Tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc gia tăng dù chính phủ ra quy định "30 ngày cân nhắc"

30/11/2024 - 09:40

PNO - Dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra thời gian hòa giải bắt buộc là 30 ngày, nhưng vào năm 2023, nước này có 3,6 triệu cặp đôi đã hoàn tất thủ tục ly hôn, tăng so với mức 2,88 triệu vào năm 2022.

Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc lại tăng mặc dù có thời gian cân nhắc bắt buộc
Tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc gia tăng dù có thời gian cân nhắc bắt buộc

8 năm hôn nhân, Judy Zhong và chồng đã không cùng quan điểm về nhiều vấn đề trong cuộc sống, ngay cả việc họ có nên sinh con hay không.

Tháng 3/2024, Judy Zhong đệ đơn ly hôn. Dù có 30 ngày cân nhắc, nhưng cô không thay đổi quyết định.

"Điều đó chỉ có nghĩa là thêm 1 tháng nữa tôi tiếp tục tránh mặt chồng mình. Lần duy nhất chúng tôi gặp nhau là tại văn phòng Dân sự, để hoàn tất thủ tục ly hôn" - Zhong nói - "Điều duy nhất tôi nghĩ đến trong 30 ngày đó là sự tự do mà tôi sẽ có được khi kết thúc hôn nhân".

Người Trung Quốc đang đặt dấu hỏi rằng liệu việc chính phủ đưa ra 30 ngày cân nhắc trước khi ly hôn không tranh chấp có đem lại hiệu quả hay không khi tình trạng ly hôn tiếp tục gia tăng.

Sự can thiệp của chính phủ nhằm mục đích hạn chế những quyết định bốc đồng, đặc biệt là khi hôn nhân đang chịu áp lực chưa từng có trong đại dịch COVID19 dường như không có tác dụng.

Ở Trung Quốc, các vụ ly hôn không tranh chấp sẽ được đăng ký tại các văn phòng Dân sự với sự có mặt của cả hai vợ chồng, trong khi các vụ ly hôn có tranh chấp sẽ được tòa án chấp thuận.

Dữ liệu chính thức về cả các vụ ly hôn có tranh chấp và không tranh chấp cho thấy 3,6 triệu cặp đôi đã hoàn tất thủ tục ly hôn vào năm 2023, tăng so với mức 2,88 triệu vào năm 2022.

Những người mới ly hôn nói rằng họ không coi thời gian cân nhắc là yếu tố có thể thay đổi suy nghĩ của họ mà thường coi 30 ngày bổ sung là một yêu cầu "phiền phức".

Chen, một doanh nhân 43 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên, cho biết anh và vợ cũ đã quyết định chia tay vào tháng 6/2023 sau những bất đồng về tiền bạc. “Tôi có thể hiểu tại sao chính phủ đưa ra bước bổ sung này nhưng đối với tôi và vợ cũ, điều này chỉ kéo dài thêm căng thẳng mà chúng tôi phải chịu đựng khi chung sống trong một cuộc hôn nhân không mong muốn” - anh cho biết.

Jing (30 tuổi), cố vấn giáo dục ở Bắc Kinh, đã hoàn tất thủ tục ly hôn vào năm 2022, cho biết cô lo lắng chồng cũ của mình có thể thay đổi quyết định trong thời gian chờ đợi, sự không chắc chắn đã khiến cô mất ngủ nhiều đêm.

“Rất may là anh ấy đã không làm vậy. Đó là một vấn đề lớn. Tôi đã nghe nói về việc trả thù bạn đời, liên tục thay đổi quyết định chỉ để hành hạ bên kia” - Jing cho biết.

Trên mạng xã hội, các vụ ly hôn ở Trung Quốc được ca ngợi như biểu tượng của sự tự do, khi cư dân mạng tổ chức tiệc ly hôn và tự hào khoe những tập giấy màu nâu đỏ ghi giấy đăng ký ly hôn của họ.

Một nhà máy cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 100km đã đề nghị giúp những người ly hôn tiêu hủy bằng chứng về cuộc hôn nhân của họ với giá từ 8 - 28 USD. Ảnh cưới, cùng với những kỷ vật thông thường khác, có thể được ném vào máy nghiền.

Phó giáo sư Mu Zheng, chuyên gia về gia đình ở cả Singapore và Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của chính sách "hạ nhiệt" của Trung Quốc, vốn cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng kéo dài do đại dịch gây ra.

Bà cho biết số vụ ly hôn ngày càng tăng kể từ năm 2022 có thể phần lớn là do xung đột gia đình leo thang và căng thẳng trong hôn nhân trong thời kỳ đại dịch.

"Với nền kinh tế Trung Quốc đang phải hứng chịu nhiều cú sốc hậu đại dịch, mọi người có thể phải đối mặt với những căng thẳng nghiêm trọng về sức khỏe, tài chính và các mối quan hệ khác" - giáo sư Mu nói.

Một số người khác lưu ý rằng, trong các vụ ly hôn có yếu tố bạo lực gia đình, thì thời gian hòa giải bắt buộc có thể làm trầm trọng thêm rủi ro cho bên bị bạo hành.

Ngày 25 /11 vừa qua, tòa án tối cao Trung Quốc đã công bố 5 ví dụ về cách chính quyền trấn áp bạo lực gia đình để kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Trong một ví dụ, một người đàn ông đã giết vợ mình, người đã phải chịu đựng nhiều năm bạo hành trước khi đệ đơn ly hôn vào tháng 7/2021. Sau đó, anh ta bị kết án tử hình.

Trong một trường hợp khác, một đêm tháng 3/2023, một người phụ nữ bị chồng mắng mỏ và đánh đập trong nhiều năm đã đâm chết chồng mình khi anh ta đang ngủ. Sau khi xem xét đến việc bị chồng ngược đãi trong thời gian dài, người phụ nữ đã tự trình báo vụ việc và được gia đình chồng tha thứ, tòa án đã tuyên án cô 5 năm tù.

Cả hai trường hợp đều lọt vào danh sách tìm kiếm hot nhất của nền tảng blog nhỏ phổ biến Weibo, thu hút hàng trăm triệu lượt xem chỉ trong 1 ngày.

Dữ liệu của Liên đoàn Phụ nữ toàn Trung Quốc cho thấy, vào năm 2020 khoảng 30% phụ nữ trong 270 triệu gia đình ở Trung Quốc từng trải qua bạo lực gia đình.

Thảo Nguyễn (theo Strait Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI