Tích hợp môn Lịch sử: Đồng ý, nhưng thực hiện thế nào?

13/11/2015 - 06:38

PNO - Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tích hợp môn Lịch sử vào môn học mới, chuyên gia tranh luận và đặt nghi vấn "sẽ thực hiện thế nào?".

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho biết, ở cấp THPT, các môn Lịch sử, Giáo dục công dân và An ninh - quốc phòng sẽ được tích hợp thành môn mới là Công dân với tổ quốc. Đề xuất này nằm trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ.

Đề xuất này ngay lập tức nhận lại những phản hồi của những chuyên gia đầu ngành về giáo dục. Nhiều chuyên gia công nhận, chủ trương của Bộ GD-ĐT trong việc tích hợp các môn học nói chung nhằm giảm bớt thời lượng giúp phát huy và tạo năng lực cho học sinh là đúng đắn, tuy nhiên với đề xuất ghép môn Lịch sử là một lựa chọn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tich hop mon Lich su: Dong y, nhung thuc hien the nao?
Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc với học sinh.

Nói về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, do chưa nghiên cứu kĩ dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông, nhiều người đã lầm tưởng tích hợp một số nội dung Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc có nghĩa là bỏ môn Lịch sử.

Thực ra thì ở THPT, đối với những học sinh chọn định hướng Khoa học xã hội (KHXH), môn Lịch sử ở lớp 12 và môn KHXH ở các lớp 10, 11 (nội dung chủ yếu là kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,...) là môn học bắt buộc.

Còn đối với những HS chọn định hướng Khoa học tự nhiên (KHTN): học sinh lớp 10, 11 được quyền chọn 4 môn trong các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. HS lớp 12 được quyền chọn 3 môn trong các môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Tin học, Công nghệ, Toán 2.

Giả sử có những học sinh chọn định hướng KHTN không chọn môn KHXH hoặc môn Lịch sử thì các em vẫn được học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc. Đó là chưa kể ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ Tiểu học đến hết THCS), không một HS nào không được học Lịch sử. Nói như vậy để thấy, trái với dư luận, Chương trình mới hết sức coi trọng giáo dục lịch sử.

Vấn đề đặt ra ở đây chỉ là có nên và có thể tích hợp nội dung giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng - an ninh với giáo dục lịch sử thành môn Công dân với Tổ quốc không? Điều này nên bàn thêm.

Nhưng dự thảo Chương trình GDPT mới quan niệm nội dung chủ yếu của môn học tích hợp này là “giáo dục đạo đức, văn hóa pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về kinh tế phổ thông, về quốc phòng và an ninh (gồm những hiểu biết ban đầu về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự và nghĩa vụ quân sự của công dân).

Với nội dung như vậy, làm sao không có hợp phần Lịch sử được? 

“Theo tôi, tích hợp các nội dung vốn thuộc về từng môn riêng rẽ thành môn học tích hợp là quan điểm đúng đắn bởi nó sẽ thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển năng lực ở học sinh” – GS Thuyết nói.

“Chỉ có điều tích hợp thế nào, có tích hợp được không là câu chuyện phải bàn. Hai trở ngại lớn nhất trong tích hợp là chúng ta chưa có chuyên gia về dạy học tích hợp, đồng thời nhiều nhà chuyên môn cũng chưa muốn tích hợp, mà muốn đưa nguyên hệ thống các môn khoa học ở đại học vào giáo dục phổ thông”, GS Thuyết nói.

Đồng quan điểm với GS Thuyết, GS Văn Như Cương đồng ý với chủ trương tích hợp môn Lịch sử của Bộ GD, ông cho rằng nhiều ngày qua mọi người tranh cãi xung quanh việc tích hợp môn Lịch sử do chưa tìm hiểu kỹ.

Theo đó, GS Văn Như Cương phân tích, cấp THPT là cấp có sự phân hóa theo 2 luồng học sinh chính: Học sinh thiên về  KHTN và học sinh thiên về KHXH.

Những học sinh thiên về KHXH sẽ vẫn được học môn Lịch sử như là một môn riêng biệt và là môn bắt buộc phải chọn. Với khối này, học sinh có sách giáo khoa và có chương trình được dạy và học như hiện nay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI