm lâm TPHCM, chúng tôi được biết, hơn 21ha rừng này trước đây là rừng phòng hộ, nhưng đã được chuyển mục đích sử dụng từ hai năm trước. Hiện nay, đây chỉ là đất trồng cây cảnh quan nên lực lượng kiểm lâm không còn quản lý.
Hơn 21ha rừng phòng hộ bị chuyển mục đích ra sao?
Sau nhiều năm được xếp vào rừng phòng hộ, đầu năm 2019, rừng ở Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM bị đưa vào danh sách “rừng ngoài đất quy hoạch phát triển”. Cụ thể, trong báo cáo về công tác theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng năm 2018, Chi cục Kiểm lâm TPHCM đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM việc giảm hơn 21ha rừng do chuyển mục đích sử dụng rừng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM, thuộc Q.9, nay thuộc TP.Thủ Đức.
Theo Chi cục Kiểm lâm TPHCM, việc chuyển mục đích sử dụng rừng này được thể hiện tại Công văn số 1978/UBND-ĐT ngày 9/5/2018 của UBND TPHCM về chuyển mục đích đất rừng trong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối năm 2016-2020 cấp tỉnh. Do đó, diện tích này được đưa vào diện “rừng ngoài đất quy hoạch phát triển rừng”. Sau đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM đã có Quyết định số 15 “Về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng TPHCM năm 2018”, chính thức đưa hơn 21ha rừng nêu trên từ rừng phòng hộ ra thành “rừng ngoài quy hoạch phát triển rừng”.
]Theo Chi cục Kiểm lâm TPHCM, căn cứ để chuyển mục đích hơn 21ha rừng phòng hộ “được thể hiện tại Công văn số 1978/UBND-ĐT ngày 9/5/2018 của UBND TPHCM”. Tuy nhiên, Công văn số 1978 chỉ là văn bản mà UBND TPHCM gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề nghị bộ này xem xét, trình Chính phủ chấp thuận phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối năm 2016-2020 cấp tỉnh do UBND TPHCM đề xuất.
Sau đề nghị của UBND TPHCM và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 19/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) ở TPHCM. Nghị quyết này không đề cập đến việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch diện tích rừng phòng hộ tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM.
Cũng trong Nghị quyết 80, Chính phủ yêu cầu UBND TPHCM xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Chính phủ cũng nêu rõ, định kỳ hằng năm, UBND TPHCM có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo quy định; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo đúng quy hoạch được phê duyệt và quy định của pháp luật.
Việc chuyển mục đích rừng có bất thường?
Khi chúng tôi đặt vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi hơn 21ha rừng nói trên, ông Nguyễn Xuân Cường - Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm TPHCM - lý giải rằng, bản chất hơn 21ha rừng ở Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM là đất công viên chứ không phải đất lâm nghiệp. Trước đây, có việc trồng và chuyển hóa rừng ở đây nên rừng trồng được xếp vào mục đích rừng phòng hộ.
|
Tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM, có nhiều cây gỗ bị “biến mất” |
Ông nói: “Trước đây, có sự tranh cãi giữa bên quản lý lâm nghiệp và quản lý đất đai. Phía quản lý lâm nghiệp cho rằng, ở đây có dự án đầu tư, trồng mới và chuyển hóa rừng phòng hộ nên dù không được đầu tư trên đất lâm nghiệp, vẫn cần xếp vào diện rừng phòng hộ. Nhưng phía quản lý đất đai lại cho rằng, đất này được giao đất để làm công viên. Trước đây, kiểm lâm có thống kê đây là rừng phòng hộ nhưng sau khi có văn bản xác định của UBND TPHCM, chúng tôi đã không thống kê nữa”.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, không thể có một quy trình chuẩn cho việc chuyển đổi hơn 21ha rừng tại công viên này, bởi đây là việc trả lại đúng mục đích sử dụng đất cho công viên chứ không phải chuyển mục đích sử dụng đất. Bản thân ông cũng không hiểu tại sao lúc đó, chính quyền thành phố lại đầu tư trồng rừng trên đất không phải là đất lâm nghiệp.
Đối chiếu kết quả thống kê đất đai của TPHCM vào năm 2015, 2016, chúng tôi nhận thấy, nhiều năm liền, hơn 21ha nói trên được thống kê vào diện tích đất rừng. Trong quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2016 do UBND TPHCM ban hành ngày 20/7/2017, hơn 21ha ở Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM nằm trong diện tích rừng và đất lâm nghiệp của TPHCM.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM), điều 19, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và kế hoạch sử dụng đất; được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; có dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền quyết định và đặc biệt là phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Theo điều 42, Nghị định 156/2018 của Chính phủ, “trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thống nhất, đồng bộ với trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất”. Cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp kiểm tra hồ sơ về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại điều 19 của Luật Lâm nghiệp, đồng thời rà soát, xác định vị trí, diện tích, hiện trạng rừng trước khi phê duyệt chuyển mục đích sử dụng.
Còn theo quy định tại điều 41, Nghị định 156/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 1, điều 1, Nghị định 83/2020/NĐ-CP, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được tiến hành qua rất nhiều bước, gồm: nộp hồ sơ, duyệt hồ sơ, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; sau khi phê duyệt chủ trương, UBND cấp tỉnh sẽ gửi hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Từ phân tích trên cho thấy, việc chuyển mục đích sử dụng hơn 21ha rừng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Chưa kể, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng. Tiếp đến, đầu năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng có Chỉ thị số 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên nguyên tắc bảo vệ rừng nghiêm ngặt.
Việc chuyển đổi 21ha rừng thành đất trông cây cảnh quan là điều đáng tiếc vì không dễ tìm một lá phổi xanh rộng lớn ngay giữa lòng thành phố hiện đại như TPHCM. Nếu giữ lại được diện tích rừng trong công viên chúng ta đã có thể phát triển công viên rừng tự nhiên như nhiều thành phố lớn trên thế giới, vừa bảo vệ chất lượng không khí thành phố, vừa là điểm tham quan, vui chơi giải trí cho người dân thành phố và khách du lịch thập phương.
Khu rừng này giúp bảo tồn sự đa dạng sinh học của TPHCM Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia sinh học nhiều năm tham gia nhóm nghiên cứu đa dạng sinh học ở TPHCM - cho biết vài năm trước, nhóm đã thực hiện một nghiên cứu về xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học tại TPHCM. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, diện tích rừng ở Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc TPHCM có vai trò rất quan trọng trong đa dạng sinh học ở TPHCM. Đây là đường dẫn đa dạng sinh học ở khu vực khác về TPHCM. Khu rừng này nằm trong hành lang di cư của các sinh vật, đặc biệt là các loài chim. Do đó, cần có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn khu rừng này để không làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của thành phố. Khu rừng này cũng góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm bụi và tiếng ồn cho khu vực phía đông TPHCM. |
Nhóm phóng viên