Tích cực chuyển đổi số để bệnh nhân đỡ nhọc, phiền

16/08/2023 - 05:53

PNO - Đến nay, nhiều bệnh viện ở TP Hà Nội vẫn chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để quản lý hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc… khiến bệnh nhân phải xếp hàng rồng rắn chầu chực, dỏng tai nghe gọi tên mình. Có bệnh viện không chấp nhận thanh toán bằng hình thức nào khác ngoài đưa tiền mặt.

 

Ứng dụng 4.0 giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP Hà Nội) ẢNH: HUYỀN ANH
Ứng dụng 4.0 giúp rút ngắn thời gian khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP Hà Nội) - Ảnh: Huyền Anh

Mệt mỏi vì chờ đợi

Mắc bệnh tự miễn mạn tính, 2 năm nay, tháng nào, bà P.T.K. (70 tuổi) cũng phải tới Bệnh viện Bạch Mai để lấy thuốc theo bảo hiểm y tế. Do nhà ở xa, mỗi lần đi khám, bà phải đi từ lúc 4g và có mặt ở bệnh viện lúc gần 5g sáng. Lúc này, đã có cả trăm người đứng trước cổng chờ bảo vệ mở cửa để đổ về khu vực khám bệnh của mình. 

Dù luôn có mặt sớm nhưng sau khi đưa giấy hẹn, nhận phiếu, bà K. thường nhận phiếu có số thứ tự trên 10. Sau khi lấy số thứ tự, bà K. cùng các bệnh nhân khác phải xếp hàng dài chờ đợi: chờ được bác sĩ khám, chờ lấy máu, chờ kết quả xét nghiệm, chờ phát thuốc… Khu vực nào cũng đông người chờ. Những hàng ghế ở bệnh viện luôn chật kín khiến nhiều người không có chỗ để ngồi. 

Thông thường, với số phiếu từ 12 đến 15, bà K. sẽ kết thúc việc khám bệnh vào khoảng 10g đến 10g30. Thế nhưng, gặp lúc máy tính của bệnh viện trục trặc, bà phải chờ lâu hơn. Bà K. kể: “Có lần, tôi đã khám và xét nghiệm xong nhưng khi làm thủ tục lưu hồ sơ, thanh toán thì máy tính hỏng cả tiếng đồng hồ. May mà tôi cũng lấy được thuốc trước khi nhân viên bệnh viện hết ca làm việc buổi sáng. Máy tính của bệnh viện thường xuyên bị đơ, rất chậm chạp”. 

Theo bà K., chỉ riêng việc xếp hàng chờ lấy thuốc cũng mất từ 35-40 phút. May là khu vực này có loa để bệnh nhân nghe được nhân viên nhà thuốc gọi tên mình. Bà kể: “Năm ngoái, tôi khám ở khu vực dịch vụ, nhà thuốc ở cạnh đó còn không có loa thông báo. Mọi người phải xúm xít, chen lấn nhau để cố tới gần nghe cho rõ. Cảnh tượng rất hỗn loạn”. Bà nói, cứ tới ngày đi lấy thuốc là bà lại thấy ngán ngẩm, mệt mỏi.

Nhân viên Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) túc trực ở ki ốt thông minh để hướng dẫn bệnh nhân đăng ký khám bệnh, lấy số thứ tự - ẢNH: PHẠM AN
Nhân viên Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) túc trực ở ki ốt thông minh để hướng dẫn bệnh nhân đăng ký khám bệnh, lấy số thứ tự - Ảnh: Phạm An

Bắt xe đi đến cơ sở Tân Triều (tỉnh Quảng Ninh) của Bệnh viện K từ lúc tờ mờ sáng, chị N.T.S. (28 tuổi) thấy có hàng trăm người xếp hàng chật cứng ở khu khám dịch vụ dù chỉ mới hơn 5g. Sau khi xếp hàng đăng ký, chị lại “sốc” hơn khi ở khu đóng tiền tạm ứng, nhân viên thông báo không có dịch vụ thanh toán bằng quẹt thẻ hay quét mã QR. Do không mang đủ tiền mặt, cũng không mang thẻ để tìm cây ATM rút tiền, chị đành chạy đi mua đồ, chuyển khoản cho cửa hàng để lấy tiền mặt đóng viện phí.

Khi quay lại, chị S. mất thêm nửa giờ xếp hàng chờ đến lượt đóng tiền. Chị S. băn khoăn: “Thời đại 4.0 mà sao bệnh viện vẫn không triển khai ứng dụng để thanh toán không dùng tiền mặt? Mang tiền tới những khu vực đông đúc như vậy rất dễ bị móc túi, đánh rơi”.

