Thuyên tắc ối có thể cứu chữa

14/01/2014 - 07:26

PNO - PN - Thông tin một bệnh viện (BV) tỉnh cấp cứu thành công sản phụ bị thuyên tắc ối đã khiến không khí ngày đầu năm ở hội trường lớn Đại học Y Dược TP.HCM thêm phấn khởi. Nhiều bác sĩ sản khoa, gây mê, hồi sức, huyết học,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thành công nhờ... không đầu hàng

Sản phụ may mắn được cứu sống là chị Đỗ Thị Diệu H. (33 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), giáo viên mầm non. Vào đầu tháng 12/2013, chị H. chuyển dạ, nhập BV đa khoa Đồng Nai. Trước đó, chị thường xuyên khám định kỳ tại BV này nhưng các bác sĩ không thấy có biểu hiện bất thường. Khi sản phụ được đẩy vào phòng sinh, sau bấm ối được 30 giây thì đột ngột lên cơn khó thở, tím tái, toàn thân co giật. Sản phụ lơ mơ rồi chuyển sang trạng thái hôn mê, đồng tử giãn to. ThS-BS Hà Văn Dần, BV đa khoa Đồng Nai cho biết: “Huyết áp và mạch của sản phụ không đo được, bụng gồng cứng không thể nào đánh giá được cơn co tử cung. Lúc này BV huy động các bác sĩ chủ lực ở các khoa phối hợp thực hiện cấp cứu, đặt nội khí quản, thở oxy, thuốc giãn cơ... và tiến hành bắt con khẩn cấp. Tử cung thai phụ tím đen, không co bóp được nên phải cắt bán phần... Bệnh nhân được chụp CT 128 lát cắt thì thấy nghẽn động mạch đông đặc ở thùy phổi phải, phù hai bán cầu đại não”. Sau hơn 10 ngày thở máy, truyền dịch, thuốc vận mạch, kích thích cảm giác đau, nuôi ăn qua ống thông với dạ dày... sức khỏe chị H. hồi phục và được xuất viện.

75% bệnh nhân thuyên tắc ối sống sót sẽ bị di chứng thần kinh nặng. Trường hợp sản phụ Diệu H. may mắn không có di chứng thần kinh. Thành công này không chỉ nhờ vào sự đoàn kết phối hợp của các bác sĩ ở BV đa khoa Đồng Nai mà còn nhờ sự hỗ trợ liên tục về chuyên môn của các bác sĩ hàng đầu về sản khoa, gây mê hồi sức tại TP.HCM. TS-BS Nguyễn Thị Thanh, Chủ nhiệm Bộ môn Gây mê hồi sức, Đại học Y Dược và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM kiêm Trưởng khoa Gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định TP.HCM nhớ lại: “Trước đây có lần gặp tôi, BS Hà Văn Dần trăn trở: TP.HCM tập trung nhiều BV lớn, dễ thực hiện cấp cứu ca thuyên tắc ối. Tại Đồng Nai sẽ rất khó thực hiện vì vấn đề nhân lực, nguồn máu. Hơn nữa, bệnh này rất hiếm nên việc trữ nguồn máu dễ gây lãng phí. Nhưng tôi phản ứng ngay: Việc lập ngân hàng máu cứu bệnh thuyên tắc ối không lãng phí vì nhiều sản phụ còn bị băng huyết sau sinh, cũng rất cần đến nguồn máu dự trữ”.

Theo TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc BV Từ Dũ: “Bệnh thuyên tắc ối chiếm 1/8.000 - 1/80.000 trường hợp sản phụ. Như vậy, mỗi năm Việt Nam có từ 2-20 ca thuyên tắc ối trong số một triệu ca sinh. Dù bệnh này hiếm nhưng tỷ lệ tử vong cao; trước đây nhiều người quan niệm đây là bệnh "trời kêu phải dạ". Một số bác sĩ dễ sớm “buông súng” đầu hàng khi gặp ca bệnh là không đúng. Việt Nam đã hạ tỷ lệ tử vong mẹ bị thuyên tắc ối từ 60-70% xuống còn 26%; trong khi ở Mỹ chỉ còn 10%, ở Anh là 16%. Có nghĩa, cứ 10 ca mà chúng ta nỗ lực cứu chữa sẽ giúp ít nhất bảy thai phụ thoát chết”.

Thuyen tac oi co the cuu chua

Mẹ tròn con vuông luôn là mong ước của thai phụ -Ảnh: Phùng Huy

Nếu lơ là... thai phụ tử vong trong 30 phút

TS-BS Nguyễn Thị Thanh cảnh báo: Thuyên tắc ối xảy ra đột ngột, không có triệu chứng báo trước, bệnh có thể xảy ra trong lúc đang chuyển dạ hay ngay sau sinh. Nguyên nhân do dịch ối đi vào tuần hoàn của mẹ; trong khi thành phần của dịch ối chứa rất nhiều tế bào của da thai nhi, lông tơ, tóc và cả phân su. Đường xâm nhập của dịch ối thông qua việc rách màng ối và nhau thai, rách tĩnh mạch ở chỗ bám của nhau thai, vỡ tử cung hay các mạch máu trong cổ tử cung. Việc xâm nhập này gây cho mẹ bị co thắt động mạch phổi, dẫn đến tăng áp phổi, tăng áp lực lên tim khiến cơ thể thiếu oxy, thiếu máu cơ tim, suy tim và suy hô hấp nhanh chóng. Hoặc có khi dịch ối vào tuần hoàn của mẹ khiến rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều.

“Tình trạng tím tái, rối loạn đông máu... xảy ra nhanh chóng trong vòng 30 phút sau khi bị thuyên tắc ối. Nếu không xử trí kịp, bệnh nhân sẽ tử vong. Vì vậy, bác sĩ đã chấp nhận theo ngành sản khoa thì sẽ có lúc gặp ca bệnh này; do đó phải nâng cao chuyên môn trong cấp cứu ca bệnh khó. Ví dụ, bác sĩ phải biết sớm đưa thai nhi ra khỏi mẹ bị thuyên tắc ối để tránh suy thai... Mỗi khi gặp ca tử vong sau sinh lại “đẩy” do thuyên tắc ối là thiếu trách nhiệm. Nhân viên y tế phải thuyết phục thân nhân bệnh nhân chấp nhận làm sinh thiết để xác định có phải tử vong do thuyên tắc ối hay không. Hay nguyên nhân tử vong lại do tiền sản giật, băng huyết sau sinh, ngộ độc thuốc, thuyên tắc phổi, vỡ tử cung...; trong khi những bệnh này thì khả năng cứu sống cao” - TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.

TS-BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM cảnh tỉnh: Với những đối tượng có nguy cơ cao là mẹ lớn tuổi, đa thai, ối lẫn phân su, thai chết lưu, nhau tiền đạo, đa ối, vỡ tử cung, tiền sử dị ứng, nhiễm trùng ối, thai to (nhất là bé trai), thậm chí sử dụng thuốc co bóp tử cung oxytocin... thì bác sĩ nên lưu ý, để hạn chế tình huống xấu nhất khi cấp cứu.

 Văn Thanh

Thuyên tắc ối được ghi nhận vào năm 1926. Các bác sĩ nhận thấy các thành phần của nước ối có trong phổi, thận, gan, lách, tụy và não của thai phụ. Thời điểm xuất hiện thường là lúc chuyển dạ, lúc mổ lấy thai, khi sinh ngã âm đạo... thậm chí có thể xảy ra trong 48 giờ sau khi sinh.

TS-BS Nguyễn Thị Thanh Hà

Từ khóa Thuyên tắc ối
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI