Tỉ lệ sinh con thuận tự nhiên có dấu hiệu tăng sau đại dịch COVID-19

08/06/2024 - 06:00

PNO - Thông thường, khi nói về sinh con thuận tự nhiên, mọi người thường nhấn mạnh vào những rủi ro. Nhưng khi các nhà nghiên cứu xem xét trải nghiệm sinh con thuận tự nhiên, họ hiểu thêm về mối quan tâm của phụ nữ với các dịch vụ thai sản, đặc biệt là nỗi sợ bạo lực sản khoa.

Tháng 1/2024, một bé sơ sinh ở bang Victoria, Úc được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch sau khi chào đời bằng phương pháp sinh thuận tự nhiên. Ngay lập tức, ngành y tế Úc bày tỏ lo ngại về cách sinh này.

Việc sinh con thuận tự nhiên thường diễn ra tại nhà, hoặc một địa điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình họ. Năm 2022, một trẻ sơ sinh ở thành phố Perth, Tây Úc đã tử vong sau khi bị mắc kẹt trong quá trình người mẹ chuyển dạ. Tỉ lệ sinh con tại nhà và sinh thuận tự nhiên ở Úc vẫn ở mức thấp nhưng dường như đã tăng lên đáng kể từ khi có đại dịch COVID-19 do nỗi sợ lây nhiễm chéo khi sinh ở bệnh viện và do lệnh giãn cách xã hội khiến dịch vụ hộ sinh tại nhà gặp khó khăn.

Một số phụ nữ ở Úc chọn sinh con tại nhà do từng có trải nghiệm không tốt trong lần sinh trước đó ở bệnh viện - Nguồn ảnh minh họa: Val Ely/Offset Images
Một số phụ nữ ở Úc chọn sinh con tại nhà do từng có trải nghiệm không tốt trong lần sinh trước đó ở bệnh viện - Nguồn ảnh minh họa: Val Ely/Offset Images

Theo Cơ quan Dịch vụ mang thai, sinh sản và trẻ em của chính phủ liên bang Úc, khoảng 97% ca sinh nở diễn ra ở bệnh viện. Phụ nữ chọn sinh con bên ngoài hệ thống y tế là do một số nguyên nhân như: có quan điểm khác biệt về rủi ro và sự an toàn của bệnh viện, trải nghiệm ám ảnh trong lần sinh con trước đó, khó tiếp cận nữ hộ sinh, khó trang trải chi phí tài chính cho việc chăm sóc y tế chuyên môn.

Một cuộc khảo sát do Đại học Western Sydney (Úc) thực hiện cho thấy, 1/10 số thai phụ tin rằng, họ đã hoặc có thể từng trải qua bạo lực sản khoa khi sinh, nghĩa là các chuyên gia y tế lạm dụng hành động bạo lực đối với những người mà họ chăm sóc và khiến bệnh nhân cảm thấy bị xúc phạm, bất lực hoặc bị đối xử thiếu nhân tính. Chẳng hạn, nhân viên y tế buộc sản phụ phải nằm ngửa và từ chối một số hình thức có thể giúp quá trình chuyển dạ thoải mái hơn. Trong một số trường hợp, sản phụ còn chịu các hình thức phân biệt chủng tộc, đối xử bất công.

Gemma McKenzie - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ của Hội đồng Nghiên cứu kinh tế và xã hội Anh, giảng viên Trường King's College London - nhận định: “Có nhiều lý do khiến phụ nữ chọn tự sinh con. Một số người chuyển dạ cực nhanh trong những lần mang thai trước đó nên thấy rằng việc tự sinh con ở nhà dễ dàng hơn so với đến bệnh viện. Một số người trải qua sự chăm sóc xuất sắc của nhân viên y tế nên cảm thấy tự tin vào khả năng sinh nở của mình và đã quyết định sinh con tại nhà mà không cần nữ hộ sinh. Tuy nhiên, những phụ nữ như trên thường là thiểu số. Phần lớn phụ nữ chọn sinh con thuận tự nhiên như một hình thức bảo vệ bản thân sau khi trải qua quá trình khám âm đạo, cắt tầng sinh môn (cắt đáy chậu) và vỡ ối trước đó ở bệnh viện mà không được tư vấn đầy đủ”.

Theo một nghiên cứu ở Anh vào năm 2020, 29% người tham gia khảo sát đã trải qua quá trình sinh nở đầy ám ảnh và 15% đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán về rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Đại học Sản phụ khoa hoàng gia Vương quốc Anh (RCOG) cho biết, phụ nữ nên được hỗ trợ để sinh con theo ý muốn của họ nhưng phải an toàn và các gia đình cần nhận thức được những rủi ro khi sinh con một mình.

Giáo sư Asma Khalil - Phó chủ tịch RCOG - nói: “Phụ nữ lựa chọn việc tự sinh con cần nhận thức được những thách thức tiềm ẩn và sự chậm trễ trong việc tiếp cận sự hỗ trợ y tế nếu có biến chứng, ngay cả đối với những người có nguy cơ thấp”. Cô Gemma McKenzie nói thêm: “Chính phủ cần lắng nghe những mối quan tâm của phụ nữ, đầu tư vào các dịch vụ thai sản và đảm bảo rằng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể hỗ trợ phụ nữ theo những cách vừa an toàn, vừa tôn trọng quyền cá nhân của họ”.

Ngọc Hạ

(theo The Guardian, Telegraph, The Conversation, RNZ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI