Diễn đàn: “Văn minh đô thị: Mỗi người cùng góp một tay”

Tiếc gì hai tiếng "Cảm ơn"

22/08/2022 - 06:42

PNO - Vì sao trong nhiều trường hợp các bạn trẻ đã không nói được câu cảm ơn? Phải chăng hồi nhỏ, các bạn không được cha mẹ, thầy cô dạy về việc ấy? Phải chăng, các bạn cho rằng lời cảm ơn là không cần thiết? Hay do xã hội bây giờ như vậy?

Có lần, đang đi trên đường Điện Biên Phủ, tôi nhìn thấy một bạn nữ ngồi sau xe máy khoác ba-lô nhưng chưa đóng dây kéo, tôi cố chạy lên nhắc bạn khóa ba-lô lại để tránh rớt đồ. Cũng là lúc dừng đèn đỏ, cô gái vội đưa ba-lô ra phía trước khóa lại, rồi lại đeo vào, đi tiếp mà không thèm nhìn xem ai vừa nhắc mình để nói lời cảm ơn.

Sự “phớt tỉnh ăng lê” của cô gái ấy khiến tôi nhớ lại nhiều trường hợp khác, khi hỏi đường thì rất lịch sự, nhưng sau khi nhận được câu trả lời rồi thì lại không biết nói lời cảm ơn. Chắc chắn đó là sự thiếu sót, chứ không phải lời “cảm ơn” không tiện nói ra! Khi hỏi đường là đã có sự giao tiếp mặt giáp mặt, có sự chỉ dẫn, nên lời “cảm ơn” là cần thiết và hợp ngữ cảnh. 

Tất nhiên, khi ta giúp ai đó (hay ai đó giúp ta) hoàn toàn không vì tiếng “cảm ơn”. Nhưng trong giao tiếp, lời “cảm ơn” thể hiện sự biết ơn đối với ai đó vừa giúp mình, đồng thời thể hiện sự kết thúc cuộc giao tiếp (có thể họ không giúp được mình). Và trong cả hai trường hợp, lời cảm ơn đều cần thiết.

Tôi cứ nghĩ mãi, vì sao trong nhiều trường hợp các bạn trẻ đã không nói được câu cảm ơn? Phải chăng hồi nhỏ, các bạn không được cha mẹ, thầy cô dạy về việc ấy? Phải chăng, các bạn cho rằng lời cảm ơn là không cần thiết? Hay do xã hội bây giờ như vậy?

Giả sử khi chúng ta giao tiếp với các bậc cha chú, chúng ta là nhân viên chăm sóc khách hàng hoặc là cán bộ công chức tiếp xúc với dân… trong các cuộc tiếp xúc, nếu chúng ta thiếu đi hai tiếng “cảm ơn” thì vấn đề sẽ rất đáng bàn! Nếu không thể nói được tiếng “cảm ơn” thì liệu có thể nói được lời “xin lỗi”, có biết nhận lỗi và tích cực sửa chữa, khắc phục? Nhìn rộng hơn, có phải nền giáo dục (cả trong gia đình và nhà trường) đang chưa chú ý dạy dỗ cách thức ứng xử sao cho có văn hóa, văn minh, chưa dạy “lễ”, dạy “làm người”? Thậm chí, có người sẽ nhìn vào đó để đánh giá về nét văn hóa, sự văn minh của một bộ phận thanh niên đang giữ vai trò rường cột nước nhà?

Nếu chỉ một hiện tượng cá biệt thì những câu hỏi trên là suy diễn, nhưng đây không phải là hiện tượng đơn lẻ, nhất là khi dư luận đã nói nhiều đến sự “vô cảm”, “vị kỷ”, “cá nhân”… trong một bộ phận thanh niên. 

Trúc Giang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI