Tiệc mừng hậu ly hôn của phụ nữ Ấn Độ

18/06/2024 - 06:11

PNO - Mới đây, trước cổng nhà ông Anil Kumar tại TP Kanpur (bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ) xuất hiện các thành viên của một ban nhạc phục vụ đám cưới dù ở đây chẳng có đám cưới nào diễn ra. Họ có mặt ở đó và biểu diễn để chúc mừng con gái ông (36 tuổi), người vừa ly hôn sau cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm và trở về nhà.

Kiểu tiệc mừng này - dù khá hiếm thấy - được công chúng khen ngợi, cho thấy tư duy kỳ thị việc phụ nữ ly hôn đã giảm dần trong xã hội Ấn Độ.

Ngày nay, nữ giới đã tích cực lên tiếng, tìm kiếm chỗ đứng độc lập hơn. Không ít người đang giúp nhau đấu tranh chống lại định kiến giới, cáo buộc nhắm vào họ khi chủ động rời bỏ những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Trên mạng xã hội, ngày càng nhiều phụ nữ thẳng thắn nói về trải nghiệm cá nhân, cách họ đối mặt và vượt qua định kiến.

Shasvathi Siva chia sẻ hành trình “hàn gắn tinh thần” hậu ly hôn trên mạng xã hội, nhận về sự khích lệ, đồng cảm từ nhiều phụ nữ - Nguồn ảnh: X/@shasvathi
Shasvathi Siva chia sẻ hành trình “hàn gắn tinh thần” hậu ly hôn trên mạng xã hội, nhận về sự khích lệ, đồng cảm từ nhiều phụ nữ - Nguồn ảnh: X/@shasvathi

“Đặc biệt tại các thành phố lớn, ly hôn đã bắt đầu được thoải mái đón nhận như giải pháp hợp lý chấm dứt hôn nhân thay vì bị xem như một hành vi cấm kỵ như trước đây” - cố vấn hôn nhân gia đình Shivani Misri Sadhoo nhận xét.

“Tôi hy vọng xã hội Ấn Độ có thể thay đổi cái nhìn đối với phụ nữ ly hôn. Chúng tôi đơn giản là muốn thoát khỏi một cuộc hôn nhân tiêu cực” - nhân viên văn phòng Shasvathi Siva (sống tại Mumbai, đã ly hôn chồng hơn 5 năm) bày tỏ. Cô là minh chứng tiêu biểu cho những phụ nữ đang nỗ lực “bình thường hóa” khái niệm ly hôn.

Tại Ấn Độ, theo báo cáo điều tra năm 2011 có 1,36 triệu người ly hôn, chiếm tỉ lệ 0,24% trong tổng dân số đã đăng ký kết hôn. Các đôi vợ chồng ly thân nhưng không ly hôn chiếm tỉ lệ 0,61%.

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, Siva đã lập nhóm hỗ trợ dành cho phụ nữ ly hôn. Số thành viên của nhóm hiện đã hơn 600 người. Rất nhiều hội nhóm, dự án xã hội tương tự ra đời trong những năm gần đây, tạo không gian để phụ nữ bộc bạch nỗi lòng, tìm chỗ dựa tinh thần cũng như giúp nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

“Phụ nữ hoàn toàn có quyền nói lên tiếng lòng của họ” - Siva nói - “Chúng tôi bước ra khỏi cuộc hôn nhân thất bại không chỉ vì đã chọn sai bạn đời. Hơn hết, chúng tôi muốn tạo dựng một tương lai tự do, tự chủ hơn vì hạnh phúc của chính mình”.

Vandana Shah - 52 tuổi, luật sư tư vấn thủ tục ly hôn ở Mumbai - từng trải qua rất nhiều áp lực khi quyết định chia tay chồng. Năm 2001, Shah bị chồng và gia đình chồng đuổi khỏi nhà giữa đêm khuya. Khi ấy, cô chỉ có ít tiền lẻ và trang sức trên người. “Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tôi không còn bất kỳ người thân nào để nương tựa” - nữ luật sư hồi tưởng.

May thay, một người giúp việc của nhà chồng đã giúp Shah có chỗ ở tạm thời trong nhà mình. “Cô ấy là người đầu tiên không phán xét tôi, cũng không lờ đi những vết sẹo đau đớn do bị chồng đánh đập trên người tôi” - cô kể. Shah đã bán hết trang sức cưới còn giữ được để cầm cự và tìm kế mưu sinh. Cô đã ly hôn năm 2010, cố gắng vừa học vừa làm và lấy bằng luật sư năm 2012. “Rất nhiều khách hàng nữ có hoàn cảnh giống tôi. Đến giờ, phụ nữ trẻ vẫn phải nghe bạn bè, người thân khuyên nên cố chịu đựng, nghĩ đến con cái thay vì ly hôn để tự giải thoát khỏi một quan hệ hôn nhân áp bức” - Shah nói.

Thành kiến “cắm rễ” suốt nhiều thế kỷ ở Ấn Độ về vai trò lệ thuộc, bị động của nữ giới trong hôn nhân không dễ xóa bỏ. Thế nhưng với nền giáo dục đang được nâng cao cùng những nỗ lực đấu tranh không ngừng của những phụ nữ như Siva, có thể tin rằng tư tưởng kỳ thị đó sẽ dần biến mất.

Như Ý (theo The Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI