Tỉ lệ tiêm phòng thấp khiến bệnh bạch hầu trở lại

10/07/2024 - 05:52

PNO - Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước nguy cơ bệnh bạch hầu bùng phát trở lại.

Nỗi lo này xuất phát từ thông tin nữ sinh 18 tuổi (tỉnh Nghệ An) tử vong do bạch hầu. Lực lượng chức năng của tỉnh đã tiến hành điều tra, xác định có 119 người tiếp xúc gần với bệnh nhân từ khi bệnh khởi phát đến tử vong. Đáng lưu ý, một trường hợp tiếp xúc gần với nữ sinh, hiện sinh sống tại tỉnh Bắc Giang cũng đã phát hiện dương tính với vi khuẩn gây bệnh.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến các biến chứng gây tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao.

Trẻ em ở Hà Nội tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Trẻ em ở Hà Nội tiêm chủng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Trước đây, bạch hầu xuất hiện phổ biến ở các vùng trên cả nước song với việc đưa vắc xin phòng bệnh này vào chương trình tiêm chủng mở rộng, số lượng ca mắc giảm đi rất nhiều. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tính đến năm 2012, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bạch hầu với tỉ lệ xuống dưới 0,01/100.000 dân. Đặc biệt, vào năm 2021, cả nước chỉ có 6 ca bệnh, năm 2022 có 2 ca bệnh. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, số ca mắc bạch hầu gia tăng. Cả năm 2023, Việt Nam ghi nhận 58 ca bạch hầu, cao hơn chỉ tiêu đặt ra là số ca mắc ở dưới mức 0,05/100.000 dân. Từ đầu năm 2024 tới nay, các địa phương ghi nhận tổng số 5 ca mắc.

Lý giải điều này, theo ông Trần Đắc Phu là do tỉ lệ tiêm chủng giảm bởi chịu tác động của dịch COVID-19, khiến nhiều trường hợp không tiêm vắc xin đủ liều. Bên cạnh đó, vừa qua, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng có tình trạng thiếu vắc xin cục bộ đã tạo ra các “vùng trũng” miễn dịch. Trong khi nhiều bà mẹ ở thành phố hoặc đồng bằng cho con đi tiêm phòng theo hình thức dịch vụ thì trẻ em ở vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận. Vì vậy, bệnh bạch hầu thường xuất hiện ở các tỉnh miền núi.

Theo Quyết định ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 (10/6/2024) của Bộ Y tế, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023 chỉ đạt 55,7% (thấp hơn chỉ tiêu đặt ra là đạt từ 80% trở lên). Tổng nhu cầu vắc xin tiêm bù mũi cho đối tượng của năm 2023, nhu cầu năm 2024 và gối đầu 6 tháng đầu năm 2025 của vắc xin DPT - theo tính toán của Bộ Y tế - là hơn 4,4 triệu liều.

Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh: để phòng, chống bệnh bạch hầu, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ liều sau đó thì tiêm nhắc lại 10 năm 1 lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, dù đây là bệnh nguy hiểm nhưng người dân không nên quá lo lắng, hoang mang. Những người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu nếu không may nhiễm phải và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI