edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Phan Liêm, chủ cơ sở đan thuyền thúng duy nhất ở Đà Nẵng
Tia nắng ngày đầu hè chói chang rọi xuống con đường Hoàng Sa chạy dọc bờ biển Đà Nẵng như muốn thiêu đốt tất cả mọi thứ bên dưới. Trong căn chòi dựng tạm ven đường, một lão ngư tuổi thất thập cặm cụi đan các thanh tre thành những mối liên kết. Hình hài chiếc thuyền thúng vững chắc dần được lộ ra dưới bàn tay thoắn thoắt của người nghệ nhân.
Người đan thuyền cuối cùng
Ông là Phan Liêm (68 tuổi, trú tổ 22, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là chủ cơ sở đan thuyền thúng duy nhất còn sót lại ở thành phố biển này.
Ông cười hiền hậu, thân hình rắn chắc, đôi tay đen vì nắng gió, lòng bàn tay nổi đầy những nốt chai sạn. Giọng oang oang át tiếng sóng, tiếng gió của người miền biển, ông Liêm cho biết đã theo nghề đan thuyền thúng của gia đình gần 30 năm. “Hồi trước, cả phường Thọ Quang này đi đến đâu cũng nghe tiếng chẻ tre, tiếng đục đẽo của thợ thuyền thúng nhưng nay cả TP Đà Nẵng chỉ còn tôi và hai đứa con theo nghề của cha ông”.
Ông Liêm theo nghề đan thuyền thúng của gia đình đã 30 năm
Ông Liêm kể, thời trai trẻ ông từng làm thuyền trưởng tàu đánh cá của gia đình, lênh đênh trên khắp vùng biển từ Cà Mau đến Cát Bà. Ông bỏ nghề đi biển khi con tàu gặp nạn năm 1985 trong một đợt áp thấp nhiệt đới. “Con tàu bị sóng đánh tan nát, 6 người trong đó có tôi trôi dạt tưởng như đã bỏ mạng giữa biển. Tỉnh dậy, chúng tôi thấy mình nằm trên một con tàu khác, mới biết là được cứu sống. Về bờ, tôi ở nhà theo học nghề đan thuyền thúng của cha mình để mưu sinh. Ngày mới học nghề, hai tay tôi liên tục đổ máu vì những vết đâm của tre nứa. Do ngồi lâu nên lưng nhức mỏi không chịu nổi, phải mất 2 năm tôi mới nắm được những kỹ thuật cơ bản của nghề. Nghề đan thuyền thúng vất vả, cực nhọc nên chẳng mấy ai bám trụ với nghề. Cả đời tôi nhận hàng chục đệ tử nhưng cuối cùng chỉ có hai đứa con gắn bó với nghề cùng tôi cho đến bây giờ”, ông Liêm buồn buồn nói. Hai người con nối nghiệp ông Liêm là anh Phan Minh (43 tuổi) và Phan Ánh (37 tuổi).
Dọc con đường mang tên Hoàng Sa bên bờ biển Đà Nẵng, hàng chục chiếc thuyền thúng của ngư dân đang nằm phơi nắng sau chuyến biển dài ngày. “Tất cả đều là sản phẩm của 3 cha con tôi làm ra” - ông Liêm nói, giọng tự hào. Cách đây chừng 20 năm, ngoài gia đình ông Liêm còn hơn 30 hộ khác cũng làm nghề đan thuyền thúng. Rồi những chiếc thuyền thúng làm bằng vật liệu nhựa composite nhập khẩu từ nước ngoài vào được nhiều ngư dân chọn mua nhờ giá rẻ hơn. “Thuyền thúng bằng tre ế khách, cả tháng bán được 1, 2 chiếc không đủ nuôi vợ con. Nhiều người làm nghề phải bỏ việc tìm kế khác mưu sinh. Tôi cũng bỏ nghề đi làm thợ hồ kiếm tiền đong gạo. Nhưng thỉnh thoảng có vài ngư dân đến đặt thuyền, lại nhớ nghề không bỏ được. Vậy là quay trở lại với nghề cho đến bây giờ, may sao trời không phụ nên làm ăn ngày càng khấm khá”, ông Liêm cười hồ hởi.
Theo ông Liêm, những năm gần đây ngư dân quay trở lại sử dụng thuyền thúng bằng tre vì thuyền làm bằng composite thường bị lật khi đánh bắt trên biển.
Thuyền thúng “by Liem”
Theo ông Liêm, một chiếc thuyền thúng phải trải qua hàng chục công đoạn làm việc thủ công mới hoàn thành: chọn tre, chẻ, vót, đan, bện, dui, ép tre, uốn, nức vành, quét lớp chống thấm… “Tre phải chọn mua tre già từ vùng đồi núi xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) và thuê xe vận chuyển về. Phải chẻ tre thành nan khi đang còn tươi, phơi liên tục giữa nắng 3 - 4 ngày để các thanh nan se lại, dẻo chắc. Từng chiếc nan tre được đan tỉ mỉ, gõ thật chặt rồi được uốn và nức vành để ra hình hài một chiếc thuyền thúng. Chiếc thuyền sẽ được đem phơi trong hai ngày sau đó mới được quét lớp chống thấm”, ông Liêm tỉ mỉ kể từng công đoạn.
Ông Liêm đang hoàn thiện những chiếc thuyền thúng chuẩn bị xuất đi Tây Ban Nha
Để hoàn thành một chiếc thuyền thúng phải mất khoảng 5 - 7 ngày, tùy vào kích cỡ. Giá bán cũng phụ thuộc vào kích thước từng chiếc thuyền. Loại lớn có giá 4 triệu đồng, loại nhỏ giá 3 triệu đồng. Trừ hết mọi chi phí, cha con ông Liêm lãi 2 triệu đồng/chiếc. “Nếu làm hết công suất, mỗi tháng 3 cha con tôi hoàn thành khoảng 15 chiếc thuyền thúng giao cho khách. Tuy nhiên đơn đặt hàng không đều, chỉ tập trung vào mùa hè lúc có nắng to. Mùa mưa thợ đan thuyền thúng thất nghiệp”, anh Phan Minh, con trai ông Liêm nói.
Anh Minh tiết lộ, khách hàng của cha con anh không chỉ có ngư dân trong nước mà thuyền thúng by Liem đã đi nhiều nơi trên thế giới như như Anh, Nhật, Úc, Philippines, Tây Ban Nha… Năm 2006, một đoàn khách Nhật Bản tham quan biển Đà Nẵng tò mò ghé lại xem cha con ông Liêm làm thuyền thúng. Ít ngày sau, 2 vị khách người Nhật quay lại nhà anh cùng với hướng dẫn viên. Họ đề nghị cha con ông Liêm đan cho mình 10 chiếc thuyền thúng. “Nghe họ đòi mua, cha con tôi nghĩ họ mang về Nhật để đi đánh cá. Khi hoàn thành sản phẩm, người hướng dẫn viên nói họ mua về để phục vụ trong các khu du lịch. Anh ta khuyên chúng tôi khắc thêm chữ “thuyen thung By Liêm” lên vành thúng để người khác được biết. Chúng tôi làm theo. Nhờ đó mà sau này nhiều khu du lịch ở các nước đã đến đặt hàng chúng tôi. Cũng nhờ đó mà thu nhập của gia đình tôi rất ổn định”, anh Minh nói. Theo anh Minh, thuyền thúng xuất ngoại có giá bán cao hơn 2 triệu đồng so với thuyền cùng loại bán cho ngư dân trong nước. Mỗi năm, cha con anh xuất khoảng 50 chiếc thuyền thúng cho các khu du lịch nước ngoài.
Mặt trời đứng bóng cũng là lúc ba cha con ông Liêm quét dầu lên những chiếc thuyền thúng loại trung. Vài ngày tới, 12 chiếc thuyền thúng by Liem sẽ được đóng gói để vận chuyển qua một khu du lịch ở Tây Ban Nha. Ánh mắt ông Liêm rạng ngời niềm vui nhưng cũng lộ chút âu lo: “Thuyền thúng gắn bó lâu đời với ngư dân Việt Nam. Tôi sợ sau này mình chết, con cháu bỏ nghề thì những chiếc thuyền thúng truyền thống chỉ còn là dĩ vãng”, ông Liêm chia sẻ.
ĐÌNH THỨC