Tiểu thương ngáp ngắn ngáp dài

14/02/2020 - 08:41

PNO - Ngày 13/2, hơn 9 giờ sáng - thời điểm khách đông nhất trong ngày, nhưng chợ Nguyễn Văn Trỗi (P.13, Q.3) vẫn vắng khách.

Do e ngại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nên người dân không muốn lui tới những nơi công cộng, điều này làm cho các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM vắng khách. Tuy nhiên, tiểu thương và ban quản lý các chợ đều có chung suy nghĩ: thực hiện tốt các biện pháp phòng - chống để dịch mau đi qua, chính là bảo vệ cộng đồng, bảo vệ mình và nồi cơm của mình. 

Chợ vắng khách

Ngày 13/2, hơn 9 giờ sáng - thời điểm khách đông nhất trong ngày, nhưng chợ Nguyễn Văn Trỗi (P.13, Q.3) vẫn vắng khách. Đi sâu vào chợ, qua các dãy quần áo, thời trang, trái cây… án ngữ ngay mặt tiền chợ, lượng khách cũng thưa thớt. “Sáng giờ ngồi mấy tiếng đồng hồ, nhưng vẫn chưa bán được đồng nào” - một nữ tiểu thương buột miệng, thở dài. Đã 20 năm kinh doanh nón thời trang tại chợ, chị này cho biết, thông thường sau tết, dù mãi lực bán chậm so với giáp tết nhưng chưa năm nào ế ẩm như năm nay. Mở sạp từ mùng Sáu tết, tuần đầu chị bán được vài món/ngày, nhưng hơn tuần nay thì giảm hẳn, từ sáng đến tối doanh thu chỉ được vài trăm ngàn đồng. 

 

 

Chợ Bến Thành vừa gắn thêm bồn rửa tay 5 vòi nước với xà phòng diệt khuẩn.

Đối diện sạp nón nói trên, bà chủ quầy phụ tùng điện cũng ngồi ngáp ngắn ngáp dài. Cả dãy sạp mười mấy gian hàng chỉ toàn người bán, chẳng thấy người mua. “Ế lắm em, sau tết đến giờ chỉ bán cầm chừng vài ba bóng đèn lặt vặt. Nhưng bán lẻ như tụi chị còn đỡ, ở các chợ đầu mối còn thê thảm hơn” - chị nói với tôi và tự an ủi mình.

Theo ông Lê Đức Thành, Phó ban Quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi, chợ có 300 người kinh doanh cố định và 210 tiểu thương vãng lai. Từ sau tết, do buôn bán ế ẩm nên nhiều tiểu thương vẫn còn đóng sạp.

Tại Q.3, chợ Vườn Chuối cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trên trục chính của chợ nối từ đường Nguyễn Đình Chiểu qua đường Điện Biên Phủ, nhiều sạp quần áo, trái cây cũng đóng cửa hoặc mở bán cầm chừng, vài tiếng mỗi ngày. Các khu bán đồ ăn vặt ở các đường nhánh dẫn vào chợ cũng vắng khách. “Tôi bán bún thịt nướng, trước bán 200 tô mỗi ngày. Từ khi người ta bàn tán về con vi-rút Corona thì khách đến chợ thưa hơn, mỗi ngày tôi chỉ nấu có 100 tô mà có hôm đến 4 giờ chiều mới hết” - chị Thu, chủ gánh bún thịt nướng, buồn bã. 

Với lợi thế trung tâm, nơi có đông khách du lịch tham quan mua sắm, chợ Bến Thành cũng chứng kiến sự sụt giảm khách. Chợ có 1.500 sạp đang kinh doanh, nhưng mỗi ngày chỉ thu hút khoảng 3.000 khách đến tham quan mua sắm, vắng hơn ngày thường. Không chỉ ban ngày mà cả khu chợ đêm cũng thưa khách. Đây là ngôi chợ có nhiều đoàn khách lữ hành đến tham quan, mua sắm hàng lưu niệm, nhưng “hiện nay lượng khách đến chợ giảm khoảng 30-40%”, ông Lê Quang Thiện - Trưởng ban Quản lý chợ, cho biết. Cho nên, dù đã chuẩn bị tâm lý đối phó, nhưng nhiều chủ sạp cũng không khỏi lo lắng, thất thần trước tình hình kinh doanh ế ẩm.

Phòng, chống dịch để bảo vệ nồi cơm của mình

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, từ ngày 12-14/2, Hội LHPN TP.HCM tổ chức đoàn giám sát công tác triển khai tuyên truyền phòng chống, ứng phó với dịch của ban quản lý chợ và thương nhân tại các chợ Bến Thành (Q.1), Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) và Bình Tây (Q.6). Tham gia đoàn có đại diện các sở, ban, ngành. 

Chợ Bến Thành có đến 16 cửa ra vào, hằng ngày tiếp đón hàng ngàn người đến chợ, nên nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng nếu có sẽ rất cao. Tuy nhiên, hầu hết các thương nhân đều ý thức phòng dịch cao. Các lối đi đều sạch sẽ. Các khu nhà hàng, ẩm thực, thực phẩm tươi sống đều khá sạch sẽ, khô ráo…

 

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Trưởng đoàn khảo sát thăm hỏi, nắm tình hình phòng chống dịch cúm tại các chợ
Bà Trần Thị Huyền Thanh - Trưởng đoàn khảo sát thăm hỏi, nắm tình hình phòng chống dịch cúm tại các chợ

Theo ông Lê Quang Thiện, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào (du khách, thương nhân và người giúp việc) tại chợ bị nhiễm vi-rút. Thế nhưng, việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm đã được triển khai trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Cụ thể, Ban Quản lý chợ đã triển khai 100% cán bộ công nhân viên, người lao động phải đeo khẩu trang khi làm việc; vận động 100% thương nhân và người giúp việc đeo khẩu trang khi bán hàng; tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng bằng cách cho lau sàn chợ mỗi ngày, vệ sinh khử trùng khu vực nhà vệ sinh. 

Ngoài ra còn lắp đặt thêm một bồn rửa tay với 5 vòi nước và xà phòng diệt khẩn, một máy sấy tay đặt ở cửa Bắc để phục vụ du khách và thương nhân. 

“Chúng tôi cho phát 700 tờ rơi hướng dẫn phòng chống dịch, hằng ngày phát thanh về các biện pháp phòng chống. Lực lượng bảo vệ hằng ngày cũng kiểm tra nhắc nhở tiểu thương thực hiện việc đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu ho, chảy nước mũi, sốt khó thở… thì yêu cầu đến cơ sở y tế để khám. Tất cả thương nhân đều ý thức được việc chống dịch, để dịch bệnh không lây lan, dịch mau qua, chính là bảo vệ cộng đồng, bảo vệ mình và nồi cơm của mình” - ông Thiện nói. 

Chợ Nguyễn Văn Trỗi cũng đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền phòng chống, ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, 1.500 tài liệu tuyên truyền đã được phát ra và triển khai 500 bản cam kết với các tiểu thương, vận động các thương nhân đeo khẩu trang khi bán hàng, thiết lập ba vị trí rửa tay với xà phòng diệt khuẩn phục vụ tiểu thương… 

Siêu thị sẽ bán các loại khẩu trang vải diệt khuẩn
Theo bác sĩ Ngô Cao Lẫm, trong vài ngày tới, siêu thị sẽ bán các loại khẩu trang vải diệt khuẩn, tái sử dụng nhiều lần. Khẩu trang vải hoàn toàn đủ sức ngăn ngừa dịch bệnh đối với những người không mang bệnh khi tiếp xúc giao tiếp thông thường. Khẩu trang y tế được khuyến nghị dùng đối với trường hợp người có bệnh viêm đường hô hấp cấp, ho, sổ mũi và người vào khu vực cơ sở y tế, bệnh viện.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Ngô Cao Lẫm - Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - nhận xét: “Ở chợ, nơi tiếp xúc đông người nên khả năng có nguy cơ cao hơn khu vực khác về vấn đề truyền bệnh. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa bệnh không quá khó nếu biết rõ cách. Tiểu thương chỉ cần đeo khẩu trang vải cũng có thể ngăn ngừa được sự lây nhiễm do tiếp xúc. Bên cạnh trang bị bồn rửa tay có xà phòng sát khuẩn, nên tăng cường dung dịch sát khuẩn nhanh. Ban quản lý chợ và Hội Phụ nữ chợ cũng nên tăng cường tiếp xúc chia sẻ theo từng nhóm nhỏ để tăng hiệu quả tuyên truyền, vì có thể có một số tiểu thương vẫn chưa hiểu đủ, đúng về dịch bệnh nên có người lo sợ quá đà, có người chủ quan, không lo gì cả”.

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP, Trưởng đoàn giám sát, cho rằng qua khảo sát và nắm tình hình trực tiếp, bước đầu ghi nhận: ban quản lý các chợ cũng như thương nhân đều nhập cuộc, đồng hành với ý thức cao trong việc triển khai tuyên truyền, phòng chống, ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp. 

Đoàn cũng đã ghi nhận một số khó khăn của các chợ như: thiếu nguồn mua khẩu trang y tế (riêng chợ Bến Thành cần 10.000 khẩu trang y tế/ngày, nhưng chưa tìm ra nguồn cung), thiếu nguồn cồn rửa tay sát khuẩn… 

Khu cách ly tập trung của quận, huyện và đơn vị y tế địa phương có an toàn? 

Trước lo ngại về các khu cách ly tập trung phòng chống dịch đối với các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn thành phố (do UBND các quận, huyện và đơn vị y tế địa phương lập ra) có nguy cơ lây nhiễm đối với cộng đồng xung quanh, bác sĩ Ngô Cao Lẫm cho rằng, người dân không nên lo lắng về vấn đề này, bởi theo ghi nhận y khoa, vi-rút Corona khó lây nhiễm trực tiếp bằng giọt bắn khi ở khoảng cách hơn 2m. Vi-rút này cũng không bay lơ lửng trong không khí nên các trường hợp nghi ngờ nhiễm sẽ được chở thẳng vào khu cách ly, không có cơ hội để tiếp xúc gây lây lan ra cộng đồng. 

Hoài An


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI