PNO - Kết quả các đợt khảo sát về sức khỏe tâm thần trong nhân viên y tế cho thấy, hầu hết nhân viên trong bệnh viện luôn cảm thấy áp lực, căng thẳng do khối lượng công việc quá nhiều.
Hơn 16g, các điều dưỡng, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tan ca trực đã rủ nhau đến hội trường để tập yoga, aerobic. Tại khu vực nhảy aerobic, hơn 10 nhân viên y tế tập luyện sôi động, đầy năng lượng với các bài nhạc vui nhộn. Huấn luyện viên liên tục bắt nhịp để các động tác đều đặn hơn. Sau mỗi bài tập, mọi người cùng nhau trao đổi, tiếng cười đùa sôi nổi quên đi bao mệt mỏi của một ngày làm việc căng thẳng.
Y, bác sĩ xả stress tại phòng thư giãn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM
Ở chỗ tập yoga, hơn 30 y, bác sĩ sau khi thực hiện xong 10 phút nằm thư giãn thì bắt đầu bài hít thở cơ bản theo nhịp đếm của người hướng dẫn. Không gian tĩnh lặng, tập trung vào hơi thở, giúp người tập lắng nghe cơ thể mình, thư thái trong tâm hồn, nâng cao sự dẻo dai, cải thiện các cơn đau cổ vai gáy, căng cơ…
Sau hơn 1 giờ đồng hồ tập luyện, gần như ai cũng cảm giác nhẹ nhàng, bổ sung năng lượng mới. Là thành viên nam duy nhất của lớp yoga, anh Châu Đức Duy - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, đa phần công việc của anh là làm về hành chính, phải ngồi nhiều nên khi vừa tan ca, cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi. Nhất là mỗi khi bị đau cổ vai gáy, cả ngày rất khó chịu, không thể tập trung làm việc. “Vì vậy, khi nghe có lớp học yoga, tôi tìm hiểu và vào tập ngay. Đến nay, việc tập luyện đã duy trì được 3 tháng, các cơ, khớp của tôi không còn cảm giác căng cứng, hầu như tôi không còn bị đau cổ vai gáy nữa. Tinh thần thoải mái, vui vẻ, lại được tiếp xúc với nhiều anh chị ở các khoa khác. Hy vọng lớp học sẽ được duy trì lâu dài để mọi người có nơi giải tỏa căng thẳng” - anh Duy chia sẻ.
Vừa vào phòng thư giãn của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, một chị điều dưỡng liền pha ly cà phê, bỏ thêm chút đá, lắc đều, rồi đến kệ sách, lật lại cuốn sách đang đọc dở. Thả người trên ghế lười, chị nhấp ngụm cà phê, lật từng trang sách trong từng điệu nhạc du dương, nhẹ nhàng.
Ở khu vực chung, các bác sĩ, nhân viên có thể thưởng thức cà phê sữa, trao đổi về chuyên môn, hoặc tham gia các hoạt động thể chất như phóng phi tiêu, đấm bốc, đi bộ trên máy tập thể dục… Ở đây, mọi nhân viên của bệnh viện đều có thể đến nghỉ ngơi sau giờ làm việc căng thẳng.
Ngoài ra, mọi người cũng có thể vào khu vực bên trong chơi đánh bóng bàn, cầu lông… “Ban đầu ai cũng nghĩ giờ nghỉ trưa ngắn, chơi bóng bàn sẽ càng mệt hơn. Tuy nhiên, mỗi ván đấu kéo dài chỉ 15 phút, qua vài lượt chơi, tinh thần sảng khoái, quên hết mệt nhọc trước đó” - một nhân viên phòng tài chính kế toán của bệnh viện chia sẻ.
Nâng cao thể chất, tinh thần cho nhân viên y tế
Theo Ban giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, kết quả các đợt khảo sát về sức khỏe tâm thần trong nhân viên y tế cho thấy hầu hết nhân viên trong bệnh viện luôn cảm thấy áp lực, căng thẳng do khối lượng công việc quá nhiều. Sự mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần khiến hiệu quả công việc khó đảm bảo, các y, bác sĩ mong muốn có nơi để xả stress, nghỉ ngơi, hồi phục tinh thần sau thời gian làm việc căng thẳng.
