Thủy hải sản Việt Nam tiến mạnh vào Trung Quốc

24/05/2019 - 07:45

PNO - Thủy sản Việt Nam đang ngày càng chứng minh lợi thế cạnh tranh nhờ điều kiện thuận lợi về địa lý lẫn sự đầu tư đúng mức, với tầm nhìn chinh phục thị trường toàn cầu.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Trung Quốc - quốc gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới - đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản Việt Nam được miễn thuế vào nước này. Thủy sản Việt Nam đang ngày càng chứng minh lợi thế cạnh tranh nhờ điều kiện thuận lợi về địa lý lẫn sự đầu tư đúng mức, với tầm nhìn chinh phục thị trường toàn cầu.

Thuy hai san  Viet Nam  tien manh  vao Trung Quoc
Doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam nỗ lực quảng bá tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu Brussel

Danh sách 33 mặt hàng thủy sản Việt Nam được miễn thuế vào Trung Quốc có những sản phẩm thế mạnh như: tôm hùm, tôm sú, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, bạch tuộc... Hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Động thái miễn thuế của Trung Quốc chính là lựa chọn xác tín về chất lượng thủy hải sản Việt Nam, đồng thời cho thấy nhu cầu cấp bách của quốc gia vốn rất mạnh về lĩnh vực này. Ngành sản xuất thủy hải sản Trung Quốc đang lâm vào thế khó, do tự cản đường mình. Đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì hình thức vườn-ao-chuồng, với quy trình 90% các loại thuốc kháng sinh tiêm gia súc được đào thải qua nước tiểu và chất thải của chúng trở thành thức ăn cho cá tôm. Tình trạng lạm dụng kháng sinh nhằm thu lợi nhuận cao không những gây hại cho ngành thủy sản mà còn làm ô nhiễm nguồn nước. Hậu quả là năm 2018, chính quyền các tỉnh Giang Tô, Hà Bắc đã phải xóa bỏ hàng chục ngàn trại tôm. Song song đó, những vụ bê bối chăn nuôi, chế biến thịt heo nhiễm độc đã khiến người dân Trung Quốc chuyển hướng, tìm kiếm các nguồn thực phẩm an toàn.

Từ năm 2018, Trung Quốc ghi nhận có sự chuyển dịch rõ ràng với lượng tiêu thụ thủy hải sản vượt xa thịt heo, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu thủy hải sản. Năm 2018, nhập khẩu mặt hàng này vào Trung Quốc đạt 12 tỷ USD, tăng 44% so với năm 2017.

Ngành thủy hải sản Việt Nam đang đứng trước cánh cửa cơ hội mở rộng, là thành quả của những nỗ lực đầu tư nghiêm túc về chất lượng. Tại Triển lãm Thủy sản toàn cầu Brussels diễn ra vài tuần trước, Việt Nam tiếp tục xuất hiện ấn tượng trong nhóm những quốc gia có gian hàng lớn và nằm ở vị trí trang trọng trong khu vực những quốc gia cung cấp thủy hải sản chính cho thị trường châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam đến triển lãm đều tự tin cung cấp thông tin về việc áp dụng tiêu chuẩn nuôi bền vững của thế giới: từ kiểm soát con giống, nhà máy đến thành phẩm.

Đối với sản phẩm đánh bắt, Việt Nam đã tuân thủ quy định về đánh bắt hợp pháp của châu Âu. Vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng được các doanh nghiệp chú trọng. Ông Javier Cordova - Phó giám đốc Công ty Mitsui & Co châu Âu - nhìn nhận, thủy hải sản Việt Nam có giá cạnh tranh và chất lượng tốt. Đây chính là hai yếu tố quan trọng nhất mà thị trường châu Âu khó tính đòi hỏi.

Lộ trình phát triển một ngành hàng không thể không nhắc đến những chính sách đi kèm. Với ngành thủy hải sản Việt Nam, bên cạnh chất lượng nguồn cung là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản 3 tháng đầu năm nay tăng 1,6%, đạt 1,79 tỷ USD. Trong đó, Mexico - thị trường mới mà CPTPP mang lại cho Việt Nam, đã nhập khẩu 38 triệu USD giá trị hàng hóa, tăng hơn 36%. Malaysia nhập 32 triệu USD, tăng gần 33%. Xuất khẩu thủy sản sang Nhật tăng mạnh nhờ phần lớn được hưởng thuế suất 0%.

Việt Nam hiện là 1 trong 4 nước xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất thế giới, có mặt trên 147 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

THIÊN ANH 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI