Thủy sản "ngậm" kháng sinh, biết độc vẫn phải ăn

03/10/2016 - 07:18

PNO - Rất nhiều loại tôm, cá nước ngọt đang được bán tại tp.hcm nhiễm các chất kháng sinh cấm, song cơ chế giám sát không ngăn được chúng đến bữa ăn của người tiêu dùng.

Theo số liệu vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM công bố, hàng loạt loại cá chim trắng, cá lăng, điêu hồng, basa, cá bống, cá kèo, cá trê, cá rô, cá sặc… và lươn, chạch, ếch… nhiễm các loại kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc hạn chế sử dụng trong thủy sản như: trichlofon, chlorampheniol, ciprofl oxacine, enrofl oxacin...

Nguồn thủy sản chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng… Đặc biệt, 100% số mẫu cá trê, cá lăng, cá kèo, cá chim trắng, điêu hồng, basa lấy từ các đầu mối thương lái đem đi xét nghiệm đều cho kết quả tồn dư hai chất cấm enrofl oxacin, leucomalachite.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT trấn an, tỷ lệ mẫu tồn dư cao là do cơ quan chức năng tập trung lấy mẫu sản phẩm ở nhóm nguy cơ cao chứ không phải lấy ngẫu nhiên, đại trà.

Số liệu này gây lo ngại về nguồn thực phẩm tươi sống có sức tiêu thụ lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn hải sản tại các tỉnh miền Trung không đảm bảo chất lượng sau sự cố xả thải từ nhà máy Formosa.

Thuy san

Cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NNPTNT công bố khảo sát của cơ quan này cho thấy, gần 100% trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sử dụng kháng sinh, trong đó có nhiều loại kháng sinh cấm. Nguyên nhân là do môi trường nuôi ô nhiễm, vật nuôi đối diện với các loại bệnh dịch nên người nuôi sử dụng bừa bãi các chất này để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Ông Việt cảnh báo, việc sử dụng tràn lan những chất này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của toàn dân.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, người tiêu dùng liên tục sử dụng sản phẩm chứa dư lượng các chất kháng sinh, đặc biệt các loại bị cấm sử dụng, sẽ đối diện với hàng loạt nguy cơ rủi ro về sức khỏe. Chất kháng sinh được “nạp” vào sẽ tiêu diệt những vi khuẩn có hại và có lợi trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh tự nhiễm đường ruột, tổn thương gan, tăng cân, gia tăng các bệnh hen suyễn, dị ứng, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và tạo ra những siêu vi khuẩn kháng thuốc điều trị…

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc thừa nhận, bằng cảm quan không thể phát hiện cá, tôm nhiễm kháng sinh, mà chỉ có thể biết được hải sản tươi hay không bằng cách nhìn vào mang, mắt.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, đơn vị trực tiếp giám sát chất lượng thủy sản lưu thông trên thị trường thành phố cho biết, các cán bộ của Chi cục lấy mẫu tại những cơ sở kinh doanh, chợ đầu mối, vùng nuôi, thương lái… sau khi đánh giá các lô hàng này có nguy cơ nhiễm cao. Mẫu được đưa về phòng thí nghiệm để kiểm tra, sau khoảng một đến hai tuần mới cho kết quả. Dù tôm cá có nhiễm chất cấm hay không vẫn được lưu thông, bán ra thị trường, do trong quy định về giám sát chất lượng sản phẩm này không bắt buộc tạm giữ lô hàng.

Ông Sơn cho biết việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nhằm mục đích làm căn cứ để xử phạt các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm vi phạm. Đơn vị này cũng dựa trên số mẫu thủy sản vi phạm tồn dư các chất kháng sinh cấm, thông báo cho các địa phương có nguồn cung sản phẩm về TP.HCM để những địa phương này tuyên truyền hộ nuôi không tái sử dụng chất cấm. Ông Sơn khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn những loại thủy sản có nguồn gốc, được nuôi trồng theo quy trình kiểm soát VietGAP…

Tuy nhiên, trong thực tế, người tiêu dùng rất khó biết được xuất xứ sản phẩm thủy sản tươi sống. Vì thủy sản được bán chủ yếu tại các chợ, không mang nhãn hay bao bì để nhận diện nguồn gốc.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI