Thủy Easola - người đàn bà quỳ

29/01/2017 - 14:30

PNO - Ở đồng bằng Bắc Bộ, biên đạo múa Thủy Easola như người đã quỳ xuống tận mặt đất, để ngửi thấy tận lòng phổi mình hơi thuốc súng của một vùng đất có chiến tranh đi qua, tin chắc rằng mình đã quen biết nó từ lâu.

Và sau tất cả, sau chiến tranh, chị cũng nhìn thấy những phận người, những nông dân mà chỉ lần gặp đầu tiên chị đã yêu mến ngay tắp lự…

Cú đập mạnh của đương đại

Mười bốn người đàn bà mang màu đen cổ lỗ, gợi lên những đồng lúa mênh mông, phảng phất hương phù sau châu thổ sông Hồng. Dàn diễn viên múa của Hạn hán và cơn mưa là thế qua trí nhớ của đạo diễn Việt Linh.

“Tôi nhìn lại những gương mặt răn reo, nhớ hoạt cảnh cuối cùng của vở khi mười bốn người đàn bà xõa tóc quỳ mọp trước hàng loạt chân dung đen trắng; chợt hiểu những bờ vai run không chỉ để tạo hình, chợt hiểu vì sao cái vô thanh vẫn làm tim ta buốt nhói”, nữ đạo diễn sau này chia sẻ qua một bài viết. Trong đêm diễn đó, họ mang ảnh người thân đã khuất lên sân khấu. Một diễn viên, buổi tập cũng ứa nước mắt cả đoàn khi nhớ lại chiến tranh đã thế nào dù mỗi người mỗi cảnh.

“Đó là vở diễn về sự tàn ác đã qua của chiến tranh và nó vẫn còn đâu đó trong vùng ký ức của những người đã trải qua. Một vùng đen và sâu thẳm”, nữ biên đạo múa người Pháp gốc Việt chia sẻ. Cũng chính vì thế mà bà cho biết sự tàn ác đó sẽ không được mô tả bằng bạo lực, thay cho bạo lực là ký ức cuồn cuộn trở về.

“Tôi biết Thủy đã vô cùng mất công khi làm việc với những diễn viên không chuyên là các bà nông dân. Phải giải thích với họ từ đầu”, nghệ sĩ Trần Lương nói. Ở thời điểm Thủy Easola trở về nước để bắt đầu tìm về văn hóa gốc của mình, ông Lương là một trong những người tiên phong trong việc phát triển mỹ thuật đương đại. Việc làm mới lúc đó tuy được ông cùng nhóm thân thiết thực hiện một cách bền bỉ song mới trong phạm vi nhỏ hẹp tại Nhà sàn Đức.

Từ chối hội họa giá vẽ hàn lâm, họ thử nghiệm và tiếp cận nhiều loại hình hơn: trình diễn, sắp đặt, video… Xuất hiện vào thời điểm đó, Thủy Easola dường như tự nhiên tham gia vào bầu khí quyển đổi mới nghệ thuật đó. Chị hít thở chung và cùng kiến tạo ra nó. Đó là một không khí có căn cốt Việt, có những lay động với các phương pháp biểu hiện từ phương Tây.

“Nếu nhớ lại thì sẽ thấy năm 1994, thời điểm Thủy làm Hạn hán và cơn mưa là một năm rất hồng hoang của nghệ thuật đương đại. Thậm chí nếu như bạn tìm từ khóa đó thì nó còn quá hiếm xuất hiện trên báo chí nữa. Vì thế, vở diễn của Thủy có gì đó như một cú đập rất mạnh vào hệ thống nghệ thuật chính thống ở đây.

Chưa kể, múa là một vở chính thống chứ không phải underground. Nó tác động rất mạnh khi mỗi vở có hàng trăm người xem mỗi đêm, lại diễn nhiều đêm và đi cả Nam Trung Bắc đất nước”, ông Nguyễn Xuân Sơn - tay trống trong dàn nhạc của Hạn hán và cơn mưa nói.

Thực sự đó là một cú hích. Lúc đó, phần nhạc của Hạn hán và cơn mưa quy tụ những người hay nổi bật của nghệ thuật truyền thống. Cụ Đỗ Tùng, bà Thanh Hoài, các ông Công Hưng, Minh Nhương, Văn Mởn... Nhưng ngay cả với những người đã rất quen với sự ngẫu hứng của chèo như thế, họ vẫn cảm giác như có một sự va chạm quá mạnh trong quan niệm. Đến mức, chính những nghệ nhân trống rất lâu năm, rất giỏi, vẫn cảm thấy dường như có điều gì đó thật khó phân định giá trị.

“Chúng tôi được yêu cầu chơi trống theo những nhịp khác nhau kiểu mỗi người một nhịp. Tới một buổi diễn tại Pháp, tôi thử nghiệm một kiểu gõ khác với trước. Hết buổi diễn, tất cả được thông báo vào phòng hóa trang họp luôn. Tôi bảo, chết mình rồi”, Xuân Sơn nhớ lại.

“Cụ Tùng bảo hôm nay rất tệ vì cậu Sơn đánh lung tung. Mọi người đều được  hỏi hết. Họ bảo hôm nay rất bất ngờ, tự dưng nhạc nó lại như thế nên khi chúng tôi diễn chúng tôi thấy có sự phân vân. Chị Thủy lại nói hôm nay là tốt nhất trong các đêm đã qua. Chị phân tích, các bác đang bị diễn vào thói quen, như thế nó giết cảm xúc. Mà vở này có đến được khán giả không nằm rất mạnh ở chỗ các bác phải sống với nó. Hôm nay khi Sơn đưa ra nhịp mới thì các bác hoang mang. Nhưng nó tạo nghi ngờ, tạo cảm xúc mới”.

Thuy Easola - nguoi dan ba quy
 

Chất liệu quê nhà của Thủy

“Thực ra là chị Thủy có hai nền văn hóa trong mình”, nghệ sĩ nhạc đương đại Xuân Sơn trầm ngâm rồi nói. Một phần văn hóa Pháp, nơi chị đã lớn lên từ khi mới chín tuổi. Phần còn lại, dành cho những tưởng tượng về người cha đi kháng chiến mà mãi sau này chị mới tìm gặp lại được. Có cả hình dung về Tây Nguyên là nơi sau này qua manh mối chị tìm gặp lại được cha thông qua một người Campuchia từng giúp việc trong đồn điền của gia đình. Như thế, có thể lý giải vì sao cả âm nhạc truyền thống cũng như thơ Nguyễn Duy đã ngấm xộc vào chị rất nhanh.

Nhưng có lẽ cú đốn hạ nhanh nhất của văn hóa Việt với chị chính là khí chất của những người nông dân. “Ngay lập tức, từ khoảnh khắc đầu tiên quen biết những người nông dân, tôi đã thấy yêu họ vô chừng. Cảm giác như tôi đã yêu họ từ kiếp nào rồi. Những khuôn mặt ấy, trái tim ấy, những người nông dân ấy…”, bà Thủy nói.

“Tôi nghĩ đây là một tác phẩm quá riêng biệt về thể hiện. Đó là những mảnh khoảnh khắc đẹp của bình yên không chiến trận. Tôi cứ nghĩ về vở diễn, nó thật dễ chạm tới cảm xúc. Vở diễn kể cho mỗi chúng ta về ý nghĩa của mất mát, sự hủy diệt của chiến tranh“, ông Jonathan Mills, giám đốc liên hoan sân khấu quốc tế Edinbourgh, Scotland nhận xét. Ông chính là người đã mời Hạn hán và cơn mưa tới đây vào 2011 với một chi phí khổng lồ.

“Đó là liên hoan sân khấu gần như lớn nhất thế giới. Ông giám đốc cũng là người đã xem vở diễn từ năm 1996. Tới khi trở thành giám đốc của liên hoan Edinbourgh, ông ấy thấy nghệ thuật thế giới chứ không chỉ riêng sân khấu đang đi theo xu hướng rất xấu. Nó hoặc rất giải trí hoặc lý trí, mà ít thẩm mỹ nhân văn. Nó không còn nhiều khoảng khắc rưng rưng nữa.

Vì thế, ông ấy muốn làm lại những vở theo mình có tính kinh điển”, ông Sơn nói. Trên thực tế, vở diễn của Thủy Easola có chi phí sản xuất không nhỏ. Có 30 người trên sân khấu kéo theo từng đó vé máy bay, mỗi vé 3.000 đô la. Còn chưa kể tiền ăn ở, đi lại, thù lao nữa. Tiền thuê kỹ thuật viên cũng là một khoản.

“Trước kia phải có rất nhiều nhà hát để chung với nhau sản xuất ra một vở. Nhưng ở đây một mình Edinbourgh cõng hết. Bởi giám đốc của liên hoan thấy cần phải vậy, Thủy cần xuất hiện ở đó”, ông Sơn nhớ lại.

“Tôi đã xem và làm việc với thầy của Thủy là ông Min Tanaka người Nhật. Đó là một biên đạo múa giỏi. Tôi cũng chứng kiến sự loay hoay của múa đương đại vì hình như đến độ nào đó thì những chuyển động như thế cũng bị giới hạn. Thế thì chỉ có cách là tìm ra những chất liệu riêng cho mình, màu sắc riêng của mình. Khi đó tôi thấy Thủy trở về Việt Nam. Đó là một con đường”, ông Trần Lương nói.

Và người ta thấy rõ khi Thủy Easola trở về, chị có một chất liệu tốt là bạc vàng nghệ thuật cổ truyền của cha ông để lại ở Việt Nam. Cô cũng có những câu chuyện vẫn mang tính phổ quát chiến tranh - hòa bình nhưng lại có màu sắc riêng của đồng bằng Bắc bộ.

Câu chuyện của những bà nông dân ấy cùng Thủy tạo dựng một không gian múa riêng biệt khác hẳn với không gian chiến tranh Việt Nam mà Trung đội, Người Mỹ trầm lặng hay Đông Dương đã gây dựng. Với những tác phẩm như Hạn hán và cơn mưa, cô đã trở về, trở thành người đàn bà quỳ trên mảnh đất quê nhà. Một luống cày mới mà Thủy đã nhất định cày xới chăm bẵm để cuối cùng hạn hán cũng qua để mưa đến. 

Nhà báo Kiều Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI