Ngày 12/11, bộ phim về cuộc đời huyền thoại giải trí Hồng Kông Mai Diễm Phương chính thức ra mắt khán giả. Với tên gọi giản dị: Anita, bộ phim là cuốn hồi ký sống động và đầy cảm xúc của nhà sản xuất Giang Chí Cường (một trong những người bạn thân thiết nhất trong cuộc đời diva Mai Diễm Phương) dành cho “người con gái của Hồng Kông”, người đã sống mãi trong lòng công chúng ở tuổi 40, người đã tự gả mình cho sân khấu, cho khán giả đời đời kiếp kiếp.
|
Bộ phim Anita vừa ra rạp tại Hồng Kông ngày 12/11 để tưởng nhớ 18 năm ngày mất của Mai Diễm Phương |
Bản nhạc của tình yêu đáng nhớ nhất trong đời
Sinh thời, A Mui nổi tiếng đa tình. Cô yêu nhiều, yêu đến cháy cả tâm can, như để bù đắp những thiếu thốn tình cảm của tuổi thơ cô đơn và bị ghẻ lạnh. Cuộc đời cô trải qua nhiều mối tình, từ những người bình thường cho đến người nổi tiếng.
Tuy nhiên, năm 2003, khi đang lâm bệnh nặng, ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, Mai Diễm Phương mới thú nhận: “Trong số các cuộc tình đã từng trải qua trong đời tôi, đáng được trùng diễn chỉ có một đoạn tình duyên. Tôi không nói người đó là ai, chỉ có thể nói đó là chuyện tình nơi xứ người với kẻ không cùng chủng tộc. Nếu được chọn lại lần nữa, tôi vẫn không thay đổi mà vẫn yêu như thuở ban đầu, cũng có thể nói đó là lần yêu đáng nhớ nhất trong đời”.
Thế nhưng, dù A Mui không nói, công chúng và bạn bè đều ngầm biết đó là nghệ sĩ người Nhật nổi tiếng Cận Đằng Chân Ngạn (Masahiko Kondo), người đã cùng “Bách biến thiên hậu” trải qua mối tình ngắn ngủi nhưng điên cuồng và nhiều trắc trở. Hai người gặp nhau trong một bữa tiệc tại Hồng Kông vào năm 1984 và nhanh chóng phải lòng nhau dù Cận Đằng thua A Mui một tuổi. Sau đó là những ngày tháng yêu nhau qua điện thoại hoặc bay đi bay về chặng Nhật Bản - Hồng Kông để thỏa nỗi nhớ mong. Vì cả hai đều là người của công chúng nên mối tình của họ không được công khai, chưa kể khoảng cách địa lý khiến tình yêu ấy càng thêm khó khăn.
Nhưng rồi như trò đùa của số mệnh, trong lúc tình yêu sâu đậm nhất, A Mui sẵn sàng chấp nhận vứt bỏ tất cả hào quang sự nghiệp, bán hết gia sản để sang Nhật mua một căn hộ nhỏ với ước mơ được sống cuộc đời bình dị với người mình yêu, cũng là lúc cô biết được sự thật: Cận Đằng vẫn chưa thể buông được mối tình cũ (ngọc nữ nổi tiếng của Nhật Bản - Akina Nakamori). Đau đớn phát hiện mình là người thứ ba, A Mui trở về Hồng Kông với trái tim tan vỡ.
|
Nghệ thuật và ánh sáng sân khấu được Mai Diễm Phương coi như lẽ sống |
Những tháng ngày sau đó là quãng thời gian đớn đau nhất mà A Mui không bao giờ muốn nhắc lại. Cô vùi đầu vào công việc để quên đi mối tình buồn. Đây cũng là quãng thời gian sự nghiệp của Mai Diễm Phương đạt đến đỉnh cao trong cả âm nhạc và điện ảnh. Người Hồng Kông gọi cô là “Madonna của châu Á”. Người hâm mộ ca tụng cô là “Bách biến thiên hậu” vì khả năng biến hóa xuất thần vào đủ mọi vai diễn. Trong nhiều năm sau đó, dù chưa nguôi nhớ thương người tình Nhật Bản, A Mui cũng không một lần tìm lại, níu kéo.
Phim Anita (nghệ danh quốc tế của Mai Diễm Phương) được nhà sản xuất Giang Chí Cường ấp ủ gần 20 năm. Phim do đạo diễn Lương Nhạc Dân thực hiện với sự tham gia của Vương Đan Ni trong vai Mai Diễm Phương cùng sự góp mặt của các diễn viên: Cổ Thiên Lạc, Lâm Gia Đống, Lưu Tuấn Khiêm, Dương Thiên Hoa... Anita kể về cuộc đời đầy sóng gió của Mai Diễm Phương từ thời thanh xuân cơ cực đến khi trở thành “bà hoàng sân khấu” của Hương Cảng và qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Trong phim sử dụng nhiều ca khúc bất hủ của Mai Diễm Phương, trong đó Tịch dương chi ca xuất hiện như ca khúc chính. |
Cho đến năm 1989, khi Mai Diễm Phương đang quay bộ phim Bản sắc anh hùng III của đạo diễn Từ Khắc cùng Châu Nhuận Phát tại Việt Nam, Cận Đằng Chân Ngạn từ Nhật gửi cho cô một bản nhạc có nội dung về nỗi lòng của một cô gái bé nhỏ nơi đất khách quê người. Đó là khung cảnh khi ánh tà dương sắp tàn, cả tình và người nơi đây không còn chỗ, cô gái nọ phải trở lại quê nhà với trái tim vụn vỡ. Quá xúc động với ca khúc trên, Mai Diễm Phương nhờ Trần Thiếu Kỳ viết lại lời Hoa cho ca khúc dựa trên cuộc đời của Châu Anh Kiệt - nhân vật nữ chính do cô thủ vai trong bộ phim Bản sắc anh hùng III. Đạo diễn Từ Khắc, sau khi nghe, lập tức chọn ca khúc này làm bản nhạc chính thức của bộ phim. Đó chính là bản Tịch dương chi ca bất hủ của Hồng Kông sau này.
Sau khi phim đóng máy, TVB đã xin bản quyền từ phía Nhật để Mai Diễm Phương thu âm Tịch dương chi ca và đưa vào album In Brasi ra mắt cùng năm 1989. Vượt qua phiên bản Thiên thiên khuyết ca (bản khác của Tịch dương chi ca) của Trần Tuệ Nhàn, bỏ qua nhiều tranh cãi, bản thu âm của Mai Diễm Phương trở thành “Ca khúc vàng của năm” và trở thành ca khúc kinh điển nhất trong sự nghiệp của Mai Diễm Phương nói riêng cũng như của âm nhạc Hồng Kông nói chung.
Tịch dương chi ca năm ấy đến với Mai Diễm Phương như một định mệnh nhưng những gì cô làm mới khiến ca khúc trở thành bất hủ. Người con gái ấy, dẫu mảnh mai như hạt sương, nhưng điên cuồng và mãnh liệt như gió bão đã sống và cống hiến cho ánh đèn sân khấu, trở thành biểu tượng của cả một thế hệ thanh niên Hồng Kông những năm 1980 - 1990 dám yêu, dám sống bất chấp thời cuộc nhiễu nhương.
|
Đến tận cuối đời, Mai Diễm Phương vẫn khát khao được một lần mặc váy cô dâu |
“Cuộc đời là một canh bạc”
Tháng 12/2003, ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác, gạt bỏ mọi sự can ngăn và những cảnh báo về sức khỏe, Mai Diễm Phương bước lên sân khấu với chất giọng đã nhuốm màu mệt mỏi và ca bản Tịch dương chi ca lần cuối cùng trong bộ váy cưới màu trắng tinh khôi.
“Người con gái của Hồng Kông” ấy muốn tự gả mình cho âm nhạc, cho sân khấu và cho khán giả. Những gì cô hát, cô nói trong buổi hòa nhạc ấy đã trở thành di ngôn khép lại cuộc đời lấp lánh bi thương của “bà hoàng sân khấu”. Cô nói trong ánh mắt buồn thê lương như dự cảm cho số phận mình: “Nếu bây giờ không hát, sau này mãi mãi sẽ không hát được nữa”.
Sinh thời, Mai Diễm Phương phải chịu tuổi thơ cơ cực, sống với người mẹ hẹp hòi và có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, chỉ coi cô và chị gái cô như công cụ kiếm tiền. Nghệ thuật và ánh sáng sân khấu đối với A Mui được coi như lẽ sống. Cô chưa từng sống như một ngôi sao, không nề hà công việc; cô có những giao đãi thân tình và hào phóng với tất cả bạn bè, người thân.
Cùng với Trương Quốc Vinh, người bạn tri kỷ sâu sắc nhất và một vài nghệ sĩ cùng thời, cô trở thành một trong những nghệ sĩ chấn hưng dòng nhạc Cantopop trước đó vốn “thất sủng” ở Hồng Kông. Trong điện ảnh, cô được Trương Nghệ Mưu đánh giá là “diễn viên ưu tú nhất”. Cô và Lý Tiểu Long là hai nghệ sĩ được dựng tượng trên Đại lộ Ngôi Sao ở Hồng Kông.
Tịch dương chi ca - Mai Diễm Phương, phim Bản sắc anh hùng III:
Nhưng rồi, như câu nói của nhân vật Châu Anh Kiệt, rằng “vận mệnh này như một canh bạc”, không ai biết ngày mai ra sao, người con gái khát khao yêu, khát khao sống ấy vẫn phải đầu hàng số mệnh, khép lại sự nghiệp đang độ đỉnh cao trong sự thương tiếc và xót xa của bạn bè lẫn hàng triệu người hâm mộ trên toàn châu Á.
Như ánh tà dương vụt sáng cuối chiều, Mai Diễm Phương nguyện cháy hết mình với tình yêu, với âm nhạc đến tận cuối đời. Cho đến giờ phút cuối cùng, cô vẫn không ngừng quyến luyến: “Điều hy vọng của tôi là mỗi khi nhìn ngắm những ngôi sao trên bầu trời, mọi người sẽ nhớ đến tên tôi”.
Lan Anh