Tích hợp môn Lịch sử: Một cuộc cưỡng duyên kỳ lạ!

11/11/2015 - 15:26

PNO - "Lịch sử phải là môn học độc lập và bắt buộc, ít nhất trong các chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông"- GS Nguyễn Quang Ngọc.

Chiều 10/11, PV Báo Phụ nữ TP HCM đã có trò chuyện với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để hiểu rõ hơn về việc Bộ Giáo dục và Đào GD-ĐT) tạo đề xuất tích hợp môn Lịch sử.

Tich hop mon Lich su: Mot cuoc cuong duyen ky la!
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

PV: - Thưa GS, vừa rồi, trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT, bộ có đưa ra đề xuất để môn Lịch sử thành môn học tích hợp với các môn Giáo dục công dân và An ninh - Quốc phòng thành môn mới là Công dân với tổ quốc. Ông có bình luận gì về đề xuất này?

GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: - Vâng xin được gửi lời chào tới bạn đọc báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Có thể ví câu chuyện mà chúng ta đang bàn tới ở đây như một cuộc cưỡng duyên kỳ lạ, mà cưỡng duyên trong hôn nhân đôi lứa thì may ra còn có thành công, chứ cưỡng duyên trong khoa học thì thất bại là điều không tránh khỏi.

Theo tìm hiểu của tôi thì đây là một đề xuất vội vàng nặng theo cảm tính chủ quan của những người không thuộc chuyên môn hay nói đúng ra là không thật hiểu về các môn học Lịch sử, Quốc phòng - An Ninh, Đạo đức - Công dân và cố tìm cách chứng minh chúng gần gũi nhau rồi bỏ chung vào một cái rọ gọi là “tích hợp”. Họ cố làm cho bằng được mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.

Môn Công dân với Tổ quốc là môn học gì, nghe có vẻ hay đấy nhưng đối tượng của nó ra sao, nội dung của nó thế nào và nó được xây dựng dựa trên hệ phương pháp luận nào, thì dường như người làm tích hợp vẫn chưa hình dung ra được.

Cũng cần phải biết cho đến thời điểm này trên thế giới có nền giáo dục nào đã triển khai môn học này (nếu có thì họ đã tích hợp ra sao, thành công hay thất bại và ta rút kinh nghiệm được gì), nhưng hình như các vị cũng chưa có câu trả lời cụ thể. Các vị đưa ra một thông tin là một số bang ở Hoa Kỳ người ta cũng dạy môn Công dân với Chính quyền.

Tôi xin nói ngay Công dân với Chính quyền là một môn học khác, không đồng hàng với Công dân với Tổ quốc, nên các vị cần phải tìm hiểu cho đến nơi đến chốn chứ cứ lơ mơ như thế này mà triển khai thì không biết sẽ dẫn dắt con cháu chúng ta đi đâu về đâu.

PV: Thưa GS, có thể hiểu đề xuất gộp chung môn Sử và An ninh - Quốc phòng, đồng nghĩa Bộ GD-ĐT coi lịch sử gắn liền với các trận đánh, chiến lược quân sự, các vấn đề kỹ thuật quốc phòng... hay không? Cách hiểu như vậy về môn Lịch sử có đúng không và tại sao?

GS. TS Nguyễn Quang Ngọc: - Các vị nói tích hợp các môn Lịch sử với Quốc phòng - An Ninh và Đạo đức-Công dân lại với nhau thành Công dân với Tổ quốc vì các môn này có nội dung gần giống nhau. Thật ra các vị nhìn môn học theo lối chủ quan, định kiến, mà đã chủ quan định kiến là không khoa học.

Tôi lấy làm lạ là đến hôn nhân thời phong kiến hà khắc là thế mà người ta vẫn còn phải qua nhiều khâu, nhiều bước mới có thể ghép được chị phụ nữ này với anh thanh niên nọ thành đôi vợ chồng. Các trường hợp ép duyên, gả cưới, dù có phải lấy nhau thì cũng phần nhiều tan vỡ hay không có hạnh phúc.

Đằng này, người ta định ép các ngành khoa học có đối tượng, nội dung, phương pháp khác nhau thành một môn chung, mà lại không hề cho họ trao đổi, thảo luận, tìm hiểu lẫn nhau, thì xem ra sự ép duyên này là hà khắc.

Đối tượng, nội dung và phương pháp của các môn học này khác nhau nhiều lắm. Nếu cứ cố trộn lại với nhau thì có khi cũng có được một món “đặc sản” chưa từng có trên đời, nhưng hiềm một nỗi loại “đặc sản” này không trôi được.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI