Các trường tổng vệ sinh phòng bệnh
Dự buổi tập huấn nói trên, chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng nói, chị khá lo lắng khi dịch tay chân miệng có diễn biến phức tạp bởi nhà chị có rất đông trẻ nhỏ. Sau khi được tập huấn, chị biết rằng mình cần làm vệ sinh và giữ thông thoáng nhà cửa đồng thời bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho con.
|
Giáo viên Trường mầm non Măng Non III (quận 10, TPHCM) hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi chơi - Ảnh: Trang Thư |
Trước đó, trong tháng 7/2023, Trường mầm non Con Mèo Vàng có 4 ca mắc bệnh tay chân miệng. Mỗi sáng, các giáo viên, bảo mẫu tăng cường kiểm tra tại cổng, nếu thấy dấu hiệu bất thường ở trẻ thì yêu cầu phụ huynh cho con về. Trong quá trình dạy, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, giáo viên cũng gọi phụ huynh đến đưa con về, đồng thời khử khuẩn phòng học.
Trường mầm non Măng Non III (quận 10) cũng vừa trang bị thêm 2 trụ rửa tay tự động để phục vụ cho trẻ. Từ tháng 8/2023, khi dịch tay chân miệng bắt đầu lan rộng, các giáo viên của trường làm vệ sinh cuối ngày bằng nước tẩy chuyên dụng thay cho nước lau sàn thông thường, đồng thời ngâm rửa đồ chơi của trẻ mỗi ngày. Khi có ca bệnh, giáo viên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng và đưa ngay trẻ đến phòng cách ly và nhân viên phục vụ sẽ tổng vệ sinh, khử khuẩn lớp học. Khi phòng đã thông thoáng, trẻ mới được trở về lớp.
Bà Nguyễn Thị Phương Linh - Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non III - nói: “Nếu lớp có ca bệnh thứ hai, tức là đã xuất hiện ổ dịch, trường phải duy trì việc tổng vệ sinh, khử khuẩn toàn trường trong 14 ngày theo đúng quy định và chắc chắn phải khử khuẩn lớp học trong 14 ngày liên tục kể từ ngày phát hiện ca đầu tiên”.
Ngay trong kỳ nghỉ hè, Ban giám hiệu Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã ký hợp đồng thuê một công ty cắt tỉa cây, tổng vệ sinh toàn trường, đồng thời cắt cử người trực ở khu vực nhà vệ sinh để giữ khô, thoáng, sạch sẽ, để học sinh an toàn khi nhập học.
|
Một bệnh nhi đang được bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám bệnh tay chân miệng - Ảnh: Phạm An |
Bà Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, trường vẫn duy trì 10 máy sát khuẩn tự động để học sinh rửa tay và đo nhiệt độ từ cổng trường, đồng thời cho hoạt động lại hệ thống rửa tay sát khuẩn trên các hành lang. Ngoài việc nhắc nhở học sinh rửa tay thường xuyên, giáo viên cũng nhắc trẻ không dùng chung đồ dùng cá nhân.
Bà Trần Thị Lợi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Văn Bền (huyện Nhà Bè) - cũng cho biết, nhà trường đã bố trí 70 vòi rửa tay trong khuôn viên trường. Trước khi bước vào năm học mới, trường đã thuê người cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp các khu vực đọng nước và phối hợp với trung tâm y tế huyện xịt khuẩn, diệt muỗi.
Năm học 2023-2024, trường có tổng cộng 1.261 học sinh với khoảng 80% học sinh bán trú. Do đó, công tác vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm phải được chú trọng. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ bàn chải, kem đánh răng, xà bông rửa tay cho học sinh.
Dự báo số ca bệnh sẽ tăng
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, số bệnh nhi tay chân miệng điều trị nội trú đang giảm nhẹ nhưng số ca mắc sốt xuất huyết lại tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm - Thần kinh của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhi. Dù chưa ghi nhận trường hợp quá nặng nhưng đã có trẻ sốt rất cao, sốc sốt xuất huyết khi được đưa đến.
|
Phụ huynh Trường mầm non Con Mèo Vàng (quận 10) tìm hiểu về các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng - Ảnh: Trang Thư |
Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang điều trị cho hơn 40 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, số ca nhập viện giảm so với tuần trước. Tuy nhiên, vẫn còn trẻ bị bệnh nặng độ 2B trở lên, có biến chứng phức tạp. Đa số bị bệnh tay chân miệng nặng là trẻ dưới 3 tuổi. Số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng, trong đó có cả trẻ 14-15 tuổi và có vài trường hợp trẻ mắc cùng lúc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.
Bác sĩ Trần Ngọc Lưu (Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết, khoa đang điều trị cho 14 trẻ mắc sốt xuất huyết. Dù số ca mắc và ca nặng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đã có ca nặng, vào giai đoạn sốc, thất thoát huyết tương nhiều. Mỗi ngày, đều có trẻ mắc sốt xuất huyết nặng cần truyền dịch, theo dõi sát. Sắp tới, khi trẻ quay lại trường học, số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng lên.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu, cao điểm của bệnh tay chân miệng là từ tháng Chín đến tháng Mười một hằng năm. Riêng năm nay, từ tháng Năm, bệnh đã xuất hiện, diễn tiến phức tạp và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Vào mùa tựu trường, khả năng bệnh tay chân miệng sẽ bước vào cao điểm bởi bệnh lây chủ yếu qua 2 đường, gồm tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn, dịch tiết từ bóng nước có mang vi rút; gián tiếp qua bề mặt tiếp xúc như sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ học tập có chứa vi rút gây bệnh.
Vì vậy, để phòng ngừa dịch tay chân miệng ở trường, nhất là các trường mầm non, nhà trẻ, giáo viên nên thường xuyên vệ sinh dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn lớp học; nhắc nhở các bé rửa tay thật sạch; chuẩn bị sẵn dụng cụ và dung dịch sát khuẩn cho bé.
“Nếu bé bị ho, hắt hơi, giáo viên hướng dẫn bé dùng khăn giấy riêng, sau đó bỏ giấy vào sọt rác có nắp đậy để hạn chế lây lan cho các bé khác. Trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ nhiễm bệnh, thầy cô cần báo với phụ huynh đưa đi khám bệnh” - bác sĩ Trần Ngọc Lưu tư vấn.
Ông lưu ý thêm, TPHCM và các tỉnh phía Nam đang trong mùa mưa, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển làm lây lan bệnh sốt xuất huyết. Do đó, các trường, gia đình cần tích cực phòng ngừa bệnh này. Phụ huynh nên chuẩn bị cho trẻ dung dịch, kem bôi chống muỗi, áo dài tay để hạn chế bị muỗi đốt. Khi trẻ ngủ trong trường, nhà trường nên mắc mùng cho trẻ ngủ. Các trường và gia đình cần phát hoang bụi rậm để phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi, dọn dẹp ao tù, nước đọng để hạn chế muỗi sinh sôi. Nếu nghi trẻ mắc sốt xuất huyết, nhà trường cần báo ngay cho phụ huynh để đưa trẻ đi khám.
Hà Nội tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các trường học Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết, liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn để chuẩn bị đón năm học mới, sở đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, bảo đảm khung cảnh nhà trường xanh - sạch - đẹp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, ngăn ngừa các tai nạn đau lòng từng xảy ra các năm học trước, sở yêu cầu các trường cần triển khai giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học; rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, hệ thống điện, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước… đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và nhà giáo. Về bếp ăn tập thể, các trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ các điều kiện an toàn thực phẩm; tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố. Sau khi kết thúc lễ khai giảng vào ngày 5/9, căn cứ tình hình thực tiễn, các trường chủ động tổ chức sinh hoạt đầu năm học với các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. |
Số ca sốt xuất huyết tăng Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tuần qua, toàn thành phố có 1.869 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm khoảng 10% so với tuần trước; các quận, huyện có số ca mắc cao là Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh. Cũng trong tuần qua, có 365 ca sốt xuất huyết, tăng 13,3% so với trung bình 4 tuần trước đó, trong đó quận 1, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè có số ca cao nhất. |
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách Nếu trong lớp học, cùng lúc có nhiều trẻ bị sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng thì nhà trường nên nghĩ đến việc có ổ dịch trong trường, lớp. Lúc này, nhà trường cần cách ly trẻ bệnh, trẻ lành, phun xịt sát khuẩn, vệ sinh trường, lớp và báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có hướng xử lý triệt để. Khi phát hiện con mắc bệnh, cha mẹ cũng cần thông báo với giáo viên và cho trẻ nghỉ học để điều trị. Ngoài 2 bệnh trên, các bệnh lây nhiễm như sởi, thủy đậu, quai bị cũng có thể gia tăng khi trẻ đến trường. Do đó, cha mẹ nên kiểm tra lại sổ tiêm chủng của trẻ nhằm đảm bảo trẻ đã tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Việc đeo khẩu trang thường xuyên giúp phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp và bệnh lý lây lan nhưng trẻ học mầm non, mẫu giáo thường đeo khẩu trang không đúng cách hoặc tháo ra khi cảm thấy ngộp thở, khó chịu. Do đó, giáo viên, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, đúng cách để hạn chế các mầm bệnh lây lan qua đường tiêu hóa và hô hấp. Bác sĩ Trần Ngọc Lưu (Bệnh viện Nhi Đồng 2) |
Phòng ngừa tay chân miệng, sốt xuất huyết cùng lúc Nhà trường và gia đình nên phòng ngừa cùng lúc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cho trẻ. Trong đó, mỗi người, mỗi nhà phải chủ động dọn dẹp các vật dụng chứa nước không cần thiết, tránh để ao tù, nước đọng, truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh; khi phát hiện các điểm có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, cần báo ngay cho y tế địa phương để xử lý. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ nghỉ học từ 7-10 ngày. Cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám bệnh để được bác sĩ chẩn đoán, hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ. Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ; ngâm quần áo, khăn, vật dụng của trẻ vào dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% trước khi giặt bằng xà phòng; tráng đồ dùng cá nhân của trẻ như bình sữa, chén, muỗng ăn cơm qua nước sôi trước khi rửa. Không cho trẻ dùng chung đồ. Nên dùng dung dịch khử khuẩn để lau sàn nhà, cầu thang hay các vật dụng khác. Cho trẻ ăn các món mà chúng yêu thích nhằm bổ sung dinh dưỡng. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng cho dễ tiêu hóa, như xúp, cháo, sữa; cho trẻ ăn lạt nhằm hạn chế gây đau, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn; hạn chế dùng gia vị. Sau khi pha chế thức ăn, cha mẹ có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh, thức ăn mát sẽ không gây kích ứng các vết loét, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Cha mẹ cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau cho trẻ, cũng như theo dõi các triệu chứng và cho trẻ nhập viện ngay khi có dấu hiệu trở nặng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Cố vấn chuyên môn, Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Phạm An - Trang Thư