Không thể giảm tải, nếu…

Cũng mắc bệnh mạn tính nhưng việc đi khám bằng thẻ bảo hiểm y tế của ông N.V.T. (65 tuổi) lại nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ông T. mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Hằng tháng, ông đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám theo lịch hẹn trước với ngày, giờ cụ thể. Bệnh nhân chỉ cần đến trước 15 phút so với giờ hẹn. 

Quy trình từ khi khám tới khi lãnh thuốc chỉ mất 25 phút. Khi đến bệnh viện, ông đăng ký khám bằng Face ID hoặc căn cước công dân gắn chip, chỉ mất 1 phút. Nếu phải làm thêm xét nghiệm khác, ông mất thêm hơn 1 giờ và kết quả sẽ được gửi bằng tin nhắn điện thoại và bác sĩ sẽ cập nhật vào phần mềm quản lý bệnh viện (HIS). 

Thanh toán buộc dùng tiền mặt tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (TP Hà Nội) - ẢNH: HUYỀN ANH
Thanh toán buộc dùng tiền mặt tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều (TP Hà Nội) - Ảnh: Huyền Anh

Bệnh viện gọi đây là mô hình khám bệnh “khoang máy bay”. Bệnh nhân có lịch hẹn trước như cách đặt vé máy bay theo nhu cầu và thực tế của khoa, phòng. Tại bệnh viện, mọi thông tin của người bệnh đã được cập nhật cho bác sĩ nên không có cảnh xếp hàng, lấy số. Theo lịch hẹn, bệnh nhân vào gặp thẳng bác sĩ. Khi bệnh nhân được chỉ định đơn thuốc, hệ thống phần mềm từ máy tính của bác sĩ sẽ kết nối thẳng tới quầy thuốc của bệnh viện. Quãng thời gian bệnh nhân di chuyển từ phòng khám tới nhà thuốc, nhân viên nhà thuốc đã chuẩn bị sẵn thuốc theo đơn và khi tới nơi, bệnh nhân đã có thuốc.

Ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho biết, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.700-2.000 bệnh nhân đến khám, gần 900 giường nội trú hầu như luôn kín chỗ. Trước đây, khi chưa ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động khám chữa bệnh, tình trạng quá tải thường xảy ra, đặc biệt là đầu giờ sáng, đầu tuần ở khu khám bệnh, quầy thuốc và khu vực thanh toán. Từ khi áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dù số nhân sự không đổi, số bệnh nhân liên tục tăng, bệnh viện cũng không bị quá tải.

Việc đặt lịch hẹn giúp cân đối lượng bệnh nhân khám trong cả ngày, tránh dồn cục vào buổi sáng. Các ứng dụng khác cũng giúp giảm từng công đoạn, thủ tục khi bệnh nhân nhập viện. Theo ước tính, nếu xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm, điện tâm đồ, nội soi… 1 bệnh nhân khám vào buổi sáng mất tổng cộng 1,5 giờ thay vì hơn 3 giờ như trước, thời gian cấp phát thuốc cũng giảm từ 12 phút xuống còn hơn 1 phút. 

Ông Nguyễn Văn Thường khẳng định: “Để phục vụ tốt cho bệnh nhân, bệnh viện buộc phải chuyển đổi số. Không ứng dụng công nghệ, không thể giảm tình trạng ùn ứ bệnh nhân ở khâu khám bệnh, phát thuốc”. 
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung của ngành y tế hiện nay, có thể thấy, việc chuyển đổi số đang rất chậm chạp. Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/1/2019 yêu cầu 100% bệnh viện phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng, dịch vụ trung gian để thu viện phí bằng phương thức không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ và hoàn thành trước tháng 12/2019. Thế nhưng đến nay, chưa nhiều bệnh viện thực hiện yêu cầu này.

Cuối tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký ban hành chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số. Chỉ khi lãnh đạo các cơ sở y tế có quyết tâm cao, việc chuyển đổi số mới chuyển biến nhanh chóng, tích cực.

Cần thêm thời gian và kinh phí để chuyển đổi số

Để thực hiện tốt mô hình y tế thông minh, cần có thêm thời gian nhằm cải thiện, nâng cấp thiết bị và hình thành thói quen cho người dân. Từ 10 năm nay, bệnh viện đã dần chuyển sang quản lý việc khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin thay cho thủ công, tạo thuận lợi cho cả bệnh nhân lẫn nhân viên y tế.

Cụ thể, về ngoại trú, bệnh viện triển khai lấy số thứ tự tự động, thanh toán không dùng tiền mặt, kê đơn, phát thuốc trên phần mềm máy tính. Về nội trú, bệnh viện cũng tiến tới bệnh án điện tử, xây dựng phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở để điều chuyển bệnh nhân, phần mềm duyệt thuốc trực tuyến, phần mềm giám sát sử dụng kháng sinh, phần mềm quản lý bệnh viện, cấp phát thuốc tại khoa dược, phần mềm giám sát kho thuốc thông minh…

Một trong những khó khăn là tìm đội ngũ công nghệ thông tin thạo nghề vào làm cho bệnh viện. Hiện nay, bệnh viện vẫn phải sử dụng nhân viên tại chỗ để viết các ứng dụng (app) cần thiết hoặc quản lý hệ thống máy chủ.

Để chuyển đổi số triệt để, các bệnh viện cần có kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, như trang bị hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ, công suất lớn. Còn nếu chỉ bổ sung một số máy móc, thiết bị thì chúng lại đan xen cũ, mới, khó đồng bộ. Đa số phần mềm dùng cho các bệnh viện hiện nay là do các công ty phần mềm làm, nhưng người viết phần mềm lại không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực y tế. Thời gian thực hiện các dự án đầu tư công nghệ thông tin cũng kéo dài do thủ tục phức tạp.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 
Phan An (ghi)

Chỉ cần ấn ngón tay khi đăng ký khám 

Từ khi Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) áp dụng việc dùng dấu vân tay để đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh không còn phải dậy sớm để đến bệnh viện xếp hàng chầu chực. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh - 40 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TPHCM - cho biết, chị đăng ký khám bảo hiểm y tế bằng dấu vân tay 2 năm nay. Nhờ “ký gửi” dấu vân tay ở Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, mỗi lần đến khám, chị chỉ cần chạm vân tay vào máy, chờ xác nhận tên tuổi, mã số bảo hiểm y tế, sau đó chọn phòng khám và được máy tự động in số thứ tự. Sau đó, chị chỉ cần nhìn bảng số điện tử trên phòng khám, tự tính toán thời gian để vào khám. 

Chị Hạnh kể: “Trước khi có hệ thống này, tôi ngại đi khám bệnh lắm. Nhà tôi ở gần bệnh viện nhưng 5g đã phải tới nơi để chờ lấy số thứ tự, chờ hơn 1 giờ mới có số. Việc thanh toán trực tuyến, lấy số thứ tự bằng dấu vân tay giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, không lo bị móc túi, không lo người ta bốc giùm số cho người nhà”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho hay, đến nay, đã có hơn 20.000 người đăng ký khám bảo hiểm y tế bằng dấu vân tay. Việc ấn ngón tay khi đăng ký khám giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian chờ đợi, giúp nhân viên y tế nhanh chóng xác định loại thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh (thuộc đối tượng ưu tiên hay không), nắm được lịch sử các lần khám. 

 Phạm An

Vẫn còn những trở ngại khi số hóa

Ở TPHCM, nhiều bệnh viện đã áp dụng khoa học công nghệ để tạo sự thuận tiện cho bệnh nhân, như thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký khám, chữa bệnh bằng dấu vân tay, gửi kết quả khám qua tin nhắn điện thoại. Nhưng, vẫn có tình trạng bệnh nhân lúng túng với các tiện ích mới, vẫn quen với cách làm thủ công.

Nhiều năm qua, Bệnh viện Thống Nhất đã xây dựng các ki ốt thông minh để đăng ký khám, chữa bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân tới khám là người cao tuổi, vẫn giữ thói quen trả tiền mặt hoặc lúng túng khi thao tác ở các ki ốt này. Do vậy, ở mỗi ki ốt, đều có nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn bệnh nhân cách thao tác.

Nhưng, vẫn còn một số bệnh nhân không có tài khoản ngân hàng để thanh toán hoặc chỉ yên tâm khi trả tiền mặt dù phải xếp hàng đợi số thứ tự. Ông N.V.L. - 87 tuổi, ở quận 10 - nói: “Mắt tôi kém, không đọc được chữ trên máy, trí nhớ cũng sa sút nên đã được nhân viên bệnh viện hướng dẫn nhiều lần nhưng chịu, không làm được”.

Ki ốt đăng ký khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng luôn có 1-2 nhân viên trực, hướng dẫn nhưng lâu lâu mới có người đến dùng. Theo nhân viên, chỉ cần nhập thông tin, quét mã trên sổ khám là có số thứ tự và đi thẳng vào khoa khám bệnh. Khi mới mở ki ốt, có khá đông người dùng nhưng nay lại ít. Chị Nguyễn Thị Hồng - nhà ở huyện Hóc Môn - lý giải: “Ban đầu, tôi thấy việc đăng ký khám ở ki ốt rất tiện, có số thứ tự nhanh, không cần xếp hàng, chờ đợi. Nhưng gần đây, máy hay trục trặc, đang làm vài thao tác thì máy tự thoát, phải nhập lại từ đầu hoặc máy chạy rất chậm. Do đó, tôi trở lại đăng ký theo cách thông thường cho lẹ”.

 An Khuê

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI