Bão số 3 có tên quốc tế là Yagi đã tàn phá kinh hoàng các tỉnh miền Bắc. Sau bão lại đến lũ kéo theo sạt lở, ngập úng gây thêm nhiều tai họa cho người và của của đồng bào và làm trở ngại cho nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão.
Nhiều tỉnh thành cả nước không chịu thiệt hại đang gửi lực lượng chức năng như công nhân các công viên cây xanh, cấp nước, điện lực… và cả lực lượng tình nguyện lên đường chi viện cho Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác. Bà con các nơi không bị thiên tai đã nhanh chóng gửi ra Bắc tiền, thực phẩm, vật dụng…cần thiết đến đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ.
Từ nghĩa cử của một vị giáo sư đáng kính đến tấm lòng của các em nhỏ ngồi dán lời yêu thương, động viên lên những hộp chà bông, muối mè….để gửi ra Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Lào Cai…cho thấy đồng bào cả nước đau đáu nhìn ra Bắc mong bà con những nơi ấy sớm vượt qua kiếp nạn.
|
Làng Nủ (Lào Cai) bị sạt lở vùi lấp sau cơn bão số 3 |
Trước đây ở miền Nam năm nào cũng bị lũ lụt. Năm nào đồng bào vùng lũ cũng đón nhận được tấm lòng hảo tâm của bà con mọi miền. Chính quyền, nhân dân cả nước không chỉ cứu trợ hằng năm mà còn lo nghĩ đến cách người Tây Nam bộ thoát khỏi nạn lũ lụt. Dù xa xưa người dân đồng bằng sông Cửu Long có cách sinh sống, gieo trồng thuận theo lũ như cất nhà sàn, di dời lên chỗ cao (nhiều nơi dọn hẳn ra nhà cất tạm ven đường) trồng lúa một vụ với giống dài ngày lớn, vượt lên theo mực nước... Nhưng rồi dân cư đông, nông dân trồng lúa ngắn ngày, trồng cây lâu năm. Những năm lũ lớn lại mất trắng. Để chống chọi với lũ nhà nước có chủ trương xây dựng khu dân cư vượt lũ, đắp bờ bao, đào kênh thoát lũ ra biển Tây, cơ cấu lại mùa vụ, kể cả vừa trồng lúa vừa nuôi tôm. “Sống chung với lũ” trở thành hiện thực.
Khi đầu nguồn đắp đập làm thủy điện, nông dân đồng bằng Tây Nam bộ lại trông ngóng lũ về và lại phải chịu đựng tai họa của những năm hạn mặn xâm nhập sâu. Bước đầu họ đã có biện pháp đắp đập ngăn mặn, ghi nhận độ mặn để chủ động lấy nước, tích nước, thay đổi giống lúa chịu được hạn mặn. Bài học sống chung với biến động khí hậu, linh động hạn chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã và đang được nông dân cả miền đồng bằng Tây Nam bộ bổ sung vào kinh nghiệm từng năm.
Các tỉnh miền Bắc, không chỉ bị tác động nặng nề của cơn bão số 3 năm nay mà hàng năm dù bão không lớn nhưng mọi người đều nghe tin những thiệt hại về người và của vì sạt lở đất, vì lũ ống, lũ quét. Có lẽ đã đến lúc phải tìm ra giải pháp hạn chế những thảm họa do thiên tai gây ra đó. Nguyên nhân sâu xa chắc là do rừng già bị tàn phá.
Dẫu biết vậy nhưng khó khôi phục lại được rừng nguyên sinh. Khi bà con làm nhà, canh tác trong những khu vực có nguy cơ sạt lở, nguy cơ bị lũ ống, lũ quét họ đều biết rõ mức độ nguy hiểm, nhưng họ không thể dễ dàng tìm ra nơi ở khác an toàn hơn. Chính vì vậy, thiết nghĩ chúng ta cần có một chiến lược quốc gia “sống chung với sạt lở, lũ ống, lũ quét” tương tự như chiến lược “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tất nhiên điều đó rất khó khăn, khó khăn có thể gấp trăm lần so với đối phó với mùa lũ ở Nam Bộ. Nhưng không thể để mãi tiếp tục xảy ra những thảm họa như xe bị đất vùi khi đường sạt ta luy, xe đâm đầu xuống sông khi cầu bị sập do lũ, xóm làng tan hoang thành đống đổ nát sau vụ sạt lở kinh hoàng, như ở Làng Nủ vùi lấp gần 100 nạn nhân xấu số. Không thể để tiếp tục xảy ra tắc nghẽn giao thông, khi mà lực lượng cứu hộ cần đi đến những làng, xã nơi bị thiệt hại do thiên tai thì lại chờ dọn đất đá để thông đường.
Do đó, xây dựng chiến lược “Sống chung được với sạt lở, lũ ống lũ quét” cần hơn bao giờ hết.
Nguyễn Huỳnh Đạt