Sau khi nghiên cứu các phương pháp chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho nhân viên, bệnh viện đã xây dựng và đưa phòng thư giãn vào hoạt động. Phòng thư giãn được chia làm nhiều khu vực. Ở khu vực riêng, phòng được lắp máy lạnh, có ghế lười, các kệ sách, truyện, âm nhạc…, trang trí màu xanh làm chủ đạo mang đến cảm giác thư thả. Còn tại khu vực sinh hoạt chung, các y, bác sĩ có thể cùng nhau đánh cờ, bóng bàn, phóng phi tiêu… hoặc uống cà phê, trò chuyện, chia sẻ để thư giãn đầu óc. Tại đây, tất cả nhân viên đều tự phục vụ, có ý thức giữ vệ sinh chứ không để các chị lao công phải làm việc. Khi đã đến đây, ai cũng được thư giãn, nghỉ ngơi như nhau.
Theo thạc sĩ Phạm Lâm Lạc Thư - Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nhi Đồng 2 - nhiều năm nay, ngoài hiệu quả công việc, việc nâng cao đời sống, sức khỏe nhân viên y tế là rất quan trọng. Điều này giúp cho y, bác sĩ làm việc hiệu quả, chính xác hơn. Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, bệnh viện đã tổ chức các lớp aerobic, võ thuật, cầu lông… cho mọi người tham gia. “Sau dịch, chúng tôi nhận thấy hiệu quả rõ rệt của các hoạt động này. Với mong muốn của các y, bác sĩ, công đoàn tiếp tục mở thêm lớp yoga. Hiện tại, lớp yoga còn được tăng cường vào giờ nghỉ trưa để nhân viên y tế, nhất là các bác sĩ vào ca trực, có thể thay phiên lên lớp đều đặn hơn” - thạc sĩ Phạm Lâm Lạc Thư cho hay.
Tuy công đoàn thuê huấn luyện viên đến dạy cho nhân viên y tế nhưng mọi người đến tập luyện đều được miễn phí. Các nhân viên lớn tuổi sau một thời gian tập yoga không chỉ giảm căng thẳng mà các bệnh liên quan đến đốt sống, tĩnh mạch, cổ vai gáy… đã được cải thiện rõ. Vì vậy, lớp yoga ngày càng được hưởng ứng, trung bình mỗi buổi tập có hơn 30 người tham gia. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức các hoạt động đi bộ, đá banh, đánh cầu lông, thi nấu ăn… giúp nhân viên các khoa phòng giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM… việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế cũng đã và đang được tích cực thực hiện, đặc biệt giai đoạn sau dịch COVID-19.
Sẽ khảo sát sức khỏe toàn bộ nhân viên y tế làm cơ sở để chăm sóc
Sở Y tế TPHCM cho biết, theo các nghiên cứu, y, bác sĩ có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác.
Sở Y tế TPHCM đã ký biên bản ghi nhớ với Tổ chức Family Health International (FHI 360) phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn thành phố. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - ngành y tế thành phố sẽ khảo sát về sức khỏe tâm thần trong nhân viên y tế. Đồng thời triển khai có hiệu quả công tác sàng lọc, phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho nhân viên, người lao động trong ngành y tế. Đây cũng nhằm góp phần quan trọng giúp đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Bên cạnh phát triển tổng đài tư vấn, các bệnh viện thiết lập phòng nghỉ ngơi nhằm cung cấp không gian cho y, bác sĩ giải tỏa căng thẳng. Mỗi bệnh viện cần có 1 nhân sự phối hợp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế. Nhân sự này phải được đào tạo, tập huấn về nhận biết, đánh giá sàng lọc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên tại đơn vị.
Sau COVID-19, nhiều nhân viên y tế gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần
Tại thời điểm tháng 10/2021, kết quả khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương trên 466 nhân viên cho thấy, tỉ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%; lo âu là 42,9% và stress là 17,6%. Trong đó, hơn 57% nhân viên bệnh viện đã trải qua nhiều biến cố là vì phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì COVID-19; hơn 53% nhân viên cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; hơn 70% nhân viên cho biết người thân mất việc làm…
Từ tháng 4 đến tháng 8/2022, một nghiên cứu được tiến hành ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại TPHCM trên 638 nhân viên y tế (từ 21-63 tuổi) cho thấy có khoảng 43,1% nhân viên y tế bị lo âu mức độ từ vừa đến rất nặng; 31,6% trầm cảm, và stress là 18,1%.