Thủy ngân có mặt khắp nơi

13/09/2019 - 07:00

PNO - Thủy ngân là kim loại nặng nằm trong danh sách các chất độc cực mạnh, rất nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Đáng nói, chúng ta có thể dễ dàng nhiễm thủy ngân bởi những thức ăn, vật dụng tiếp xúc hàng ngày.

Thủy ngân hiện diện ở đâu? 

Trong hải sản: hầu hết trong thực phẩm đều có chứa methy thủy ngân - một dạng thủy ngân độc hại, nhiều nhất là trong cá biển. Trong một nghiên cứu của Nhóm Công tác môi trường Mỹ (EWG) có nói, những phụ nữ thường xuyên ăn cá có nồng độ thủy ngân cao gấp 11 lần phụ nữ ít ăn. Hơn 90% thủy ngân có trong cơ thể người Mỹ là do ăn hải sản, đặc biệt là cá biển.

Các loại cá biển xa bờ, ở vùng nước sâu, cá to, nạc nhiều như cá kiếm, cá mập, cá thu vua, cá ngừ vây xanh, cá ngừ trắng, cá chấm vàng, cá đuối, cá tuyết, cá vược, cá kình… đều là những loại cá có dư lượng thủy ngân rất cao. 

Thuy ngan co mat khap noi
Các loại cá biển xa bờ, ở vùng nước sâu, cá to, nạc nhiều thường có dư lượng thủy ngân rất cao

Nghiên cứu của đại học Hawaii và Michigan cho biết, 80% methy thủy ngân ở tầng mặt nước, ở tầng này thủy ngân dễ bị ánh sáng phá hủy. Do đó, cá sống gần bờ, không sâu dưới đáy biển sẽ ít nhiễm thủy ngân. Còn cá sống ở biển sâu, cá săn mồi, cá lớn thì tích lũy thủy ngân càng nhiều do cá nhỏ ăn rong rêu có chứa thủy ngân, cá vừa lại ăn cá nhỏ, cá lớn lại ăn cá vừa, như vậy thủy ngân tích lũy trong bụng cá lớn nhiều hơn cá nhỏ. 

Do đó, các loại cá thu, cá nục, cá trích, cá mòi ở Việt Nam đa số là cá nhỏ, đánh bắt gần bờ nên ô nhiễm thủy ngân không nhiều. Nhưng nếu là vùng biển, vùng sông bị ô nhiễm thủy ngân nặng do xả thải công nghiệp thì ngay cả nghêu sò, ốc, hến, cá nước ngọt… cũng nhiễm thủy ngân nhiều như thường. 

Năm 2018, hàng chục lô hàng hải sản xuất đi châu Âu bị trả về do nhiễm thủy ngân cao hơn mức cho phép. Nguyên nhân là do vấn đề ô nhiễm kim loại nặng ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Do đó chúng ta, nhất là bà bầu nên ăn ít cá biển. Mỗi tuần chỉ nên ăn tối đa hai lần, tổng cộng khoảng 170g cá là được, bởi thủy ngân thấm qua nhau thai, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của trẻ. 

Trong bóng đèn huỳnh quang: là thủy ngân dạng kim loại, chủ yếu là thủy ngân bay hơi. Loại này hấp thu rất nhanh ở phổi và ảnh hưởng nhiều nhất là não. Cơ chế thắp sáng của đèn huỳnh quang là cần thủy ngân.

Lượng thủy ngân có trong bóng đèn dao động từ 3-46mg. Bóng đèn dài 1,2m, trắng thường sử dụng có khoảng 5mg thủy ngân trong đó. Một khi bóng đèn bị vỡ, lượng thủy ngân này thoát ra không khí, sẽ thâm nhập vào cơ thể khi chúng ta hít thở. 

Thuy ngan co mat khap noi
Công nhân của Công ty Rạng Đông đã đi làm lại bình thường

Trong mỹ phẩm dưỡng, trắng da: Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định nồng độ thủy ngân tối đa trong các sản phẩm là 1ppm (đơn vị ppm - parts per million - nghĩa là 1 phần triệu).

Duy chỉ có sản phẩm trang điểm mắt như eyeliner và mascara, FDA cho phép sử dụng thủy ngân như là chất bảo quản ở nồng độ tối đa 65ppm (tương đương 100mg/kg phenylmercuric acetate hoặc nitrate) trong những trường hợp không tìm được chất thay thế đủ hiệu quả và an toàn.

FDA đã kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm dưỡng da, làm trắng da có chứa thủy ngân được bày bán ít nhất ở sáu bang của Mỹ bao gồm Texas, California, Virginia, Maryland, New York và Minnesota. Qua kiểm nghiệm cho thấy, hàm lượng thủy ngân ở các sản phẩm trên cao gấp 131.000 lần so với quy định.

Thuy ngan co mat khap noi
99% mỹ phẩm handmade đang lưu hành trên thị trường đều không nhãn mác, không đáp ứng đầy đủ các quy định nhưng vẫn không bị xử phạt gì

Các mỹ phẩm này được nhập khẩu trái phép vào thị trường Mỹ. Ở một số bang, một số phụ nữ sử dụng các sản phẩm dưỡng da có thủy ngân bị ngộ độc thủy ngân, nặng nhất là một phụ nữ ở California bị ngộ độc nặng sau ba năm sử dụng một loại kem chứa thủy ngân. 

Theo FDA, các mỹ phẩm làm trắng da có thể ở dưới nhiều hình thức, bao gồm cả kem và xà phòng làm trắng da, kể cả những loại xà phòng được gắn mác “diệt khuẩn”.

Sở dĩ mỹ phẩm có chứa thủy ngân vì muối của thủy ngân giúp ức chế sự hình thành melanin, giúp da trắng sáng hơn. Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Minh Vinh - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, trong các loại kem lột trắng da, kem tẩy trắng da mà các bạn trẻ hay sử dụng chứa hàm lượng thủy ngân cao. Vì thủy ngân sẽ làm chết lớp da ngoài cùng để da dễ bong tróc được mảng to và sâu hơn, làm da trắng sáng hơn.

Việc bôi trực tiếp thủy ngân lên da còn nguy hiểm gấp nhiều lần việc hít phải. Bệnh viện thường tiếp nhận một số trường hợp bị mệt mỏi, khó chịu, nôn ói, gặp vấn đề về gan thận sau khi sử dụng các loại nước, kem lột trắng da cấp tốc - đó là biểu hiện của nhiễm độc hóa chất trong mỹ phẩm, trong đó có thủy ngân. 

Trong sơn: nhiều sản phẩm nước sơn đặc biệt dành cho gỗ, bê tông, kim loại, khung cửa đều chứa hàm lượng thủy ngân rất cao nên có thể bị nhiễm độc nếu sống trong ngôi nhà được sơn bằng sản phẩm có chứa thủy ngân.

Đặc biệt là trẻ em, nếu hít phải bụi sơn, đút tay hoặc nhặt bất cứ thứ gì dính bụi sơn vào miệng như đồ chơi bằng gỗ được phủ sơn kém chất lượng… thì có nguy cơ bị nhiễm thủy ngân. 

Trong vật liệu hàn, trám răng: vật liệu được dùng để hàn, trám răng thường là amalgam (còn gọi là trám bạc vì có màu giống như mảnh bạc). Cuối tháng 3/2019, Bộ Y tế chính thức khuyến cáo về hợp chất này vì phát hiện chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao (50%).

Thuy ngan co mat khap noi
Hàn trám răng. Ảnh: minh họa

Đồng thời xây dựng lộ trình ngừng sử dụng amalgam trong nha khoa từ ngày 1/1/2021. Nó có thể gây độc hại không chỉ cho người được hàn răng mà còn cả các nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực nha khoa khi tiếp xúc với vật liệu.

Ngoài ra, thủy ngân có khắp nơi trong môi trường, đất, hồ ao, sông suối, đặc biệt là tại khu vực có nhiều nhà máy, khu công nghiệp. Thực phẩm được trồng, tưới tiêu tại vùng đất này cũng có thể nhiễm thủy ngân. Dễ gặp nhất là nguồn nước giếng khoan; các loại rau muống, rau ngổ, rau nhút, rau răm… được trồng tại vùng nước đen kịt ở gần các khu nhà máy. 

Cách nhận biết ngộ độc thủy ngân

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, USA), cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cho biết, thủy ngân ở dạng hơi trong không khí rất dễ dàng được hấp thụ (xấp xỉ 80%) vào phổi, nhanh chóng khuếch tán vào máu và phân phối vào tất cả các cơ quan của cơ thể.

Hai cơ quan chính trong cơ thể tích tụ thủy ngân sau khi bị hấp thụ là não và thận, trong khi sự bài tiết của thủy ngân ra khỏi cơ thể khá chậm, cần khoảng 30-60 ngày để bài tiết phân nửa lượng thủy ngân trong cơ thể, ngoại trừ não.

Theo một số nghiên cứu, não cần khoảng 20 năm mới bài tiết hết được. Khi vào cơ thể, thủy ngân sẽ làm rối loạn các chức năng và hư hỏng tế bào, cuối cùng làm tê liệt các hệ thống cơ quan như phổi, thận, hệ thần kinh. Nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tử vong. 

Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thu gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô, bao gồm bộ não. Tùy theo ngộ độc cấp tính hay mãn tính mà có biểu hiện khác nhau. 

Nếu ngộ độc cấp tính (sau khi hít phải, nuốt phải, tiếp xúc trực tiếp với vật chứa hàm lượng thủy ngân cao) sẽ có biểu hiện như đau bụng, khó thở, co giật, buồn nôn, nôn ói. Diễn tiến sau vài ngày là hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong. 

Còn ngộ độc mãn tính là tiếp xúc dạng tích lũy mỗi ngày một ít, xuất hiện sau nhiều ngày, nhiều năm: người nhiễm có dấu hiệu  tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cảm (paresthesia).

Ngoài ra còn các triệu chứng như viêm lợi, chảy nước miếng, đau đầu, sụt cân, mệt mỏi; trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, buồn bã…

Để biết cơ thể có nhiễm độc thủy ngân hay không nên tiến hành các xét nghiệm máu, nước tiểu, tóc. Trong đó, xét nghiệm máu và nước tiểu thường chỉ để kiểm tra tình trạng nhiễm độc xảy ra trong thời gian ngắn và không đánh giá được lượng nhiễm thật sự trong cơ thể (do lượng thủy ngân đã bám vào và không dễ đào thải). Còn kiểm tra tóc thường được thực hiện do nhiễm thủy ngân vài tháng trước đó. 

Thuy ngan co mat khap noi
 

Làm cách nào để thải độc thủy ngân?

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, khi bị nhiễm độc, cơ thể cũng có cơ chế tự đào thải chất độc qua nước tiểu và phân. Do vậy, việc sử dụng một số phương pháp đơn giản để tăng lượng đào thải như ăn nhiều thực phẩm có chất xơ hoặc uống nhiều nước cũng có tác dụng phần nào. Tuy nhiên nếu bị nhiễm độc nặng thì bạn cần được điều trị một cách phù hợp hơn ở các cơ sở y tế.

Hiện nay để thải độc kim loại nặng nói chung và thủy ngân nói riêng, người ta sử dụng các chất thuộc nhóm có tên là Chelate, vì có tác dụng bám, cô lập các kim loại nặng và chúng sẽ được cùng nhau thải ra ngoài qua nước tiểu.

Việc sử dụng phương pháp này phải được thực hiện ở cơ sở y tế vì có thể xảy ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc sử dụng để khử độc kim loại thủy ngân trong cơ thể hiện nay không hiệu quả đối với thủy ngân đã tích tụ trong não.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI